Tuyệt vời khi trở lại Hà Nội

Trong cuộc họp báo chiều qua, cựu Đại sứ bày tỏ vui mừng khi được trở lại Việt Nam: “Tôi được quay trở lại Hà Nội, thành phố tuyệt vời, nơi gia đình tôi đã sống. Tôi gặp rất nhiều người bạn cũ”.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cho biết, trong chuyến công tác 2 ngày vừa qua tại Việt Nam, ông đã gặp gỡ Trưởng Ban Đối ngoại TƯ Đảng Lê Hoài Trung, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến và Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink. Ảnh: Tùng Đinh

Cựu Đại sứ Mỹ Kritenbrink cũng tham dự hội nghị về biến đối khí hậu, và trao đổi quan điểm với đại diện các doanh nghiệp ở Hà Nội. Tại Học viện Ngoại giao Việt Nam, ông đã có bài phát biểu chia sẻ về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông nhấn mạnh:

“Việt Nam đóng một vai trò trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Chiến lược của chúng tôi nhằm xây dựng năng lực tập thể của những đồng minh, đối tác và bạn bè, có cùng quan điểm và để thúc đẩy những lợi ích chung cũng như ủng hộ một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Chúng tôi làm như vậy để tất cả các bên có thể hợp tác với nhau, xây dựng một khu vực tự do và rộng mở, kết nối, an ninh, thịnh vượng và có sức chống chịu. Tôi có thể nói rằng, quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Mỹ rất coi trọng mối quan hệ song phương này. Hai quốc gia chúng ta có chung tầm nhìn về một trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này đóng vai trò nền tảng cho an ninh cũng như thịnh vượng của khu vực”.

Ông Daniel Kritenbrink khẳng định với Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Washington đang nỗ lực nâng cao năng lực của đối tác trong khu vực; nhận thức, năng lực hàng hải; đảm bảo xung đột khu vực được giải quyết hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế; đảm bảo việc thực thi các tuyên bố về hàng hải được đưa ra dựa trên luật pháp quốc tế. Theo ông, việc Việt Nam xem xét tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) ở cả 4 trụ cột, là tích cực và mang tính xây dựng.     

“Chúng tôi kỳ vọng hợp tác mang tính xây dựng trong khuôn khổ này nhằm đảm bảo mang lại lợi ích thiết thực cho người dân toàn khu vực trong những vấn đề thuộc 4 trụ cột là kinh tế số, chuỗi cung ứng, chuyển dịch năng lượng sạch và đầu tư vào cơ sở hạ tầng có chất lượng", ông nói.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho biết sẽ có nhiều hoạt động trong thời gian tới được đẩy mạnh nhằm kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt - Mỹ: “Chúng tôi mong muốn thúc đẩy hợp tác với các đối tác, bạn bè ở Việt Nam để có thể nâng mối quan hệ giữa hai quốc gia lên một tầm cao mới không chỉ trên danh nghĩa mà còn thực chất. Tôi tin tưởng rằng, hai nước sẽ tiếp tục củng cố, tăng cường hơn nữa mối quan hệ để nắm bắt những cơ hội chung và cùng nhau giải quyết những thách thức chung”.

Ông cũng hy vọng vào năm tới, có thể khởi công xây dựng trụ sở mới của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và đi vào vận hành Đại sứ quán mới của Việt Nam tại Washington. "Đây là hai sự kiện rất quan trọng, diễn ra đồng thời và có thể trở thành biểu tượng mạnh mẽ cho quan hệ đối tác song phương", ông chia sẻ.

Việt Nam sẽ là đối tác cùng Mỹ thúc đẩy quyền con người

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chúc mừng Việt Nam đã trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 và nhấn mạnh vấn đề quyền con người tiếp tục đóng vai trò là một trụ cột trung tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Ảnh: Tùng Đinh

“Chúng tôi chúc mừng Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ. Chúng tôi trông đợi và hy vọng rằng với tư cách là một thành viên quan trọng của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam sẽ hợp tác với chúng tôi trong việc thúc đẩy quyền con người. Chúng tôi cũng hy vọng rằng Việt Nam sẽ là đối tác của Mỹ trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng về nhân quyền trên thế giới. Tôi cũng đã có cơ hội trao đổi về các vấn đề về quyền con người trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam lần này trên tinh thần thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau”, ông nói.

Đề cập đến vấn đề này tại cuộc họp báo, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper bày tỏ cảm nhận về những biến chuyển "rõ như ban ngày” trong cuộc sống và sinh kế của người dân tại Việt Nam, điển hình 3 khía cạnh y tế, biến đổi khí hậu và cơ sở hạ tầng.

Về y tế, ông Knapper cho biết hợp tác Việt - Mỹ trong lĩnh vực này bắt đầu từ 15 năm trước, khi chương trình PEPFAR được khởi động để giúp Việt Nam phòng chống HIV/AIDS. Khi đó, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á tham gia chương trình. Hiện nay, ông Knapper cho biết hợp tác y tế đã trở thành một trụ cột trong quan hệ Việt - Mỹ. Ông nhấn mạnh sự cam kết của Chính phủ Việt Nam không chỉ ở cấp Trung ương, mà cả các chính quyền địa phương trong đối phó với HIV/AIDS, bệnh lao, và gần đây nhất là Covid-19.

Về biến đổi khí hậu, Đại sứ Mỹ nhắc lại cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ông nhận định sau cam kết của người đứng đầu Chính phủ, các nhà lãnh đạo địa phương đang nỗ lực rất nhiều để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân, đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển dịch năng lượng sạch.

“15 năm trước, tôi đi Hạ Long mất 4-5 tiếng trên con đường chỉ có 2 làn rất gồ ghề. Nhưng bây giờ tôi đến Hạ Long chỉ mất 2 tiếng trên một con đường cao tốc 6 làn. Sự phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam thể hiện qua việc nâng cấp, mở rộng đường sá, sân bay, có những tuyến đường đến vùng xa xôi như Tây Bắc hay Tây Nguyên… đã góp phần thúc đẩy kinh tế, du lịch, thu hút đầu tư, rất có lợi cho cuộc sống và sinh kế của người dân”, ông Knapper nói.

Trong cuộc bỏ phiếu ngày 11/10, Đại hội đồng LHQ đã bầu 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó có Việt Nam. Việt Nam nhận được 145/189 phiếu, chiếm gần 80%, thuộc nhóm cao nhất, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các ứng viên rất quyết liệt.

Nói về ý nghĩa của việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, cùng với các vấn đề an ninh, hòa bình và phát triển, vấn đề thúc đẩy và bảo đảm quyền con người là một trong ba trụ cột của LHQ. Việc trúng cử không chỉ minh chứng cho nỗ lực bền bỉ của Việt Nam trong việc thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người, mà còn khẳng định sự ủng hộ, tín nhiệm cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp quan trọng và có trách nhiệm của Việt Nam vào thúc đẩy quyền con người trên thế giới.