Sau 7 tháng đầu năm, nhập khẩu thiết bị bán dẫn của Trung Quốc tăng kỷ lục, đạt 26 tỷ USD trong bối cảnh nước này tiếp tục chi tiêu mạnh tay tích trữ máy móc nhằm đối phó với các biện pháp cấm vận chặt chẽ hơn nữa của Mỹ và đồng minh thời gian tới.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, các doanh nghiệp nước này đã mua gần 26 tỷ USD máy móc bán dẫn, cao hơn cả kỷ lục của năm 2021 - thời điểm Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan gia tăng áp lực kiểm soát xuất khẩu công nghệ.

2a9f9ca4 86c8 4985 89d1 c80b65f7b472_6ec69e85.jpeg
Trung Quốc đẩy mạnh tích trữ thiết bị đúc chip khi Mỹ không ngừng gia tăng áp lực kiểm soát xuất khẩu công nghệ. Ảnh: SCMP

Khối lượng hàng hoá mua từ Tokyo Electron, ASML và Applied Materials đều tăng vọt trong năm ngoái. Cũng trong khoảng thời gian này, doanh nghiệp Trung Quốc cũng mua nhiều hơn máy móc cấp thấp khi khả năng tiếp cận thiết bị cao cấp bị thu hẹp.

Xu hướng mua sắm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giúp xuất khẩu của Hà Lan sang Trung Quốc cũng đạt kỷ lục, vượt hơn 2 tỷ USD trong tháng 7.

Trong đó, doanh số của ASML sang đại lục tăng 21% trong quý 2, chiếm gần một nửa tổng doanh thu. Công ty trụ sở Eindhoven là nhà cung cấp duy nhất các thiết bị quang khắc tiên tiến cần thiết cho quá trình sản xuất chip cao cấp.

Về phía các công ty Trung Quốc, Bloomberg đưa tin vào năm ngoái, SMIC đã dựa vào thế hệ máy quang khắc đời cũ của ASML để tạo ra “đột phá” công nghệ (con chip Kirin 9000).

Không chỉ vậy, lĩnh vực sản xuất chip của đại lục dự kiến sẽ tăng sản lượng thêm 14%, lên mức 10,1 triệu tấm wafer mỗi tháng vào năm 2025, tương đương gần một phần ba sản lượng toàn cầu. Theo ước tính của nhóm thương mại SEMI, tính đến tháng 6 vừa qua, sản lượng bán dẫn của Trung Quốc đang tăng trưởng 15%.

(Theo SCMP)