Theo Eurasiantimes, các nhà khoa học tới từ Đại học công nghệ và kỹ thuật Sơn Đông (Trung Quốc), đã thành công sử dụng một vi điện cực được cấy vào trong não bộ của chim bồ câu nhằm ra lệnh chúng từ xa. Cung cấp năng lượng cho thiết bị điều khiển là một tấm pin năng lượng mặt trời được gắn trên lưng của chim bồ câu.

Giáo sư Huai Ruituo, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, vi điện cực sẽ tạo ra tín hiệu kích thích lên các vùng khác nhau trong não bộ của chú chim bồ câu, cho phép điều khiển nó bay theo một lộ trình định sẵn. Công nghệ này thực tế không mới, nhưng trước đây chúng chỉ có thể hoạt động được khoảng 45 phút do hạn chế về kích thước pin.

Bộ điều khiển chim bồ câu từ xa. Ảnh: JoBE

"Với các động vật hoạt động ngoài trời như chim bồ câu, pin mặt trời cho phép kéo dài thời gian và khoảng cách làm nhiệm vụ. Khi pin thấp, chúng tôi có thể hướng chúng tới các khu vực có nhiều ánh nắng hơn", Giáo sư Huai nói.

Ở thời điểm hiện tại, các chú chim bồ câu có thể tuân theo các mệnh lệnh di chuyển và thay hướng nhìn với độ chính xác khoảng 80-90%. Trong một số trường hợp, chim bồ câu sẽ không phản ứng với tín hiệu vì mệt mỏi, hoặc bị phân tâm vì một yếu tố bất ngờ. Thiết bị điều khiển chim bồ câu này là một giải pháp hữu hiệu cho việc giám sát an ninh trên bầu trời cũng như thu thập thông tin tình báo.

Bộ điều khiển gián từ xa của Nhật Bản. Ảnh: SD

Một nhà nghiên cứu tại Bắc Kinh tiết lộ, công nghệ điều khiển động vật có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực quân sự, không chỉ tại Trung Quốc mà trên toàn thế giới. Cách đây không lâu, các nhà khoa học Nhật Bản đã chế tạo thành công một bộ điều khiển gián, để sử dụng cho việc tìm kiếm những nạn nhân mắc kẹt vì động đất hoặc thu thập dữ liệu trong các khu vực có nồng độ phóng xạ cao.

Vào năm 2006, Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến Mỹ (DAPRA) đã công bố kế hoạch chế tạo thiết bị điều khiển sóng não với cá mập xanh, nhằm sử dụng cho việc tuần tra và bảo vệ các căn cứ hải quân. Gần đây nhất, DARPA được cho là đang nghiên cứu việc biến côn trùng thành công cụ phát hiện bom, thông qua việc cấy một vi mạch vào chúng khi vẫn ở giai đoạn kén.

Việt Dũng