“Trước một nước Trung Quốc không che giấu tham vọng trở thành cường quốc lớn, để có sự ổn định ở Đông Á rất cần sự hợp tác giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.” – GS Ezra Vogel.

LTS: GS Ezra Vogel là Giáo sư danh dự của Đại học Harvard, chuyên nghiên cứu về Đông Á. Tuần Việt Nam vừa có cuộc trò chuyện với ông xung quanh một số vấn đề nổi bật tại khu vực này.

Hiểu đúng, chính xác lịch sử

Thưa Giáo sư Vogel, nhiều mối quan hệ ngoại giao ở Đông Á đã trở thành con tin của lịch sử, chịu sự chi phối rất lớn của yếu tố đó. Hiện “vấn đề lịch sử” đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết giữa các nước Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc, ông bình luận như thế nào về điều này?

GS Ezra Vogel: Lịch sử đã diễn ra như thế nào ít nhiều phụ thuộc vào cách bạn suy nghĩ về nó. Mỹ từng là kẻ thù của Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ hai. Nhiều người Mỹ đã đổ máu trong cuộc chiến đó. Nhưng sau đó, hai nước đã trở thành đồng minh thân cận.

Nhân đây tôi nói chút xíu về mối quan hệ Mỹ và Việt Nam. Hai nước cũng từng là kẻ thù. Nhưng lịch sử đã là quá khứ, giờ đây, hai nước đang xích lại gần nhau hơn.

Quay trở lại câu chuyện Đông Á. Mối quan hệ láng giềng giữa Trung Quốc và Hàn Quốc thì lại khác. Những hận thù trong quá khứ, vẫn được lôi ra trong một số trường hợp để chỉ trích người láng giềng Nhật Bản. Những người Nhật Bản mà tôi được biết cho rằng, chiến tranh thì luôn tàn nhẫn, nhưng đó là chuyện của quá khứ, hiện giờ Nhật Bản là một đất nước yêu hòa bình, và họ luôn chủ động nói lời xin lỗi để hàn gắn vết thương trong quá khứ.

Tiếc rằng, Trung Quốc và Hàn Quốc thì vẫn còn đeo đẳng quá khứ, ở một số nơi, có lúc, họ vẫn cố tình sử dụng những mâu thuẫn trong lịch sử để kích động người dân nước này, chống lại nước kia. Chẳng hạn người Trung Quốc từng có những hành động tẩy chay đối với người Nhật.

{keywords}

GS Ezra Vogel trao đổi với phóng viên VietNamNet tại Boston, Hoa Kỳ. Ảnh: BGF

Không thể phủ nhận, các mối quan hệ hiện tại luôn phụ thuộc vào cách chúng ta ứng xử với quá khứ, đặc biệt trong quan hệ giữa hai quốc gia trong cùng khu vực.

Mối quan hệ giữa hai đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ ở Đông Á là Nhật Bản và Hàn Quốc nếu tiếp tục thất bại trong việc cải thiện những bất đồng gay gắt khởi nguồn từ lịch sử thì rõ ràng Trung Quốc sẽ hưởng lợi có đúng không, thưa Giáo sư?

GS Ezra Vogel: Về lâu dài, Trung Quốc sẽ trở nên mạnh hơn. Trước một nước Trung Quốc không che giấu tham vọng trở thành cường quốc lớn, để có sự ổn định ở Đông Á rất cần sự hợp tác quân sự giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hàn Quốc đã có quan hệ về kinh tế với Trung Quốc tốt hơn với Mỹ mặc dù quan hệ chính trị thì gắn bó với Mỹ hơn. Do đó, sẽ rất khó cho Hàn Quốc để tìm ra cách hành xử ra sao cho hợp lý.

Ngoài ra còn một vấn đề khác trong khu vực cũng thu hút sự quan tâm của công luận, đó là một Triều Tiên thống nhất sẽ như thế nào? Trong trường hợp này, liệu một nước Triều Tiên thống nhất sẽ trở thành đồng minh của Trung Quốc hay với Mỹ.

Mặc dù vẫn duy trì quân đội ở Hàn Quốc, nhưng người Mỹ cũng đã tính đến tương lai, khi hai miền Triều Tiên sẽ thống nhất. Những trao đổi thẳng thắn với Trung Quốc, một nước đóng vai trò quan trọng trong khu vực và cũng là đồng minh thân cận của Triều Tiên là việc làm cần thiết cho tương lai khu vực.

Nhà báo Lan Anh: Năm ngoái, có một sự kiện thu hút sự quan tâm của công luận quốc tế. Đó là việc Trung Quốc dành hai ngày để tưởng nhớ “Ngày chiến thắng chống quân xâm lược Nhật Bản” và “Ngày tưởng niệm vụ Thảm sát Nam Kinh”. Ông bình luận thế nào về cách một số lãnh đạo quốc gia đã sử dụng cái gọi là chủ nghĩa dân tộc?

GS Ezra Vogel: Ví dụ, một quốc gia rất rộng lớn như Trung Quốc, người giàu có, kẻ nghèo có, mỗi vùng lại có những đặc thù riêng, thì giới lãnh đạo rất cần những chiến lược đặc biệt.

Thông thường, để giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ sau, những người đi trước luôn nói về chiến tranh, luôn nói về những mất mát, thua thiệt, khốn khó mà họ từng trải nghiệm nhằm lay động tình cảm, lôi kéo và thuyết phục người dân ủng hộ.

Quay trở lại câu chuyện của khu vực Đông Á. Rõ ràng, các nước này không thể thay đổi quá khứ, theo ông, có cách nào để giúp họ có thể vượt qua những mâu thuẫn quá khứ như chúng ta đang thấy?

GS Ezra Vogel: Để tìm ra lối thoát khỏi những rào cản xung đột trong lịch sử thì chúng ta cần phải hiểu đúng và chính xác những gì đã diễn ra trong lịch sử. Và như vậy hãy nói thật, nói đúng như những gì lịch sử đã diễn ra.

Còn cách đối diện quá khức, hãy nhìn cách làm của ông Nelson Mandela. Ông ấy đến Liên hợp quốc và nói rõ là sẵn sàng tha thứ để hướng về tương lai. Tôi nghĩ đây là cách để các nước xóa bỏ thù hận vì tương lai mới là quan trọng. Lịch sử có thế nào thì cuối cùng chúng ta cũng luôn phải tìm đến sự hòa giải, tha thứ và tiến về phía trước.

Nhật muốn đóng vai trò lớn hơn

Vẫn liên quan đến khu vực Đông Á, xin được chuyển sang một nội dung khác cũng đang thu hút sự quan tâm của công luận. Theo thông tin gần đây, Trung Quốc xác nhận đã có 57 quốc gia trở thành thành viên sáng lập của AIIB, tuy nhiên, lại không có Nhật Bản – nước được kỳ vọng do có tiềm lực kinh tế khổng lồ. Liệu sự ra đời của AIIB có làm lạnh thêm quan hệ Nhật– Trung vốn luôn căng thẳng?

GS Ezra Vogel: Khi lập một ngân hàng quốc tế, thường người ta muốn tính đến cái lợi cho mình trước. Trong trường hợp Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhiều hợp đồng xây dựng được dành cho các công ty Nhật Bản. Ở châu Á hiện nay, với Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB), họ cũng sẽ ký nhiều hợp đồng với các quốc gia khu vực để giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng và nhiều hợp đồng đó sẽ rơi vào tay Trung Quốc.

Hiện nay, trong chính quyền Mỹ vẫn chưa có sự thống nhất về cách phản ứng trước việc Trung Quốc thành lập AIIB. Không thể phủ nhận, người Mỹ đã chưa sẵn sàng và chưa xử lý tốt về việc này. Chính phủ Mỹ đã khá bối rối khi nhiều nước bày tỏ muốn tham gia. Tôi nghĩ, nhiều khả năng Mỹ cũng có thể tham gia.

{keywords}

Tàu Cảnh sát biển Nhật Bản áp sát tàu Hải giám Trung Quốc trên vùng biển quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Ảnh: Asahi Shimbun

Ông có cho rằng Trung Quốc sẽ được hưởng lợi thế nào từ sáng kiến này?

GS Ezra Vogel: Sẽ rất có lợi cho Trung Quốc khi thành lập một ngân hàng như vậy. Từ sáng kiến này, Trung Quốc sẽ nhận được sự hợp tác từ những nước liên quan. Và dĩ nhiên họ cũng thu được lợi nhuận.

Như chúng ta biết, những năm qua, khu vực công nghiệp của Trung Quốc đã phát triển rất nhanh. Chỉ riêng sản lượng thép và một số nguyên quan trọng khác trở nên dồi dào. Điều này cho phép họ có thể đầu tư, hỗ trợ những nước khác, nơi mà họ đang nhắm tới. Việc có một ngân hàng như AIIB sẽ giúp Trung Quốc phục vụ lợi ích kinh tế, chính trị của mình.

Ngay cả những sinh viên xuất sắc của Harvard cũng đang được AIIB chiêu mộ. Kể ra điều đó cho thấy, Trung Quốc đang rất quyết tâm đưa AIIB đi vào hoạt động.

Theo ông, vì sao Nhật Bản lại từ chối tham gia AIIB?

GS Ezra Vogel: Theo tôi, ông Shinzo Abe tỏ ra thận trọng. Có rất nhiều lý do khiến ông ấy chưa quyết định tham gia ngân hàng này vào lúc này. Tuy nhiên theo tôi biết, cũng đã có những thảo luận ban đầu của chính phủ của ông Abe và phía AIIB.

Cuối tháng 4 vừa rồi, tại cuộc hội đàm cấp cao, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhất trí mở rộng liên minh song phương ra quy mô toàn cầu nhằm đảm bảo hòa bình và thịnh vượng trong và ngoài châu Á-Thái Bình Dương. Ông đánh giá ra sao về động thái này?

GS Ezra Vogel: Như các bạn biết đấy, hồi những năm 1990, do những điều kiện trong nước, Nhật Bản thay Thủ tướng gần như mỗi năm một lần. Hiện giờ ông Abe đã và đang tại vị lâu hơn các vị tiền nhiệm. Đây sẽ là thời điểm tốt để ông ấy triển khai bàn thảo những vấn đề dài hạn.

Kết quả chuyến thăm Mỹ vừa rồi cho thấy, Thủ tướng Nhật đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho mục đích chuyến thăm. Ông ấy đã thể hiện sẽ đảm nhận trách nhiệm và sẽ có những đóng góp nhiều hơn đối với thế giới.

Những tín hiệu từ ông Abe cũng cho thấy, ông ấy và chính phủ Nhật đang có những quyết tâm sẵn sàng cho các mối quan hệ quốc tế cũng như đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo hòa bình và thịnh vượng trong và ngoài châu Á-Thái Bình Dương.

Câu hỏi cuối cùng, Mỹ và Trung Quốc được xem như là hai cường quốc lớn mạnh nhất hiện nay. Theo ông, quan hệ Mỹ - Trung sẽ chi phối thế giới như thế nào trong kỉ nguyên mới?

GS Ezra Vogel: Tôi nghĩ Mỹ và Trung Quốc cần ngồi lại với nhau, cùng nhau thảo luận về các vấn đề khu vực và thế giới.

Không giống như quan hệ đồng minh với Nhật Bản, quan hệ Trung – Mỹ vẫn còn những rào cản và không hề dễ dàng từ quá khứ cho tới hiện tại. Nhưng trong một thế giới hội nhập và ràng buộc hiện nay, hai nước này sẽ động thái tích cực hơn vì họ đều có liên quan mật thiết không chỉ gói gọn trong khu vực Đông Á, mà còn liên quan tới các khu vực khác như ASEAN và Châu Á-Thái Bình Dương.

GS Ezra Vogel là Giám đốc thứ hai của trung tâm Nghiên cứu Đông Á John Fairbank (từ 1972-1977) của ĐH Harvard và Chủ tịch thứ 2 của Hội đồng Nghiên cứu Đông Á (1977-1980). Ông là Giám đốc danh dự của Chương trình Quan hệ Nhật – Mỹ tại Trung tâm Đối ngoại thuộc Trung tâm Các vấn đề quốc tế năm 1987.

Giai đoạn 1995 – 1999, ông là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Á Fairbank. 1997 – 1999: Giám đốc đầu tiên của Trung tâm châu Á. Ông đã từng xuất bản một số cuốn sách như: “Đặng Tiểu Bình và thời đại của ông”, “Sống với Trung Quốc”.

Hiện ông là Thành viên Hội đồng các nhà tư tưởng của Diễn đàn toàn cầu Boston.

 Lan Anh