Khoảng một vài năm trở lại đây, gió đã đổi chiều với các chaebol. Sự phản kháng từ công chúng ngày càng lớn, được hỗ trợ bởi các công cụ mới.

Khi bắt máy bay quay về cổng chờ để trừng phạt tiếp viên trưởng do “phục vụ không chu đáo”, có lẽ bà Heather Cho, con gái chủ tịch hãng Korean Air, không ngờ rằng hậu quả lại khủng khiếp như vậy. Sự cố này thổi bùng lên cơn giận dữ âm ỉ của công chúng Hàn Quốc, khiến nhà chức trách phải vào cuộc. Bà Cho bị kết án một năm tù giam vì tội vi phạm an toàn hàng không, hành hung nhân viên và lợi dụng chức quyền để cản trở quá trình điều tra.  

Sự việc sẽ không có gì đáng nói nếu đây là một trong những lần hiếm hoi thành viên của một Chaebol phải chịu án tù. Vào năm 2007, một người thuộc chaebol, chủ tịch Hyundai Chung Mong-koo, bị tuyên án ba năm tù tội gian lận nhưng sau đó được thả vì chính phủ coi ông là quá quan trọng với nền kinh tế (1). Đổi lại, ông Chung thực hiện lao động công ích và đóng một tỷ đô la vào quỹ từ thiện.

{keywords}

Heather Cho đã bị kết án một năm tù giam vì những hành động của mình. Ảnh: News1/ Reuters

Quyền lực của chaebol

Korean Air và Hyundai đều được gọi là chaebol, dịch theo nghĩa đen tiếng Hàn Quốc là tài phiệt. Đây là những nhóm tập đoàn theo hướng “gia đình trị”, có ảnh hưởng quyết định đến nền kinh tế xứ Kim Chi. Các tập đoàn này được tổ chức bằng cách gom lại những công ty độc lập trên danh nghĩa, tuy nhiên chịu sự quản lý về mặt hành chính và tài chính của một gia đình. Người đứng đầu chaebol là một chongsu, người quản lý không chính thức và không được bổ nhiệm, nhưng lại có quyền đưa ra những quyết định tối cao (2).

Chaebol có chân rết lan toả khắp mọi ngóc ngách của nền kinh tế, tham gia vào những ngành dường như không có chút liên hệ nào với nhau như công nghiệp nặng cho đến thể thao và giải trí. SK Group, chaebol lớn thứ hai Hàn Quốc, có đến 95 công ty thành viên.

Chaebol ra đời từ những năm 1960, sau chính sách thúc đẩy công nghiệp hoá của tổng thống Park Chung-hee (cha của đương kim tổng thống Park Geun-hye). Chính các chaebol là lực đẩy chính tạo ra “kỳ tích sông Hàn”, đưa quốc gia này từ khốn cùng bởi chiến tranh trở thành cường quốc kinh tế trong khu vực và trên thế giới chỉ sau 30 năm. Hiện tại, 20 chaebol lớn nhất có tài sản tương đương 85% GDP của Hàn Quốc (2).

Thế nhưng, nói như nhà sử học người Anh John Dalberg-Acton, quyền lực tuyệt đối thì sự tha hoá cũng tuyệt đối. Cùng với sức mạnh kinh tế của mình, chaebol nhiều lúc trở thành “kiêu binh”. Về kinh tế, các chaebol nhận được nhiều ưu đãi từ nhà nước như vay với lãi suất thấp, hỗ trợ về thuế và mặt bằng, cũng như hỗ trợ khi mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Trước năm 1997, việc các chaebol bị phá sản là không tưởng, bởi chính quyền luôn là “người cho vay cuối cùng” để cứu vớt các chaebol gặp vấn đề.

Thêm vào đó, do mối quan hệ chặt chẽ giữa của chaebol với chính quyền, cũng như quyền lực tài chính của các tập đoàn này, họ gần như bất khả xâm phạm trước pháp luật. Ví dụ tiêu biểu nhất là scandal của ông Lee Kun-hee, chủ tịch tập đoàn Samsung, chaebol lớn nhất Hàn Quốc, vào năm 2008. Khi đó ông Lee bị buộc tội tham nhũng, hối lộ, và trốn thuế. Công tố viên đề nghị ông chịu án bảy năm tù giam và nộp hơn 300 triệu USD tiền phạt. Tuy vậy, ông được cựu tổng thống Lee Myung-park ân xá chưa đầy một năm sau đó, và chỉ phải nộp phạt khoảng 98 triệu USD (3).

Trong một xã hội có thể chế dân chủ và pháp quyền như Hàn Quốc, những sự việc trên khiến công chúng hết sức bất mãn. Đặc biệt là sau cuộc Khủng hoảng tài chính Đông Á 1997, khi nhiều người cho rằng chính chaebol với hệ thống quản trị không minh bạch và vay nợ nhiều là nguyên nhân chính của khủng hoảng (4), thì tâm lý không hài lòng với chaebol của người dân ngày càng tăng lên. Có ý kiến còn cho rằng nền kinh tế phụ thuộc vào chaebol chính là nhân tố trì trệ khiến Hàn Quốc chững lại trong phát triển (5).  

Các vị tổng thống lên nắm quyền từ sau cuộc Khủng hoảng Đông Á (Kim Dae-jung, Roh Moo-hyun, Lee Myung-bak, và Park Geun-hye) đều nỗ lực cải tổ chaebol, nhưng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Hoàng hôn của đế chế?

Khoảng một vài năm trở lại đây, gió đã đổi chiều với các chaebol. Sự phản kháng từ công chúng ngày càng lớn, được hỗ trợ bởi các công cụ mới, trong khi chính quyền của tổng thống Park Geun-hye tỏ ra cứng rắn hơn các tiền nhiệm trong việc xử lý vi phạm từ các tập đoàn này.

Nếu như trước đây, những cổ đông nhỏ gần như không có tiếng nói gì trong việc thay đổi các chính sách quản trị của chaebol, thì bây giờ, với internet, họ đã có thể dễ dàng kết nối với nhau nhằm tạo ra sức mạnh lớn hơn.

Ví dụ điển hình trong số đó là cộng đồng 35 nghìn nhà đầu tư thiểu số của Navistock, một công ty nhỏ ở Seoul chuyên vận động thay đổi cách quản trị của chaebol. Kim Jung-hyun, giám đốc của Navistock, từng mất đến 2,8 triệu đô la do đầu tư vào một công ty con của chaebol, mà sau đó bị loại ra khỏi sàn chứng khoán do gian lận kế toán. Ông thành lập công ty này để các nhà đầu tư khác không rơi vào hoàn cảnh như mình (6).

Thêm vào đó, mạng xã hội đã trở thành phương tiện lợi hại để kiềm toả các chaebol. Những vụ lạm dụng quyền lực của lãnh đạo các tập đoàn này được phát tán nhanh chóng trên internet, khiến họ không chỉ “mất mặt” mà nhiều khi còn mất cả ghế.

Ở sự cố Namyang vào năm 2013, một người bán hàng của công ty sữa Namyang Dairy Products lăng mạ và doạ giết một nhà phân phối của hãng, do người này không mua thêm sản phẩm vì hết chỗ. Sự cố này được quay lại và phát lên YouTube, khiến cho khách hàng tẩy chay sản phẩm của công ty. Namyang sau đó buộc phải xin lỗi và sa thải nhân viên nói trên (7).

“Trong quá khứ, những hành vi lạm quyền không được công chúng biết đến do thiếu kênh thông tin. Nhưng hiện tại, điều này thay đổi với việc mạng xã hội cho phép khách hàng chia sẻ đủ loại thông tin và đoàn kết với nhau để chống lại các hành vi sai trái từ các công ty,” Ông Chung Sun-sup, một nhà báo Hàn Quốc cho biết trên Financial Times.

Tại Hàn Quốc, những phong trào như của Navistock, và mạng xã hội được đánh giá sẽ góp phần mang “quyền lực cho kẻ không có quyền lực” tạo nền tảng cho cuộc cải cách “dân chủ hoá kinh tế” mà chính quyền Hàn Quốc đang muốn thực thi. Những áp lực này, cùng với mức độ cạnh tranh toàn cầu ngày càng tăng, đòi hỏi các chaebol phải tự thay đổi chính mình, trước hết là về cách ứng xử với công chúng và pháp luật.

“Có một làn sóng về dân chủ trên mạng xã hội Hàn Quốc rằng chaebol không nên được phép cư xử như đứng trên luật pháp nữa,” Kwon Young-joon, giáo sư thương mại tại ĐH Kyung Hee nói (8).

Có lẽ hơn ai hết, có lẽ bà Heather Cho là người thấm thía nhất nhận định này.

Nguyễn Khắc Giang (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - VEPR)

---------

Tài liệu trích dẫn

(1) BBC News (2007). Guilty Hyundai boss escapes jail.

(2) Chang, S. J. (2003). Financial crisis and transformation of Korean business groups: The rise and fall of chaebols. Cambridge university press.

(3) The Verge (2012). King of Samsung: a chairman's reign of cunning and corruption

(4) Murillo, D., & Sung, Y. (2013). Understanding Korean Capitalism: Chaebols and their Corporate Governance. ESADE geo Center for Global Economy and Geopolitics Position Paper, 33.

(5) Bloomberg (2012). Reining In South Korea's Chaebol?. Song Jung-a (2013). Pressure mounts on chaebol chiefs. Financial Times.

(7) Song Jung-a (2013). Chaebol under fire amid South Korean scandals. Financial Times.

(8) Munroe and Kim (2014). Special no more? Holding Korean chaebol to higher account. Reuters.