Chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4/2023) và hướng đến kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa ra mắt cuốn sách Những lá thư thời chiến ở Việt Nam.
Hầu hết tác giả của các lá thư thời chiến đến nay đã không còn, từng cánh thư tay mong manh, nhỏ bé với những dòng chữ viết vội trên trang giấy ố vàng bởi dấu vết thời gian đã trở thành chứng nhân lịch sử vô cùng sinh động về lý tưởng sống cao đẹp, hy sinh và cống hiến cho độc lập, tự do của dân tộc của cả một thế hệ; minh chứng sâu sắc về tình yêu gia đình, tình yêu lứa đôi hòa quyện với tình yêu quê hương, Tổ quốc, góp phần làm nên những trang sử hào hùng không thể nào quên của dân tộc Việt Nam.
200 lá thư là 200 câu chuyện kể vô cùng đa dạng và phong phú, sinh động và cảm động về những người lính nơi chiến trường, thấm đẫm hiện thực cuộc sống chiến đấu của những năm tháng oanh liệt, hào hùng của lịch sử dân tộc; cũng là 200 ký ức, nguyện ước, tâm tình đong đầy cảm xúc và lý tưởng cao đẹp của các anh, các chị.
Mỗi lá thư thời chiến đã trở thành cầu nối giữa tiền tuyến và hậu phương, ghi tạc và hiển hiện chân thực thế hệ thanh niên hào hoa ra trận, mang trong mình tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương, gia đình mãnh liệt; một lòng tin tuyệt đối vào Đảng, Bác Hồ; một ý chí chiến đấu cao, sự sẵn sàng hy sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân - một thế hệ hào hoa mãi mãi trường tồn cùng lịch sử dân tộc.
Nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng cho biết, trong thời gian kháng chiến đời sống của người Việt Nam rất nghèo, nhiều gia đình không có ảnh của bộ đội khi ra chiến trường, cho nên khi người lính hy sinh, các gia đình đều lấy những thư tay gửi về, để lên bàn thờ và xem đó là di vật hết sức thiêng liêng.
"Những người lính, khi họ viết thư tay, họ không hề biết sau này sẽ được xuất bản thành sách, do đó những lá thư phản ánh chân thực nhất toàn bộ đời sống, tình cảm của họ, điều đó tạo nên sự trung thực đến tận cùng của cuốn sách này. Điều thiêng liêng còn nằm ở chỗ, có thể là những lá thư cuối cùng của người lính", nhà báo Đặng Vương Hưng chia sẻ.