Đứa con nuôi đầu tiên
Bai Jian sinh ra trong một gia đình nghèo có 5 anh em ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Hoàn cảnh lúc đó thiếu thốn, Bai Jian chưa bao giờ có được một bữa no. Trong điều kiện như vậy, việc học hành giống như một điều xa xỉ với trẻ em nông thôn.
Nhưng vì là con út trong gia đình nên Bai Jian được đi học. Ở trường, Bai Jian rất tích cực tham gia các cuộc thi thể thao, nhiều lần giành giải nhất môn chạy. Giáo viên đề nghị anh tập trung luyện tập thể thao, đại diện cho trường đi thi.
Nghe theo lời khuyên của giáo viên, Bai Jian tập trung cho thi đấu, đồng thời cố gắng không bị thua kém trong việc học. Năm 1991, Bai Jian là học sinh đầu tiên trong làng thi đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm Cẩm Châu.
Sau khi tốt nghiệp, Bai Jian được phân công trở thành giáo viên dạy thể dục tại trường Trung học cơ sở số 2 An Sơn. Lúc này, anh mới 21 tuổi. Cũng chính tại ngôi trường này, anh đã nhận nuôi đứa con đầu tiên.
Đứa trẻ tên là Haohao, nổi tiếng nghịch ngợm, vô kỷ luật, không có bạn bè trong lớp. Giáo viên rất đau đầu vì Haohao. Họ biết gia đình cậu khó khăn, thậm chí không đóng nổi học phí. Có thể Haohao sẽ sớm phải nghỉ học.
Sau khi nghe kể về Haohao, Bai Jian không ngần ngại, đề nghị chuyển Haohao tới ký túc xá giáo viên nơi mình ở và chịu trách nhiệm chăm sóc cậu bé.
Lúc này, lương tháng của Bai Jian chỉ hơn 100 Nhân dân tệ (hơn 350 nghìn đồng). Từ lúc nhận chăm sóc Haohao, việc tiết kiệm tiền càng khó khăn hơn. Vì lý do này, lúc rảnh rỗi, anh đã ra ngoài làm công nhân, dành dụm được 1.000 Nhân dân tệ nhưng số tiền này đột nhiên biến mất.
Bai Jian biết Haohao nghiện internet. Anh nghĩ Haohao có thể đã lấy tiền nên đã tới các quán internet để tìm. Haohao không hề cảm thấy tội lỗi trước mặt Bai Jian, nói không lấy trộm tiền. Bai Jian rất tức giận và đau lòng, nhưng cố chịu đựng để đưa Haohao về ký túc xá trước.
Trở lại trường học, Bai Jian không nhắc đến số tiền kia nữa. Vài ngày sau, Haohao dường như cảm thấy áy náy nên đã cư xử tốt hơn.
Vì mất số tiền cực khổ mới kiếm được, Bai Jian chỉ có thể cho Haohao ăn uống đạm bạc, không có chút dinh dưỡng nào. Anh là giáo viên thể dục, phải vận động nhiều nên đã ngã bệnh, Haohao nhìn thấy cảnh này mà bật khóc.
Lúc này, Haohao mới nhận thấy Bai Jian thực sự tốt với mình nên đã thú nhận việc ăn trộm và trả lại tiền. Haohao nói cha ruột cậu còn không tốt bằng Bai Jian. Cậu bé hỏi liệu anh có thể trở thành cha cậu không. Nhìn thấy Haohao thay đổi, anh vui mừng ôm cậu bé vào lòng.
Dưới sự giáo dục và nuôi nấng của Bai Jian, sau này Haohao trở thành một công chức Nhà nước. Trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, Haohao nói chính Bai Jian là người đã khiến cậu thực sự hiểu được ý nghĩa của cuộc sống.
Ngôi nhà mơ ước
Sau Haohao, Bai Jian lần lượt nhận nuôi nhiều đứa trẻ nghèo khác. Tất cả đều là những đứa trẻ bị gia đình bỏ rơi. Một số vì gia đình nghèo khó, số khác bị khuyết tật. Bai Jian đối xử với những đứa trẻ như con ruột của mình.
Anh không chỉ chăm sóc mà còn lập kế hoạch học tập, đảm bảo cho những đứa trẻ có được một cuộc sống tốt đẹp sau này.
Trong vài năm, Bai Jian đã nhận nuôi gần 10 đứa trẻ. Ký túc xá của giáo viên không đủ chỗ cho đám trẻ, nên anh đã thuê một căn nhà bên ngoài.
Năm 1998, Bai Jian nhận nuôi cô con gái đầu tiên. Dù là người trưởng thành và trước đó đã nhận nuôi nhiều cậu bé, nhưng cuộc sống của Bai Jian vẫn có chút bất tiện. Anh nghĩ tới mẹ mình, nếu có mẹ ở đây có lẽ mọi thứ sẽ thuận tiện hơn.
Lặn lội từ quê nhà tới, người mẹ chết lặng. Bà choáng váng khi thấy con trai cưu mang hàng chục đứa trẻ trong mấy năm qua. Nghe những lời giải thích của con trai, bà chỉ mỉm cười bất lực. Bà ở lại giúp Bai Jian chăm sóc những đứa trẻ này.
Chị của Bai Jian và những người thân khác cũng thỉnh thoảng tới hỗ trợ. Thậm chí, gia đình người chị còn đưa nửa số tiền lương của họ cho Bai Jian để nuôi bọn trẻ.
Khi số lượng trẻ em ngày càng tăng, Bai Jian dần trở nên nổi tiếng. Anh đặt tên cho đại gia đình này là "Ngôi nhà mơ ước".
Anh rất quan tâm tới thế giới nội tâm của bọn trẻ. Những đứa trẻ này đều đã trải qua quá nhiều tổn thương và đau khổ. Nhiều đứa trẻ khi mới đến không muốn mở lòng, chọn cách khép kín, trông giống như những con thú nhỏ sợ hãi.
Nhìn thấy những tổn thương trong mắt bọn trẻ, lòng anh đau nhói. Anh cố gắng cởi bỏ những “nút thắt” trong lòng bọn trẻ.
Đối với những đứa trẻ học kém, dù có chăm chỉ tới đâu cũng khó theo kịp các bạn cùng lớp, Bai Jian khuyến khích chúng tập chạy marathon. Anh tin rằng thể thao rất công bằng, nếu nỗ lực sẽ thành công.
Trong 29 năm, Bai Jian đã nhận nuôi 276 đứa trẻ, đồng thời anh cũng gánh một khoản nợ lớn. Nhìn những đứa trẻ lần lượt bước ra khỏi bóng tối, anh cảm thấy mọi việc mình làm đều đáng giá.
Thông qua tập luyện thể thao, nhiều đứa trẻ đã tìm được con đường tiến lên trong tương lai. Nhiều em đã được nhận vào đại học, một số đã trở thành vận động viên.
Bai Jian không quá coi trọng thành tích mà các con của mình đạt được. Nhiệm vụ của anh là nuôi dạy chúng mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Anh sẽ rất vui nếu bọn trẻ quay trở lại thăm cha mình vào một ngày nào đó.
Vì dành phần lớn thời gian và sức lực cho việc con nuôi nên Bai Jian hiếm khi nghĩ đến bản thân, mãi cho đến năm 46 tuổi anh mới kết hôn.
Sau khi "ngôi nhà mơ ước" trở nên phổ biến trên mạng, Bai Jian đã nhận được sự quyên góp từ nhiều mạnh thường quân, mọi khoản nợ đều được trả hết, cuộc sống của bọn trẻ trở nên tốt đẹp hơn nhiều.
Cặp đôi bà cháu định xin con nuôi hoặc nhờ người mang thai hộ
Sự thật được tiết lộ sau 21 năm làm con nuôi
Lần gặp gỡ đầu tiên sau 21 năm xa cách, bà sợ tôi bị sốc nên đã cố kìm nén nước mắt và không ôm tôi vào lòng. Tôi cũng không nhìn thẳng vào bà.