Phần 1: Nỗi hận thù 21 năm của chàng trai bị bắt cóc lúc 4 tuổi
Khi tôi xem một buổi phát trực tiếp của Tang Weihua - một phụ nữ có con trai bị bắt cóc, tôi đã rơi vào trạng thái tồi tệ nhất của cuộc đời mình. Tôi sợ rằng mình thực sự bị bỏ rơi và bố mẹ đẻ không bao giờ đi tìm mình. Mỗi lần Tang “live-stream”, tôi đều trốn bố mẹ nuôi ra sau đồi để xem.
Vào thời điểm đó, tôi được đưa vào một nhóm những người có thể là con trai của Tang. Thông qua quản trị viên, tôi được kết nối với Tang và có một cuộc trò chuyện với bà. Tôi không biết nói gì ngoài việc kể cho bà về tuổi thơ của tôi, và bà đã nói với tôi đại ý là: “Đừng sợ, con trai, có mẹ ở đây”.
Suốt đời mình, tôi chưa từng được gọi như vậy. Chúng tôi trò chuyện với nhau nhiều lần và bà đã khuyên tôi đi lấy mẫu máu.
Ngay sau đó, bố mẹ nuôi bắt đầu nhận thấy những thay đổi ở tôi. Họ cấm tôi xem chương trình. Hôm đó, tôi và mẹ nuôi đã xảy ra cãi vã. Trong lúc bực bội, tôi uống rượu và chạy ra sau núi để xem chương trình phát sóng của Tang. Tôi bị ngã đập đầu, dân làng phải đưa tôi đi bệnh viện. Từ ngày hôm đó, mẹ nuôi giám sát tôi chặt chẽ, tịch thu điện thoại và chặn Tang trên WeChat.
Khi ở trong bệnh viện, tôi đã nghĩ đến việc chia sẻ với người khác những trải nghiệm của tôi với gia đình nhận nuôi mình. Một số người trên mạng nghi ngờ liệu có phải Tang dựng chuyện để câu “view” không. Sau khi suy nghĩ, tôi quyết định viết một lá thư cho Tang để bà đọc trong buổi phát trực tiếp.
Sau bức thư ấy, một số người càng đinh ninh rằng tôi là một nhân vật không có thật, rằng câu chuyện được bịa ra để lấy sự cảm thông của họ. Ngược lại, cũng có nhiều người xúc động và không hài lòng về cách đối xử của bố mẹ nuôi tôi. Họ đặt câu hỏi: “Mua một đứa trẻ mà lại không yêu nó à?”.
Cộng đồng mạng khuyên tôi nên lấy mẫu máu để tìm gia đình thực sự của mình. Nhưng tôi lo lắng cho bố mẹ nuôi của mình, sợ rằng họ sẽ cảm thấy suy sụp và chúng tôi sẽ xảy ra mâu thuẫn. Tôi cũng sợ dân làng phát hiện ra và mắng chửi tôi là kẻ vô ơn.
Cuối cùng, tôi quyết định lấy mẫu máu, nhưng chỉ để cho cha mẹ ruột của tôi biết rằng tôi đã trưởng thành mà không cần có họ.
Căn nhà nhỏ của Ling Dong được xây phía sau đồi. |
Cha mẹ nuôi tôi khi biết chuyện đã tìm mọi cách ngăn cản. Mẹ nuôi tôi bị suy nhược và uống thuốc sâu tự tử. Vào ngày thứ tư sau khi bà nhập viện, tôi chính thức được thông báo rằng sau 2 vòng đối chiếu, DNA của tôi đã được ghép thành công với một cặp vợ chồng ở Chiết Giang, phía tây nam Thượng Hải.
Chính quyền và các tình nguyện viên khuyên tôi rất nhiều về việc nên hội ngộ gia đình nhưng tôi kiên quyết không gặp. Tôi chỉ muốn tìm ra sự thật và trả thù họ. Tuy nhiên, gia đình tôi đã không từ bỏ. Họ gửi cho tôi những món trái cây mà tôi yêu thích khi còn nhỏ.
Bà và chú tôi lái xe từ Chiết Giang đến Quảng Tây để gặp tôi nhưng tôi từ chối gặp mặt.
Sau vài ngày, tôi bình tĩnh trở lại. Tôi nghĩ, mình phải đưa bà ấy rời khỏi đây, nếu không tôi không thể sống bình yên được. Vậy là tôi đồng ý gặp họ ở văn phòng của chính quyền. Bà sợ tôi bị sốc nên đã cố kìm nén nước mắt và không ôm tôi vào lòng. Tôi cũng không nhìn thẳng vào bà.
Họ nói cha mẹ đẻ đã tìm kiếm tôi suốt nhiều năm trời. Mẹ tôi đã mất từ sớm, còn bố tôi mới mất chưa đầy 4 tháng. Khi nghe những điều đó, tất cả gánh nặng chồng chất trong tôi như sụp đổ. Tôi ngồi sụp xuống sàn và không cho ai đến gần mình.
Sau bữa tối, tôi về Chiết Giang với chú và bà. Suốt chặng đường, tôi không nói một lời nào. Về đến nhà, họ hàng, làng xóm ra đón chúng tôi trong tiếng chiêng trống và pháo nổ. Mọi người sờ tay, tóc, kiểm tra các đặc điểm để xác nhận tôi. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy bộ quần áo mình mặc khi còn nhỏ, cả chiếc ghế dài và bàn chải đánh răng của tôi cũng vẫn còn.
Từ khi tôi bị bắt cóc, trạng thái tinh thần của mẹ tôi không ổn định. Thỉnh thoảng bà bỏ đi nhiều ngày không về. Bố tôi phải đi tìm mẹ, trên tay cầm 2 bức ảnh, 1 của tôi, 1 của mẹ.
Mẹ mất khi em gái tôi mới được vài tuổi, chẳng để lại gì ngoài 2 bức ảnh mà bố tôi giữ lại. Em gái tôi được giao cho bà nội chăm sóc, còn bố tôi đi làm ở xa. Đi đâu ông cũng hỏi về tung tích của tôi. Việc bố mẹ đi tìm tôi như thế nào, bà tôi miễn cưỡng phải kể lại cho tôi nghe.
Bà và em gái đã ở bên tôi suốt ngày hôm đó. Tôi thực sự cảm thấy như đang ở nhà mình. Mọi hành động của họ đều khiến tôi thấy ấm áp - một cảm giác mà tôi chưa từng có ở nhà bố mẹ nuôi.
Bát súp Ling Dong được bà nội nấu cho ăn. |
Bà nói phải nấu cho tôi ăn bữa đầu tiên khi về nhà, còn em gái tôi thì làm trà sữa cho tôi uống. Họ chuẩn bị những món hải sản mà tôi chưa bao giờ được ăn. Tôi hiếm khi được ăn những thứ như thế này, thậm chí còn không biết cách ăn ốc. Mặc dù vẫn còn chưa thoải mái, nhưng tôi cảm động trước tình yêu thương của họ dành cho tôi.
Đêm đó, trong căn phòng nơi tôi ngủ, bà nằm trên sofa để canh tôi vì sợ tôi lại bị bắt đi mất. Lúc tôi đã ngủ say, bà âm thầm ngồi vá lại những lỗ thủng trên chiếc quần bò rách của tôi.
Bà đã phải sống một cuộc đời khó khăn từ sau khi tôi bị bắt cóc. Bà hay nói rằng bà không dám chết khi chưa được gặp tôi. Chú tôi cũng bị ảnh hưởng vì việc tôi bị bắt cóc. Cùng với bà, chú đã dành nhiều thời gian để chăm sóc gia đình và mãi đến hơn 40 tuổi mới kết hôn.
Gia đình tôi đã không còn thờ cúng tổ tiên từ khi đứa cháu đích tôn bị mất tích. Đến ngày đoàn tụ, bài vị của tổ tiên đã cất giữ suốt 21 năm nay mới được lấy ra. Tôi thành kính cúi đầu trước bàn thờ. Sau đó, tôi đến nơi an nghỉ của cha mẹ để dâng hương cho họ.
Tôi cảm thấy tội lỗi. Suốt những năm qua, tôi đã đổ lỗi cho bố mẹ mình trong khi tôi biết rất rõ về chương trình truyền hình “Hãy chờ con” và về cơ sở dữ liệu DNA quốc gia. Nếu lấy mẫu máu sớm hơn, tôi đã có cơ hội gặp bố.
Về phần bố mẹ nuôi, bí mật của tôi đã bị phát hiện. Họ biết mọi chuyện và bắt đầu gây áp lực buộc tôi phải quay lại ngay lập tức. Tôi bị kẹt ở giữa. Mẹ nuôi thậm chí còn đe doạ sẽ đến Chiết Giang kéo tôi về.
Tôi không muốn bà nội ruột của mình buồn nên giấu những chuyện này. Ngày nào tôi cũng trấn an mẹ nuôi rằng tôi sẽ phụng dưỡng bà khi bà về già. Dù gì đi chăng nữa, tôi đã sống trong căn nhà đó 21 năm và nảy sinh rất nhiều tình cảm không thể chối bỏ.
Bữa cơm đầu tiên chào đón Ling Dong quay về nhà. |
Năm ngoái, bà nội đề nghị tôi về nhà vào đêm giao thừa. Tôi nói rằng, vì mới kết hôn, theo truyền thống tôi phải về gặp toàn bộ gia đình nuôi của mình ở Quảng Tây vào dịp Tết. Tôi sẽ thảo luận chuyện đó với gia đình nuôi để tìm cách sắp xếp. Bà nội tôi do dự một lúc và nói: “Thôi, không phải về nữa. Bà và mọi người vẫn ổn”.
Cuối cùng, tôi phải thoả hiệp. Tôi đến Chiết Giang để ăn tối tất niên cùng bà, sau đó lại về Quảng Tây lúc 2h sáng để chiều mồng 1 có mặt ở nhà bố mẹ nuôi.
Nhớ bố mẹ đẻ, đôi khi tôi nhắn tin vào WeChat cũ của bố tôi để nói cho ông biết tôi đang làm gì và đang nghĩ gì. Một ngày trước ngày giỗ của bố, tôi đã nhắn: “Bố ơi, ngày mai là ngày bố rời xa chúng con, một năm về trước. Dù chúng ta đã không gặp nhau trong một thời gian dài nhưng chúng ta sẽ không bao giờ quên được nhau, phải không?
Con muốn báo cho bố biết rằng mặc dù đã phải trải qua rất nhiều đau buồn trong quá khứ nhưng từ nay về sau, bà và em gái sẽ ổn bởi vì đã có con ở đây. Bố hãy yên tâm rằng con sẽ về thăm nhà thường xuyên, con sẽ chăm sóc bà và em gái. Con sẽ cho em sống như một cô công chúa, con sẽ cố gắng hết sức để biến ngôi nhà của chúng ta thành một tổ ấm mới”.
Tôi tin rằng mặc dù bố mẹ đang ở một nơi khác, nhưng họ vẫn cảm nhận được sự thay đổi trong tôi.
Nguyễn Thảo (Theo The Paper)
Nỗi hận 21 năm của chàng trai bị bắt cóc lúc 4 tuổi
Suốt 21 năm, người đàn ông hận thù cha mẹ đẻ vì nghĩ rằng họ đã bỏ rơi mình.