"Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng nếu Nga không có vũ khí hạt nhân, chúng tôi sẽ có mặt ở Ukraine để chống lại họ", Newsweek dẫn lời ông Bauer phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh quốc phòng IISS Prague ở Séc hôm 10/11.

Nga hiện sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, và theo sau là Mỹ. Tổng cộng, Moscow và Washington đang kiểm soát khoảng 90% vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.

nga nato ukraine.jpg
Binh sĩ Nga triển khai tập trận với vũ khí hạt nhân chiến thuật. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga 

Trong liên minh quân sự NATO, Mỹ, Anh, và Pháp là 3 nước có vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, một số căn cứ khác ở châu Âu cũng chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ.

Hồi tháng 2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng nhắc tới khả năng điều động quân đội phương Tây tới hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, nhiều nước thành viên NATO sau đó đã nhanh chóng phủ nhận. Tổng thư ký NATO lúc bấy giờ là ông Jens Stoltenberg cũng khẳng định, liên minh quân sự không cân nhắc việc gửi quân đến Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng liên tục tuyên bố quân đội Mỹ sẽ không được triển khai tới Ukraine.

NATO nhấn mạnh sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine, nhưng không tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột. Trong khi đó, Kiev cho hay họ không đề nghị những người ủng hộ hỗ trợ binh sĩ, mà chỉ yêu cầu được nhận viện trợ quân sự.

"Nếu bạn chiến đấu ở Afghanistan, điều đó không giống như chiến đấu với người Nga ở Ukraine, do Taliban không có vũ khí hạt nhân. Có một sự khác biệt lớn giữa Afghanistan và Ukraine", ông Bauer nói. 

Hồi tháng 3, Tổng thống Vladimir Putin cho hay Nga được trang bị quân sự, và "sẵn sàng" cho khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, lực lượng răn đe hạt nhân của Moscow đã được đặt vào tình trạng báo động cao. Các quan chức cấp cao Nga như cựu Tổng thống Dmitry Medvedev cũng thường xuyên đề cập đến viễn cảnh xảy ra cuộc chiến hạt nhân liên quan tới xung đột ở Ukraine.