“Các lính đặc nhiệm Ukraine đã chia làm hai nhóm và áp sát Đảo Rắn. Nhóm trinh sát, gồm các kỹ sư quân sự, đã lên đảo và dọn dẹp bãi mìn cùng nhiều loại bẫy khác trước khi phát tín hiệu cho nhóm chính đổ bộ. Ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ cắm cờ, các binh sĩ đã rời khỏi đảo”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Zagorodnyuk nói với hãng tin The Guardian.

Quân nhân Ukraine cắm cờ trên Đảo Rắn hôm 7/7

“Sau đó, quân Nga đã thực hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa lên đảo và bắn trúng cầu tàu. Dù vậy, các binh sĩ Ukraine đã rút lui về căn cứ an toàn”, ông Zagorodnyuk nói thêm.

Theo The Guardian, Bộ Quốc phòng Nga trước đó đã đưa ra thông cáo về việc họ cho máy bay không kích Đảo Rắn. 

“Khoảng 5 giờ sáng 7/7, một số quân nhân Ukraine đã đổ bộ lên Đảo Rắn bằng thuyền cao tốc và chụp hình với lá quốc kỳ. Một chiến cơ của Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga đã thực hiện đòn tấn công bằng những tên lửa có độ chính xác cao lên hòn đảo, khiến một số quân nhân Ukraine thiệt mạng”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho hay.

Hiện các hãng tin độc lập chưa thể kiểm chứng tính xác thực những tuyên bố trên của cả hai phía. 

Ukraine gọi Johnson là ‘người bạn đích thực’

“Ukraine đã thu được rất nhiều từ mối quan hệ với Thủ tướng Anh Johnson, trước hết và quan trọng nhất là việc hỗ trợ quân sự. Tôi đã gọi điện để bày tỏ sự buồn bã về việc ông ấy buộc phải từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ, cũng như rời ghế thủ tướng. Không chỉ có tôi, mà toàn đất nước Ukraine cảm thông với ông ấy”, hãng tin CNN dẫn lời ông Zelensky nói trong buổi phỏng vấn được tổ chức hôm 7/7.

“Tôi phải nhắc lại rằng, người dân Ukraine rất biết ơn sự hỗ trợ của ông Johnson kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra. Chúng tôi không hề nghi ngờ về việc nước Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine, nhưng khả năng lãnh đạo cá nhân và sức hút của ông Johnson khiến vấn đề này trở nên đặc biệt”, ông Zelensky nói thêm.

Theo CNN, những tuyên bố của Tổng thống Ukraine Zelensky được đưa ra chỉ vài tiếng sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson có bài phát biểu tuyên bố từ chức trước dinh thủ tướng ở số 10 phố Downing. Trong bài phát biểu, ông Johnson khẳng định vai trò của London trong việc hỗ trợ Kiev “đến chừng nào có thể”. “Nước Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ cuộc đấu tranh vì tự do của Ukraine”, ông Johnson nói.

Đức từ chối chuyển khí tài cho Kiev

“Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine mọi thứ trong khả năng và có trách nhiệm. Nhưng chúng tôi cũng phải đảm bảo việc đó không ảnh hưởng tới khả năng phòng thủ của Đức. Berlin sẽ không cung cấp xe bọc thép chở quân Fuchs cho Kiev, bởi quân đội Đức cần chúng”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nói với hãng thông tấn DPA hôm 7/7.

Tuyên bố trên của bà Lambrecht được đưa ra chỉ vài ngày sau khi một nhóm chính trị gia Đức kêu gọi chính quyền Berlin hãy nhanh chóng gửi 200 xe bọc thép chở quân Fuchs cho Kiev “càng sớm càng tốt, bởi những khí tài được sản xuất từ thập niên 1970 này đằng nào cũng phải chuyển ra khỏi kho dự trữ”.

“Đối với quân đội Ukraine, vấn đề là họ cần được cung cấp nhanh chóng những khí tài đáng tin cậy để có thể sử dụng ngay ở tiền tuyến. Những khí tài như vậy nằm trong kho dự trữ của quân đội Đức và sẽ sớm bị loại khỏi biên chế, đó là xe bọc thép chở quân Fuchs”, nhóm chính trị gia Đức cho hay. 

Nga kiểm soát hơn 1/5 diện tích đất nông nghiệp Ukraine

“Nga hiện đã kiểm soát hơn 22% diện tích đất nông nghiệp của Ukraine, một trong những nước sản xuất lương thực lớn trên thế giới”, hãng tin Al Jazeera dẫn thông cáo từ Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).

“Dựa theo nhiều dữ liệu vệ tinh được phân tích bởi các nhà khoa học, những khu vực bị Nga kiểm soát ở phía đông và phía nam Ukraine sản xuất khoảng 28% vụ đông ở nước này, chủ yếu là các loại cây nông nghiệp như lúa mì, cải dầu, lúa mạch và lúa mạch đen. Đồng thời, những khu vực này cũng sản xuất 18% vụ hè, phần lớn là ngô và hướng dương”, thông cáo trên viết thêm.