“Hôm nay, tôi đã tới thăm tập đoàn sản xuất NASAMS ở Na Uy. Sau đó trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập đoàn Kongsberg Defence & Aerospace, ông Eirik Lie và Chủ tịch Quốc hội Na Uy Masud Gharahkhani, tôi đã thảo luận với họ về việc tăng nguồn cung cấp khí tài quân sự cho các lực lượng vũ trang Ukraine”, tờ Ukrinform dẫn bài đăng trên Telegram của ông Stefanchuk, viết.

Ông Stefanchuk và một bệ phóng NASAMS. Ảnh: Ruslan Stefanchuk/ Twitter

“Chúng tôi đã có các hệ thống NASAMS ở Ukraine, nhưng chúng tôi cần nhiều hơn thế. Nên chúng tôi sẽ sớm nhận thêm chúng. Ukraine phải giành được thắng lợi, và Na Uy sẽ sát cánh cùng chúng tôi”, ông Stefanchuk viết thêm.

Theo số liệu được trang Defense Post công bố, Ukraine kể từ tháng 11 năm ngoái tới nay đã nhận được ít nhất 2 hệ thống NASAMS từ Mỹ và Canada.

Ukraine bác tin có phóng xạ ở Khmelnytskyi

Các chuyên gia làm việc tại Đại học Quốc gia tại Khmelnytskyi, Ukraine hôm 18/5 cho hay, không có bằng chứng nào cho thấy mức phóng xạ ở thành phố này tăng cao sau vụ Nga tập kích vào kho đạn đặt tại đây đêm 13/5.

“Các phép đo bức xạ đã được tiến hành bằng cách sử dụng máy đo bức xạ TERRA MKS-05 vào ban ngày tại 9 địa điểm nằm khắp thành phố. Các chỉ số cho thấy mức độ bức xạ không vượt quá 0,3 Sievert/h (μSv/h). Dựa trên kết quả đo, chúng tôi có thể khẳng định rằng không có lý do gì phải lo lắng về sự gia tăng phóng bức xạ trong địa phận thành phố Khmelnytskyi," tuyên bố từ các chuyên gia viết.

Theo Ukrinform, quân đội Nga đêm 13/5 đã mở cuộc tập kích tên lửa nhằm vào nhiều mục tiêu nằm trong thành phố Khmelnytskyi, trong đó có nhiều kho đạn. Vụ tập kích đã khiến một số kho đạn phát nổ, và theo truyền thông Nga thì “những kho đạn bị phá hủy có chứa đạn Uranium mà Anh viện trợ cho Ukraine gần đây, và thải một lượng lớn phóng xạ ra môi trường”.

Hungary tố Ukraine tấn công ‘chủ quyền’

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto trong chuyến thăm Áo gần đây cho biết, những kế hoạch được cho là do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề ra liên quan tới việc cho nổ đường ống Druzhba, dẫn dầu từ Nga sang Hungary, được coi như một sự đe dọa trực tiếp tới Budapest.

“Đó là một mối đe dọa nhằm vào chủ quyền Hungary. An ninh về cung ứng năng lượng là vấn đề về chủ quyền. Nếu ai đó kêu gọi việc ngừng cung cấp năng lượng cho Hungary, thì họ đang tấn công vào chủ quyền của chúng tôi”, ông Szijjarto nói.

Theo hãng tin RT, tuyên bố trên được Ngoại trưởng Hungary đưa ra chỉ vài ngày sau khi tờ Bưu điện Washington của Mỹ dẫn một số báo cáo cho thấy Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng đề xuất thực hiện việc tấn công vào nhiều mục tiêu nằm bên trong lãnh thổ Nga, trong đó bao gồm cả đường ống Druzhba.