Theo Washington Post, thời gian gần đây, quân đội Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt đạn dược trầm trọng. Một số đơn vị như Lữ đoàn cơ giới số 59 thậm chí chỉ được phép bắn 2 quả đạn pháo mỗi ngày, so với 20-30 quả như trước đây.

"Chúng tôi không còn nhiều đạn dược dự trữ và không thể duy trì mật độ pháo kích liên tục", đại diện Lữ đoàn cơ giới số 59 cho biết.

Các binh sĩ của Ukraine cho biết, họ vẫn có đủ đạn pháo để đối phó với các cuộc tiến công của đối thủ, nhưng không đủ để phản công. Nếu muốn tiến hành chiến dịch phản công quy mô lớn vào mùa xuân, Ukraine cần lượng đạn dược gấp 3 lần đối phương để đảm bảo ưu thế.

Binh sĩ Ukraine vận chuyển đạn pháo ở ngoại ô Bakhmut. Ảnh: SN

Trên thực tế, các lực lượng Nga trên tiền tuyến cũng không dư dả đạn dược, nhưng dường như việc tiếp tế của họ đang diễn ra hiệu quả hơn.

"Đối thủ không gặp phải vấn đề 'đói đạn pháo' ở những mặt trận quan trọng. Trong khi đó, chúng tôi không có đủ đạn pháo ở Bakhmut, Kupyansk và Lyman", ông Serhii Cherevatyi - phát ngôn viên lực lượng vũ trang miền đông Ukraine chia sẻ.

Theo Washington Post, để có thể tiếp tục giữ vững các vị trí trọng yếu trong khi chờ phương Tây cung cấp thêm đạn dược, quân đội Ukraine đang sử dụng rất nhiều biện pháp tình thế.

Trong nhiều trường hợp, binh sĩ Ukraine thu gom và tái chế các quả bom, đạn chưa nổ mà Nga bắn ra, bất chấp các rủi ro của biện pháp này. Ngoài ra, Ukraine cũng đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ in 3D để tạo ra các loại đạn và lựu đạn cỡ nhỏ, chi phí thấp. Hoạt động sản xuất kiểu này thường diễn ra ở các công xưởng bí mật dưới lòng đất ở vùng Donbass.

Các chuyên gia quân sự cho biết, khả năng duy trì tác chiến của Ukraine phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung đạn dược từ phương Tây. Tuy vậy, các công xưởng của phương Tây lại không được chuẩn bị để sản xuất đủ đạn dược cho một cuộc xung đột dai dẳng như hiện nay. Bên cạnh đó, các tuyến đường tiếp tế đạn dược vào Ukraine khá dài và thường xuyên phải đối mặt với các cuộc tập kích bằng tên lửa và UAV.