Theo CNN, kể từ khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã viện trợ cho Kiev số vũ khí và đạn dược trị giá khoảng 50 tỷ USD. Động thái này đã đẩy kho dự trữ vũ khí của Mỹ đứng trước nguy cơ cạn kiệt và buộc ngành công nghiệp quốc phòng của nước này phải bước vào một cuộc chạy đua sản xuất.

Nhằm duy trì tốc độ cung cấp đạn dược cho Ukraine và bù đắp vào kho dự trữ của mình, Lầu Năm Góc đã bắt tay vào đợt gia tăng sản xuất đạn dược lớn nhất trong nhiều thập kỷ và đặt các cơ sở công nghiệp quốc phòng Mỹ vào tư thế "sẵn sàng chiến tranh", dù Washington không ở trong trạng thái này.

Đạn pháo được đúc bên trong nhà máy Scranton. Ảnh: CNN

Minh họa rõ nét cho nỗ lực của Mỹ là nhà máy đạn dược lục quân Scranton, bang Pennsylvania. Các dây chuyền sản xuất tại đây đang hoạt động ngày đêm để tạo ra khoảng 11.000 quả đạn pháo mỗi tháng. Con số này có vẻ lớn, nhưng thực tế chỉ đủ cho quân đội Ukraine dùng vài ngày.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Kiev, nhà máy Scranton đang khẩn trương mở rộng quy mô sản xuất nhờ gói hỗ trợ của Lầu Năm Góc. Từ đầu năm 2023, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phân bổ khoảng 3 tỷ USD cho nhu cầu mua sắm vũ khí từ các nước đồng minh và tăng cường năng lực sản xuất trong nước. Một phần số tiền này sẽ được dùng để sản xuất đạn pháo 155mm, mặt hàng tiêu thụ nhiều nhất tại Ukraine.

Một bệ phóng tên lửa HIMARS đang được lắp ráp. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, Lục quân Mỹ cũng đang lên kế hoạch tăng 500% sản lượng đạn pháo, từ 15.000 lên 70.000 quả đạn pháo mỗi tháng. Bên cạnh nhà máy ở Scranton, 2 nhà máy khác ở Texas và Iowa cũng sẽ được mở rộng để đáp ứng mục tiêu này.

Trên khắp nước Mỹ, các nhà máy sản xuất vũ khí cũng đang gia tăng sản lượng nhanh nhất có thể. Một nhà máy của Lockheed Martin ở Arkansas đang tập trung tối đa vào việc chế tạo rocket và tên lửa, bao gồm các loại dùng trong hệ thống phòng không Patriot.

Cuộc chay đua với thời gian

Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, tốc độ tiêu hao đạn dược của Ukraine đang cao hơn nhiều lần so với tốc độ sản xuất của NATO. Điều này đặt áp lực rất lớn lên các nhà thầu Mỹ, ngay cả khi Washington tiến hành đợt gia tăng sản xuất đạn dược lớn nhất trong nhiều năm qua.

Lô đạn pháo 155mm bên trong nhà máy Scranton. Ảnh: CNN

Một số chuyên gia quân sự cho biết, Mỹ sẽ mất từ 12-18 tháng đạt được tốc độ sản xuất tối đa 70.000 quả đạn pháo mỗi tháng. Trong bối cảnh Ukraine đang chuẩn bị cho một cuộc tấn phản công mùa xuân trong vài tuần tới, rất khó để đảm bảo số lượng đạn dược sẽ được cung ứng đầy đủ và kịp thời.

Bên cạnh nhu cầu của Kiev, Mỹ còn phải lấp đầy kho dự trữ của mình và đáp ứng các đơn đặt hàng đang tăng vọt từ các đồng minh phương Tây. 

Theo CNN, để đối phó với tình huống khó khăn này, Lầu Năm Góc đang nỗ lực thay đổi cấu trúc hoạt động đối với các nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ. Về cơ bản, hợp đồng theo năm với các tập đoàn này sẽ được chuyển thành hợp đồng dài hạn để "đảm bảo cơ sở nguồn cung hiệu quả hơn".