“Những tín hiệu đáng thất vọng từ Đức trong khi Ukraine đang cần các loại khí tài như xe tăng Leopard và xe bọc thép Marders để cứu người dân khỏi cơn nguy khốn. Theo tôi, không hề có bất kỳ lập luận hợp lý nào giải thích cho việc tại sao Đức lại không thể cung cấp các loại vũ khí đó cho Ukraine”, hãng tin The Guardian dẫn lời Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba. Ảnh: AP

Tuyên bố trên của ông Kuleba được đưa ra chỉ một ngày sau khi giới chức quân sự Đức lên tiếng bác bỏ những lời yêu cầu cung cấp xe tăng Leopard 2 của nước này cho Ukraine.

“Cho tới nay, chưa có bất kỳ quốc gia nào cung cấp những xe bọc thép chở quân hay xe tăng chiến đấu chủ lực do phương Tây chế tạo cho Ukraine, nên tôi khẳng định rằng Đức sẽ không thực hiện hành động này một cách đơn phương”, hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nói. 

The Guardian nhận định, những lời kêu gọi viện trợ vũ khí cho Ukraine được đưa ra trong lúc cuộc phản công của quân đội nước này  tại tỉnh Kharkiv đã đạt một số kết quả tích cực.

Mỹ thận trọng về kết quả chiến sự ở Kharkiv

Hãng tin AP cho biết, giới chức cấp cao của Mỹ đang thể hiện một sự thận trọng khi không vội vã tuyên bố về chiến thắng của quân đội Ukraine khi các lực lượng vũ trang Kiev đang khiến quân đội Nga phải rút khỏi nhiều nơi ở tỉnh Kharkiv.

“Tôi đồng ý về việc không nên đưa ra kết luận vội vàng, bởi Nga vẫn còn nhiều quân bài trong tay mà họ có thể sử dụng. Ukraine rõ ràng đang tạo ra nhiều sự thay đổi về lâu dài cho tình hình chiến sự ở miền đông và miền bắc. Bản thân tôi tin rằng, nếu như phương Tây trang bị cho Ukraine một cách hợp lý thì Kiev có thể giữ vững những gì họ đã giành được”, cựu Tướng Mỹ Philip Breedlove, người từng giữ chức Tổng Tư lệnh các Lực lượng vũ trang liên hợp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ năm 2013-2016, nhận định. 

Theo một số quan chức giấu tên thông thạo vấn đề, Mỹ đã cung cấp nhiều thông tin tình báo để giúp Ukraine tiến hành cuộc phản công, song từ chối nói về việc liệu phương Tây có khiến Nga bị mất cảnh giác với các đòn tung hỏa mù hay không. 

“Lựa chọn cuối cùng thuộc về Ukraine. Quân đội và giới lãnh đạo chính trị Ukraine đã đưa ra các quyết định về việc làm thế nào để tiến hành cuộc phản công này”, một vị quan chức giấu tên nói với AP.

Ukraine ước tính về tổn thất quân sự của Nga

Số liệu thống kê được Bộ Ngoại giao Ukraine công bố hôm 13/9 cho thấy, đã có khoảng 53.000 binh sĩ Nga thiệt mạng kể từ khi cuộc xung đột nổ ra.

“Ngoài số binh sĩ trên, quân đội Nga đã tổn thất tổng cộng 2.175 xe tăng, 4.662 xe bọc thép chiến đấu; 1.279 pháo các loại; 311 pháo phản lực phóng loạt; 165 xe phòng không; 244 chiến cơ; 213 trực thăng; 904 máy bay không người lái (UAV) các loại và 233 tên lửa hành trình”, hãng tin The Guardian dẫn thông cáo được Bộ Ngoại giao Ukraine đăng trên Twitter, viết.  

Hiện các hãng tin độc lập không thể xác minh số liệu từ Bộ Ngoại giao Ukraine, trong khi Bộ Quốc phòng Nga chưa đưa ra phản hồi.

Theo The Guardian, số liệu thống kê trên được Bộ Ngoại giao Ukraine công bố trong bối cảnh quân đội nước này đang mở một cuộc phản công lớn ở tỉnh Kharkiv.