Một trong các yếu tố tiên quyết của doanh nghiệp sản xuất là bảo đảm vận hành liên tục. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã đầu tư các hệ thống quản trị tài nguyên tổng thể của doanh nghiệp (ERP) như Thiên Long, Minh Phú, Vinamilk, TH Truemilk, Masan, Hòa Phát, Petrolimex, Ausdoor, Nam Kim…
Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI lại chọn triển khai hệ thống quản lý sản xuất (MES) vào trước và chỉ xây dựng hệ thống kế toán thay vì triển khai toàn bộ hệ thống ERP. MES là hệ thống thông tin quản lý chuyên biệt cho khối sản xuất của doanh nghiệp. Hệ thống tập trung vào các khâu như nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), quản lý kế hoạch sản xuất, phân bổ kế hoạch thành các kế hoạch nhỏ và các lệnh sản xuất tại các phân xưởng, tổ máy, dây chuyền, kiểm soát nguyên vật liệu, phụ liệu, vật tư tiêu hao cho sản xuất, quản lý nhà xưởng, thiết bị, quản lý chất lượng, các công đoạn của sản xuất, quản lý các kho trên chuyền, truy xuất các công đoạn trong sản xuất, nhập kho thành phẩm,…
MES hoạt động như một hệ thống trung gian giữa các hệ thống Hoạch định Nguồn lực Doanh nghiệp (Enterprise Resources Planning – ERP), và hệ thống Giám sát Điều khiển và Thu thập dữ liệu (Supervisory Control and data acquisition – SCADA) hoặc các hệ thống quản lý quy trình. Do đó, một hệ thống MES có thể cung cấp cho những người ra quyết định dữ liệu nhanh chóng, chi tiết hơn về tình trạng hoạt động của toàn bộ nhà máy, từ đó đưa ra các quyết định tối ưu hóa sản xuất.
Trên thế giới, trong tổng đầu tư tối ưu hóa các quy trình doanh nghiệp sản xuất trên toàn thế giới, tỷ lệ đầu tư vào MES chiếm 21% – 25%; trong khi con số đầu tư vào ERP chiếm 17% – 19%; không có MES, hệ thống ERP cũng hoạt động không hiệu quả vì dữ liệu cung cấp không tức thời và không cụ thể. Qua đó có thể thấy rằng MES tin cậy và mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Nhờ đảm bảo sản xuất tối ưu và liên tục với các kế hoạch thống nhất, rõ ràng, nhất quán, MES giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu suất và hiệu quả của việc lập kế hoạch thông qua quy trình nhất quán; điều động và theo dõi quá trình sản xuất liên tục; giảm thời gian sản xuất, ngừng sản xuất thông qua việc lập kế hoạch tối ưu.
MES cũng tối ưu năng lực máy móc và các nguồn lực sản xuất thông qua các quy trình được số hóa, dữ liệu máy móc và dữ liệu sản xuất; tăng khả năng phối hợp và cải tiến các quy trình với mục tiêu loại bỏ các rủi ro trong phối hợp liên bộ phận và loại bỏ thời gian chết; nâng cao chất lượng sản phẩm và nguồn dữ liệu với việc thu thập, phân tích dữ liệu và đưa ra các dự báo nhằm phát hiện sớm các nguy cơ.
Một số tập đoàn và doanh nghiệp đang ứng dụng MES tại Việt Nam có thể kể đến công ty dược phẩm Oshii. Với Oshii, các vấn đề còn tồn tại là quy trình sản xuất hiện tại còn quá thô sơ: Chủ yếu sử dụng tài liệu, giấy tờ bản cứng kết hợp với thông kê thông tin sản xuất thu công qua file excel. Điều này dẫn đến việc thất lạc tài liệu, sai sót trong số liệu… Công ty cũng muốn mở rộng thêm phân xưởng, nhà máy để đáp ứng được sản lượng cho các đơn hàng dài hạn, dẫn tới thực trạng khó kiểm soát tiến độ, quy trình, kế hoạch cũng như nguồn cung, tồn kho, tái sử dụng, hậu kiểm, quản lý chất lượng nguyên vật liệu và thành phẩm. Ngoài ra, có nhu cầu thiết kế riêng 1 module để quản lý tình trạng cấp phép hồ sơ đăng ký dược phẩm. Đây là module mang tính đặc trưng cho nhóm khách hàng ngành dược phẩm.
Do đó, Oshii đã triển khai hệ thống quản lý sản xuất thông qua phần mềm MES-X Plus (kết hợp module WMS-X) được tùy chỉnh cá nhân hóa để ứng dụng trực tiếp với nhu cầu của Oshii. Hệ thống có các chức năng như quản lý toàn bộ thông tin sản xuất theo thời gian thực; tra cứu các thông tin hỗ trợ cho quyết định sản xuất, kinh doanh: Nguyên vật liệu tồn kho, tình trạng bao bì từ cấp 1 đến cấp 3; quản lý tình trạng cấp phép, phê duyệt hồ sơ đăng ký thuốc online; Quản lý định mức sản phẩm – Đây là phần chức năng được đặc biệt quản lý kỹ lưỡng, do đặc trưng về tính bảo mật, chỉ các nhân sự được cấp quyền đặc biệt mới có khả năng truy cập, và chỉ những user (người dùng) được phân quyền mới có thể thêm, bớt, chỉnh sửa định mức; Cá nhân hóa chức năng ghi chú: Chức năng ghi chú được thêm vào các màn hình quản lý – Hỗ trợ nhân sự ở các công đoạn giao tiếp với nhau một cách dễ dàng, dễ kiểm tra kiểm soát quá trình sản xuất.
Trong khi đó, WMS-X giúp loại bỏ hoàn toàn các thao tác thủ công, nguy cơ mất mát, thất lạc hồ sơ, giấy tờ sản xuất; Tiết kiệm thời gian tổng hợp và báo cáo số liệu; Hỗ trợ đưa ra quyết định sản xuất nhanh chóng và thực tiễn.