Để thúc đẩy kinh doanh, tìm kiếm những nhà đầu tư TQ, cựu Thống đốc Florida đã thực hiện nhiều chuyến công du.

>> Nga - Trung bắt tay đối phó Mỹ?

>> Nhật - Ấn bắt tay làm tàu ngầm: Ác mộng của TQ?

Một khảo sát mới công bố của CNN và Cơ quan nghiên cứu ORC International  cho thấy cựu thống đốc bang Florida, ông Jeb Bush đang dẫn đầu các ứng viên Đảng Cộng Hòa trong cuộc đua vào Nhà trắng. Còn nhớ, cách đây không lâu, sau gần 8 năm rời xa chính trường, thông qua Facebook và Twitter, thành viên gia tộc nhà Bush này đã tuyên bố chính thức chạy đua cho chiếc ghế Tổng thống 2016. Jeb Bush đang được cho là có cơ hội trở thành vị Tổng thống thứ ba sau Tổng thống George H. W. Bush (Bush cha), Tổng thống George W. Bush (Bush anh).

Ngay khi thông tin này được công bố, những “duyên nợ” của Jeb Bush với TQ đã trở thành một đề tài được quan tâm.

Jeb Bush và những chuyến thăm TQ

Sau khi kết thúc 2 nhiệm kì thành công trên cương vị Thống đốc Florida vào năm 2007, John Ellis “Jeb” Bush gây ngạc nhiên khi không tiếp tục theo đuổi mục tiêu xa hơn trên chính trường Mỹ. Thay vào đó, em trai của Tổng thống George W. Bush quay lại với con đường kinh doanh. Vị chính trị gia 61 tuổi này cùng lúc là thành viên Hội đồng Quản trị của 6 doanh nghiệp khác nhau, cố vấn kinh tế cho nhiều tập đoàn và diễn giả tại các diễn đàn, hội thảo.

Không chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế trong nước, Jeb Bush còn tìm đến những nhà đầu tư nước ngoài thông qua các quỹ đầu tư của mình. Và một trong những nhà đầu tư quan trọng trong các quỹ tài chính này là những doanh nghiệp TQ.

Để thúc đẩy kinh doanh, tìm kiếm những nhà đầu tư TQ, cựu Thống đốc Florida đã thực hiện nhiều chuyến công du. Một trong những chuyến đi quan trọng nhất của Jeb Bush đến TQ diễn ra vào năm 2011. Jeb đã đến thăm đảo Hải Nam của TQ. Trong chuyến thăm này, cả hai bên đã thể hiện ý muốn thắt chặt quan hệ giữa Florida và Hải Nam.

Bước đi đầu tiên này tạo tiền đề quan trọng cho hai chuyến thăm khác của ông diễn ra vào năm 2012 và 2013. Theo đó, ông tiếp tục thể hiện ý muốn tăng cường phát triển quan hệ Trung – Mỹ. Trong lần gặp gỡ vào năm 2012, ông Tập Cận Bình, khi ấy đang là Phó Chủ tịch TQ đã cảm ơn gia đình Bush như vì “những hành động mà hai quốc gia cũng như nhân dân hai nước sẽ không bao giờ quên.”

Sự thành công đến từ những chuyến đi này đã mang về cho ông Jeb Bush những nhà đầu tư đầy hào phóng. Theo nhiều nguồn trên các báo Mỹ, quỹ đầu tư BH Logistics của ông đã được “bơm” vào 26 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Tập đoàn HNA của TQ. Sau đó, BH Logistics đã dùng số tiền này để mua 1,4 triệu cổ phần của công ty vận chuyển nhiên liệu Dorian LPG, tạo điều kiện thâm nhập thị trường nhiên liệu đang phát triển của TQ.

Tiếp đó, với sự đầu tư của các nhà đầu tư TQ vào quỹ BH Global Aviaton, mối quan hệ giữa ông và TQ càng trở nên mật thiết. Trong đó, phải kể đến vai trò của Quảng Dương, CEO của Finergy Capital, quỹ đầu tư có trụ sở tại Bắc Kinh.

Trong năm 2010, Finergy Capital kết hợp cùng Hãng hàng không Hải Nam mua lại Pasadera Country Club thuộc bang California, Mỹ. Và vừa qua, Monterey Herald đã ghi nhận nơi đây như “trung tâm hoạt động của quan hệ kinh tế Mỹ - Trung.” BH Global Aviation tập trung vào ngành công nghiệp máy bay bằng việc đầu tư vào công ty dịch vụ hàng không có trụ sở ở Hongkong mang tên Hawker Pacific.

Có thể nói, thông qua những chuyến viếng thăm của Jeb Bush sau khi kết thúc vai trò Thống đốc Florida, con đường kết hợp kinh doanh giữa ông và các đối tác TQ diễn ra hết sức thuận lợi. Những đồn đoán về một canh bạc từ kinh tế đến chính trị khởi điểm từ những chỉ dấu đó.

{keywords}

Ông Tập Cận Bình (khi đó đang là Phó Chủ tịch TQ) tiếp Jeb Bush, cựu nghị sĩ bang Florida, Mỹ tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, TQ vào tháng 17/1/2012. Ảnh: Xinhua

"Canh bạc" chính trị

Về lợi ích kinh tế, các chuyến đi của ông Jeb Bush đã thúc đẩy quan hệ kinh tế Mỹ - Trung về các lĩnh vực liên quan đến năng lượng và hàng không. Xét trong lĩnh vực hàng không, Derek Scissors, học giả thuộc Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp Hoa Kỳ cho rằng: “Mỗi năm, hãng Boeing đều dự đoán TQ sẽ mua một số lượng cực lớn máy bay. HNA đang tìm cơ hội phát triển kinh doanh tại Mỹ, và với tư cách là một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hàng không, sẽ có rất nhiều cơ hội để TQ và Mỹ hợp tác.”

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia phân tích, đây không phải là lợi ích chính mà TQ mong muốn đạt được. Điều TQ chờ đợi nhất chính là những lợi ích về mặt chính trị. Còn lý do vì sao TQ lại “đặt cược” vào cựu Thống đốc Florida Jeb Bush, Derek Scissors cho rằng: “Họ tìm kiếm sự bảo hộ về mặt chính trị trong khi cái tên Bush có thể hợp pháp hóa nguồn đầu tư và điều này biến ông ấy trở thành đối tác hoàn hảo.”

Gia tộc Bush được đánh giá là khá thường xuyên thể hiện quan điểm ủng hộ quốc gia này. Điển hình là khi Anh và Pháp đòi tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2008 do TQ đăng cai thì Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush lại lên tiếng ủng hộ “khát vọng” tham gia vào các hoạt động quốc tế của quốc gia này. Hành động này đưa vị Tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ trở thành nguyên thủ quốc gia được chào đón nồng nhiệt khi đến thăm TQ.

Bản thân ông Jeb Bush cũng cho thấy những quan điểm ngoại giao cẩn trọng với “con rồng châu Á”. Ngày 2/12/2014, tại diễn đàn CEO của Wall Street Journal diễn ra tại Washington, cựu Thống đốc Florida đã phát biểu: “Không thể phớt lờ TQ khi quốc gia này đang ‘trỗi dậy’ thành cường quốc thế giới… Chúng ta nên khuyến khích TQ nhận lãnh vai trò lãnh đạo trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.”

Tiếp đó, vào ngày 18/2/2015, trong bài phát biểu tại Chicago, ông tiếp tục khẳng định mối quan hệ Trung – Mỹ là mối quan hệ phức tạp và quan trọng đối với Mỹ trong tương lai: “Những hiểu lầm được tạo ra rất dễ dàng. Từ đối thủ kinh tế trở thành mối nguy hại về an ninh cũng rất dễ dàng.” Và để nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ này, Jeb Bush đã tuyên bố: “Tôi tự bắt bản thân phải đến châu Á bốn lần một năm.”  

Clinton 2.0 vs Bush 3.0

Không biết xuất phát từ đâu, nhưng các chiến lược gia TQ vẫn kháo nhau rằng: Bắc Kinh vốn thích các chính trị gia thuộc Đảng Cộng hòa hơn Đảng dân chủ, đặc biệt thành viên của gia tộc Bush. Hơn thế, với những quan điểm về chính sách ngoại giao ôn hòa với TQ, thừa nhận vai trò lãnh đạo của quốc gia này, TQ có vẻ sẽ “đặt cược” nhiều vào Jeb Bush trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ diễn ra vào năm 2016.

Dẫu vậy, nếu cựu Thống đốc Florida trở thành ứng viên của Đảng Cộng hòa, nhiều khả năng, ông sẽ gặp phải cựu Ngoại trưởng Hilary Clinton, ứng viên tiềm năng của Đảng Dân chủ. Như vậy, một cuộc đối đầu giữa hai nhà Clinton và Bush sẽ được lặp lại. Và có vẻ như, tính đến thời điểm hiện tại, trong cuộc đua năm sau vào Nhà Trắng, bà Hilary vẫn đang chứng tỏ mình là ứng cử viên tiềm năng hơn. Mặc dù cho rằng cần thời gian nghỉ ngơi sau quãng thời gian làm Ngoại trưởng Mỹ, bà Hilary vẫn âm thầm chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử vào năm 2016.

Trong khi đó, ông Jeb Bush đã rời xa các hoạt động thuộc chiến dịch tranh cử như các chiến dịch vận động, các cuộc tranh luận,… gần 8 năm và chỉ vừa chính thức bước vào cuộc đua vào đầu năm 2015. Ông Jeb Bush sẽ phải minh bạch các hoạt động kinh doanh cũng như tên tuổi của các nhà đầu tư trong các quỹ tài chính do ông thành lập sau khi rời chiếc ghế Thống đốc. Và các đối thủ đang tìm sơ hở.

Cuộc đua vào nhà Trắng đang ngày càng hấp dẫn, đặc biệt là sự xuất hiện của cặp đấu tiềm năng Clinton 2.0 vs Bush 3.0”. Ở bên kia Thái Bình Dương, người TQ cũng đang hào hứng…

Thụy Minh