LTS: Năm 2013, cha con người rừng Hồ Văn Lang được đưa về làng sau 40 năm sống trong rừng sâu thuộc huyện Tây Trà (nay là huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi).
Sau 8 năm sống đầm ấm ở làng, người rừng Hồ Văn Lang phát hiện mắc bệnh ung thư và qua đời ngày 6/9/2021.
Suốt khoảng thời gian ấy, đạo diễn Hồ Nhật Thảo (Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi) nhiều lần tiếp xúc, làm phim tài liệu và có cơ hội bước vào cuộc sống chân phương của người rừng Hồ Văn Lang.
Tuyến bài Hồi ức về người rừng Hồ Văn Lang mà VietNamNet giới thiệu đến bạn đọc sẽ mượn ký ức của đạo diễn Hồ Nhật Thảo để khắc họa chân dung một người rừng đáng yêu, thuần hậu.
Bài 1: Hồi ức lần đầu theo chân người rừng Hồ Văn Lang về lại ngôi nhà trên cây
Bài 2: Người rừng tắm biển, ăn nhà hàng và cuộc gặp ông lão đặc biệt
Mong ước cuối đời dở dang
Sau 2 ngày xuống phố dạo chơi, tắm biển, ăn nhà hàng... người rừng Hồ Văn Lang và em trai Hồ Văn Tri chào nhóm đạo diễn Hồ Nhật Thảo về lại quê nhà.
Lúc tiễn hai anh về, anh Thảo tư vấn anh Tri có thể chia sẻ thông tin người rừng mắc ung thư cho truyền thông với hi vọng có mạnh thường quân nào đó giúp anh Lang kéo dài sự sống.
Thế nhưng, anh Tri thật thà nói: “Mình không muốn. Nếu mình làm như vậy thì người ta mang tiền đến cho mình. Nhưng mà, có tiền để làm gì, mình cũng đâu có chữa khỏi bệnh cho anh mình được”.
Bẵng đi một thời gian, ngày 6/9/2021, anh Thảo nhận được điện thoại báo tin anh Lang qua đời. Lúc này, anh Thảo không có mặt ở Quảng Ngãi.
Anh Thảo xúc động: “Dạo đó, tôi nghe mọi người nói anh Lang đang đau nhiều. Thế nên, tôi cũng chuẩn bị tâm thế xác định người rừng sắp ra đi mãi mãi. Ngày đó kiểu gì cũng phải đến, chỉ là sớm hay muộn.
Mặc dù, anh Lang sống được lâu hơn thời gian bác sĩ chẩn đoán, khoảng hơn 1 năm. Thế nhưng, tôi tiếc một điều là lúc anh Lang mất, một vài mong ước của anh còn dang dở”.
Năm 2013, anh Thảo dùng tiền thưởng ở Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 33 mua tặng anh Lang một con trâu. Anh Lang nuôi con trâu đó được khoảng 3 năm thì bán đi. Anh mua lại 2 con nghé.
Tiếp tục nuôi 2 con nghé được vài năm, anh Lang lại bán đi và mua được 5 con bò. Trong 5 con, anh mua cả bò cái lẫn bò đực để tăng đàn. Đến năm 2020, đàn bò của anh Lang có khoảng 8 con.
Đàn bò là một gia tài rất lớn đối với người đồng bào Kor. Thế nên, anh Lang có mong muốn xây hàng rào bao quanh rẫy để bảo vệ tài sản. Tuy nhiên, kinh phí làm hàng rào như vậy quá lớn nên anh Thảo chưa có điều kiện hỗ trợ anh Lang.
Ngoài ra, anh Thảo cũng tiết lộ lúc còn sống, người rừng khát khao cưới vợ. Anh Lang rất thích có vợ. Thế nhưng, anh chỉ thích những cô gái trẻ đẹp, chưa chồng. Tuy nhiên, người phụ nữ đáp ứng tiêu chí của anh thì lại không chọn anh.
Theo thời gian, anh Lang chọn cách quên đi khát khao cưới vợ, chứ không chấp nhận hạ thấp tiêu chí chọn bạn đời.
Anh Lang về rừng mãi mãi
Lục lại ký ức, anh Thảo nhớ trước lúc phát hiện bệnh, anh Lang như cảm nhận được điều gì đó. Anh nhớ rừng, không muốn sống ở làng nữa.
“Anh Tri kể với tôi, anh Lang không còn vui vẻ như lúc trước, cảm giác ảnh rất cô độc, ít nói, muốn riêng tư. Anh ấy vào rẫy, cất một cái chòi nhỏ rồi ở luôn trên đó, không về.
Rẫy cách làng khá xa, tuy không phải rừng sâu nhưng cũng nằm trên núi. Lúc đầu, anh Lang còn về nhà lấy vật dụng cần thiết. Về sau, anh không thèm về nữa”, anh Thảo khắc khoải.
Đến lúc anh Lang đau nhiều, anh Tri đưa anh trai về làng, tận tình chăm sóc. Anh Tri không cho anh mình làm việc nặng, không cho vào rẫy. Lúc nào anh Lang đau, anh Tri cho uống thuốc.
Và rồi, kể từ khi rời rừng năm 2013, người rừng Hồ Văn Lang đã mãi mãi ra đi sau 8 năm sống vui vẻ bên xóm làng. Anh Thảo không còn cơ hội gặp lại người bạn thuần hậu, cũng không thể viếng mộ.
Bởi, theo phong tục của người Kor, sau khi chôn người mất ở rừng, mọi người nhanh chóng rời đi và không quay trở lại chăm sóc mồ mả.
Người đồng bào sống ở rừng thì chết cũng về rừng. Họ mãi mãi không rời khỏi cánh rừng của mình.
Anh Lang lại là người cảm nhận được rõ ràng nhất mối quan hệ mật thiết của người và rừng. Anh lớn lên ở rừng. Lúc bệnh nặng, anh muốn rừng xoa dịu những cơn đau.
Anh Thảo ngập ngừng: “Anh ấy không đi đâu ra ngoài cánh rừng của mình. Đúng nghĩa quay trở về rừng…
Vĩnh biệt anh, Hồ Văn Lang. Vĩnh biệt người rừng đáng yêu. Vĩnh biệt sự hồn nhiên trong trẻo hiếm hoi trong cuộc đời này”.
Ảnh: Nhân vật cung cấp