Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đồng chí gắn liền với lịch sử cách mạng của nhân dân ta, đất nước ta qua các giai đoạn đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến cứu nước; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; một cuộc đời trung thực, giản dị, thấm đẫm nghĩa tình đồng bào, Đồng chí và là tấm gương sáng của người chiến sĩ cộng sản kiên cường quả cảm, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng “tận trung với nước, tận hiếu với dân”.

Đặc biệt, Đồng chí còn là nhà lãnh đạo kiệt xuất của phong trào công nhân, người đặt nền móng cho đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh sinh năm 1915 trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở tỉnh Hưng Yên. Năm 1929, ở tuổi 14, Đồng chí bắt đầu tham gia phong trào Học sinh đoàn của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam).

Đầu năm 1930, Hải Phòng trở thành một trong những trung tâm của phong trào cách mạng ở miền Bắc được sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ uỷ Bắc Kỳ.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm cán bộ, công nhân, chuyên gia Liên Xô làm việc trên công trường xây dựng nhà máy thủy điện Trị An, ngày 20/4/1987. Ảnh: TTXVN

Đảng bộ Hải Phòng quyết định phát động phong trào đấu tranh mạnh mẽ nhân dịp ngày Quốc tế lao động. Theo phân công của tổ chức, ngày 1.5.1930, Đồng chí đã cùng các học sinh yêu nước thực hiện nhiệm vụ rải truyền đơn dọc phố Cát Dài. Nhóm rải truyền đơn bị theo dõi và bị cảnh binh bắt “quả tang”, đưa về giam tại Sở Mật thám Hải Phòng.

Dù chưa đầy 16 tuổi, Đồng chí Nguyễn Văn Linh vẫn bị bọn thực dân Pháp đưa ra xét xử tại Tòa đề hình, kết án tù 18 tháng tù giam, sau xử thêm phát lưu chung thân.

Mùa đông năm 1931, Đồng chí cùng nhiều chiến sĩ cách mạng khác bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo. Năm 1936, nhờ thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, Đồng chí Nguyễn Văn Linh được trả tự do, Đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tham gia hoạt động trong phong trào yêu nước của công nhân lao động ở Hải Phòng, Hà Nội.

Đầu năm 1939, Đồng chí được Trung ương phái vào Nam kỳ công tác. Hòa mình vào phong trào đấu tranh sôi nổi của các tầng lớp nhân dân, nhất là phong trào công nhân đòi các quyền dân chủ, dân sinh, Đồng chí đã trở thành người cán bộ lãnh đạo cốt cán trong Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.

Đầu năm 1941, Đồng chí được Trung ương Đảng điều động ra Trung kỳ hoạt động, bị địch bắt, kết án 5 năm tù và đày ra Côn Đảo lần thứ hai. Hơn 10 năm bị địch giam cầm tại địa ngục trần gian Côn Đảo, mặc dù bị tra tấn, đàn áp nhưng Đồng chí vẫn nêu cao khí phách anh hùng, kiên cường, bất khuất, luôn trung thành với lý tưởng cách mạng, kiên gan giữ vững khí tiết người Cộng sản.

Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau, tại Đại hội IV Công đoàn Việt Nam (tháng 11.1978), Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) và giữ cương vị này đến năm 1980. Với cương vị là người đứng đầu tổ chức Công đoàn Việt Nam, Đồng chí đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp công đoàn tập hợp, vận động công nhân, lao động hăng hái thi đua lao động sản xuất, hoàn thành kế hoạch; đẩy mạnh phong trào công nhân viên chức thi đua phục vụ nông nghiệp; ra sức xây dựng và bảo vệ đất nước, củng cố quốc phòng; tổ chức và từng bước cải thiện đời sống, phát triển phúc lợi, bảo vệ lợi ích chính đáng của công nhân viên chức; vận động cán bộ viên chức tích cực tham gia cải tiến quản lý xí nghiệp, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước; đẩy mạnh giáo dục chính trị, văn hóa, kỹ thuật và nghiệp vụ cho công nhân; tích cực góp phần tăng cường đoàn kết với phong trào công đoàn thế giới đấu tranh vì quyền lợi của những người lao động, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội; cải tiến phương pháp công tác, xây dựng công đoàn vững mạnh.

Trước yêu cầu của tình hình mới, Đồng chí luôn chỉ đạo, yêu cầu tổ chức Công đoàn phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để phát huy được vai trò to lớn đối với giai cấp công nhân và toàn xã hội, thu hút ngày càng đông đảo công nhân, viên chức tham gia, để công đoàn thực sự trở thành động lực mạnh mẽ, khơi dậy mọi tiềm năng, trí tuệ của công nhân, viên chức trong lao động, sản xuất; trong việc tham gia quản lý đơn vị của mình và trong toàn xã hội.

Đại hội VI của Đảng - Đại hội mở đầu cho đường lối đổi mới đất nước - đã bầu Đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư của Đảng. Trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Đồng chí tiếp tục quan tâm chăm lo việc làm, đời sống công nhân lao động, xây dựng giai cấp công nhân và chỉ đạo hoạt động công đoàn.

Với nhận thức quan trọng nhất của của đổi mới là đổi mới tư duy, Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã chỉ đạo tổ chức Công đoàn phải bắt đầu từ đổi mới tư duy.

Theo Đồng chí, chỉ có trên cơ sở nhận thức đúng đắn, đầy đủ, toàn diện và khách quan vị trí, vai trò, chức năng của công đoàn trong giai đoạn mới, thì mới có cơ sở để đổi mới tổ chức hoạt động công đoàn đúng đắn, hoàn thiện hơn.

Trên cơ sở đổi mới tư duy để có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về công đoàn trong giai đoạn mới, Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã khẳng định “phải đề ra một chương trình đổi mới một cách cơ bản công tác công đoàn cả về nội dung, phương pháp, hình thức”.

Đồng chí nhấn mạnh “để Công đoàn làm tròn trọng trách của mình trong giai đoạn mới của cách mạng, bản thân công đoàn phải đổi mới nội dung và phương thức hoạt động”.

Trong giai đoạn thực hiện đường lối đổi mới do Đảng cộng sản Việt nam khởi xướng và lãnh đạo, phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nhân lao động nước ta có mặt trong tất cả các thành phần kinh tế.

Trong điều kiện đó, theo Đồng chí Nguyễn Văn Linh “đối tượng tổ chức và vận động của công đoàn phải được mở rộng hơn trước đây, nghĩa là hoạt động của công đoàn không chỉ giới hạn trong đội ngũ công nhân viên chức nhà nước mà phải bao quát cả khu vực xí nghiệp tư nhân, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các hợp tác sản xuất công nghiệp, xây dựng, vận tải. Vì vậy Đồng chí yêu cầu “để phù hợp với những thay đổi trên, công đoàn cần nghiên cứu các hình thức tổ chức và phương thức hoạt động thích hợp với đặc điểm của các loại hình kinh tế này”.

Đặc biệt, tại Đại hội VI Công đoàn Việt Nam (năm 1988) với cương vị là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến dự và chỉ đạo Đại hội, Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã chỉ đạo “Tên gọi Tổng Công đoàn Việt Nam cần được thay đổi cho phù hợp với nội dung mới và nên lấy tên là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”. Trên cơ sở chỉ đạo của Đồng chí, Đại hội VI Công đoàn Việt Nam đã quyết định đổi tên từ Tổng Công đoàn Việt Nam thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tác phong “Nói và Làm”, tinh thần của “Những việc cần làm ngay” được thể hiện rõ trong các chỉ đạo của Đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với tổ chức Công đoàn.

Theo Đồng chí Nguyễn Văn Linh, hoạt động công đoàn phải “tuỳ theo đặc điểm của từng loại hình kinh tế để có hình thức thích hợp”, phải phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng và điều kiện cụ thể của công nhân, lao động. Từ tư duy đúng đắn đó, Đồng chí cho rằng, việc đổi mới phương thức hoạt động công đoàn phải bắt đầu ngay từ cơ sở, là nơi chức năng của công đoàn được thực hiện đầy đủ và sinh động, nơi tác động hàng ngày đến người lao động.

Để đổi mới hoạt động công đoàn, Đồng chí lưu ý trước hết người cán bộ công đoàn phải đổi mới tư duy và phong cách, gắn chặt giữa lý luận và thực tiễn.

Đồng chí yêu cầu cán bộ công đoàn phải sâu sát cơ sở, không được xa rời công nhân. Đồng chí căn dặn: “Làm cán bộ công đoàn là phải dũng cảm, dám hy sinh quyền lợi của cá nhân mình vì lợi quyền công nhân lao động, không được thỏa hiệp nhưng cũng không quá cứng nhắc.

Phải mềm dẻo nhưng không trái với các quy định của pháp luật, kiên quyết nhưng không quá khích” và “Muốn duy trì và phát triển sản xuất, trước tiên là phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân. Người lãnh đạo cơ sở phải luôn sâu sát với công nhân nắm bắt tình hình và kịp thời biểu dương, phát huy những tài năng mới”…

Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã dành nhiều trí tuệ, tâm huyết để xây dựng và phát triển phong trào công nhân, công đoàn, từ trước khi làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam đến khi giữ cương vị cao nhất - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Qua thời gian, những tư tưởng, quan điểm của Đồng chí Nguyễn Văn Linh về đổi mới hoạt động công đoàn đến nay vẫn có ý nghĩa hết sức sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn. Vấn đề đặt ra cho các cấp Công đoàn là cần vận dụng sáng tạo các quan điểm, nội dung, phương thức xây dựng giai cấp công nhân và hoạt động Công đoàn phù hợp với điều kiện mới.

Tri ân những đóng góp của Đồng chí, năm 2019, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN đã báo cáo và được Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý cho Tổng Liên đoàn tổ chức xét chọn và trao tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Linh - giải thưởng cao quý của tổ chức Công đoàn Việt Nam mang tên cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh dành tặng cán bộ Công đoàn các cấp có thành tích xuất sắc tiêu biểu, có nhiều sáng kiến, sáng tạo, giải pháp đổi mới trong hoạt động công đoàn, vì đoàn viên, người lao động, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh.

Học tập và làm theo những phẩm chất đạo đức cách mạng của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, các cấp công đoàn không ngừng nỗ lực phấn đấu và rèn luyện, thực hiện tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên và người lao động, đổi mới tổ chức hoạt động công đoàn phù hợp với tình hình mới.

Tập trung triển khai có hiệu quả các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28.1.2008 của Ban Chấp hành TW Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn trong tình hình mới”, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

NGUYỄN ĐÌNH KHANG - ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM