Dồn dập nông sản đến mùa thu hoạch

Phát biểu tại buổi họp của Bộ Công Thương về giải quyết khó khăn cho tiêu thụ nông sản do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (nCoV) diễn ra chiều 11/2, ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp, cho hay: Dịch nCoV gây ảnh hưởng khá lớn tới tiêu thụ nông sản trên toàn tỉnh bởi phần lớn sản phẩm nông sản đều tập trung xuất khẩu sang Trung Quốc. Lượng sản phẩm tồn đọng khá lớn và trong tương lai dự tính ngày một xấu đi.

Hiện nay, Đồng Tháp tồn đọng lớn nhất là mặt hàng khoai lang với khoảng 11.000 tấn, ớt khoảng 6.700 tấn, nhãn khoảng 1.200 tấn... Riêng thanh long, sản lượng của Đồng Tháp không lớn lắm so với các tỉnh khác cho nên không cần giải cứu thanh long.

“Còn 3 sản phẩm trên chúng tôi đang bị vướng, nhất là khoai lang. Riêng một huyện thôi dân chúng hoang mang mà địa phương chưa có cách nào hữu hiệu hơn”, ông Dũng chia sẻ.

{keywords}
Dưa hấu "giải cứu" được bán trên vỉa hè Hà Nội.

Ngoài ra, xoài là mặt hàng chủ lực của Đồng Tháp, khoảng 30 ngày nữa thu hoạch. Với diện tích gần 11.000 ha xoài Cát Chu và xoài cát Hòa Lộc, sản lượng thu hoạch dự kiến khoảng 90.000 tấn.

“Đồng Tháp đề xuất Bộ Công Thương kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ các hợp tác xã và người sản xuất về chi phí sản xuất, tiêu thụ, lãi suất ngân hàng, thu mua tạm trữ, sơ chế hoặc sử dụng kho đông lạnh để bảo quản nông sản kéo dài trong thời gian thu hoạch”, ông Dũng nói.

Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Đồng Nai), cho hay các sản phẩm như mít, xoài, chôm chôm, sầu riêng là các sản phẩm bị tác động nếu dịch bệnh corona kéo dài.

Bình Thuận là một trong những địa phương bị ảnh hưởng khá nặng nề trong khâu tiêu thụ nông sản do dịch nCoV, đặc biệt là mặt hàng thanh long. Theo ông Hà Lê Thanh Chung, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận, tổng sản lượng thanh long thu hoạch tháng 2 và 3 trên toàn tỉnh dự kiến đạt 96.111 tấn.

Ông Chung đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Xuất nhập khẩu nghiên cứu thị trường Campuchia và Myanmar để thanh long vào được hai thị trường này. Bên cạnh đó, ông Chung kiến nghị Tổng cục Thuế xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chính ngạch.

“Hiện nay, doanh nghiệp chưa có đầu ra nhưng vẫn tiến hành thu mua sản phẩm, bảo quản kho lạnh, thậm chí thuê kho của doanh nghiệp logistics để chứa. Bởi vậy, một số doanh nghiệp kiến nghị được hỗ trợ tiền điện”, ông Chung nói.

Có ý kiến tương đồng với ông Chung, ông Đặng Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang, cho biết: Tỉnh có nhiều mặt hàng trái cây xuất khẩu như sầu riêng, mít, thanh long, bưởi da xanh, xoài,... Đáng chú ý, gần 70% được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Ông Tuấn cũng thừa nhận lâu dài, tỉnh coi đây là cơ hội tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất theo nhu cầu thị trường bởi việc giải cứu này “không mang tính căn cơ”.

Bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La, tỏ ra lo ngại việc tiêu thụ tinh bột sắn khi chủ yếu là xuất sang Trung Quốc trong khi cửa khẩu phụ vẫn chưa được mở. Ngoài ra, còn có chuối, xoài, nhãn, chanh leo, mận hậu,... sắp đến mùa thu hoạch. Các sản phẩm này cũng chủ yếu xuất sang Trung Quốc nên “chắc chắn ảnh hưởng nhiều”.

“Đặc biệt, xoài Sơn La sản lượng năm 2020 là hơn 190 ngàn tấn, xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc nên chúng tôi mong nhận được sự kết nối để tiêu thụ trong nước”, bà Doan nói.

“Nhận đơn hàng xong không có hàng giao”

Đại diện Tập đoàn Central Retail, bà Đinh Hải Vân - Giám đốc thu mua miền Bắc - cho hay đã hỗ trợ tiêu thụ nông sản từ 5/2, với sản lượng 100 tấn dưa hấu/ngày, gấp 10 lần trung bình bán ngày thường; 70 tấn thanh long đỏ, thanh long trắng/ngày.

Tuy nhiên, bà Vân nêu thực tế gặp khó khăn với thanh long đỏ Tiền Giang khi số lượng tiêu thụ nhiều hơn số lượng nhà cung cấp có thể giao. “Chúng tôi vừa nhận được thông tin từ Tiền Giang là không cần giải cứu thanh long nữa, như thế nào thì tỉnh cho thông tin cụ thể”, bà Vân hỏi lãnh đạo Sở Công Thương Tiền Giang.

Đại diện Central Retail cũng đề nghị các Sở có nông sản cần giải cứu nêu rõ sản phẩm gì, sản lượng bao nhiêu, thời điểm cần tiêu thụ,... để có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ tối đa.

“Nếu Sở Công Thương hoặc hợp tác xã có khó khăn về vận chuyển từ tỉnh ra Hà Nội và miền Bắc, có thể chia sẻ với chúng tôi. Chúng tôi có đội ngũ vận chuyển về từng tỉnh lấy hàng”, đại diện Central Retail sốt sắng.

Cùng chung chia sẻ trên, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối cung ứng của Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Vincommerce, cho hay, tỉnh kêu gọi giải cứu nông sản nhưng khi liên hệ với nông dân thì không có hàng. “Dưa hấu ở Gia Lai họ giao rất nhỏ giọt”, bà Thủy nói và cho biết cần 60 tấn thì phía cung ứng chỉ giao 10 tấn một.

Bà Thủy cho rằng, các chuỗi phân phối đã chung tay quảng bá tiêu thụ sản phẩm, thì ngược lại cũng cần nhận được cam kết về mặt cung. Bởi có tình trạng nhận đơn hàng của khách hàng xong thì doanh nghiệp “không có hàng giao”, “rất mất uy tín”.

“Khi Sở Công Thương đưa sản phẩm cần kết nối tiêu thụ, giá một kiểu, doanh nghiệp liên lạc với nông dân thì giá kiểu khác. Nông dân rất vất vả, nên chúng tôi hiểu họ cũng muốn lỗ ít chừng nào tốt chừng ấy. Vincommerce cam kết bán hàng không lợi nhuận, mua giá nào bán giá đó nên chúng tôi cũng chịu lỗ về chi phí logistics. Cho nên, cần có thông tin rõ ràng về sản lượng, giá để hệ thống chủ động việc bán hàng”, đại diện Vincommerce mong muốn.

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Với đề xuất của Sở Công Thương Tiền Giang, Bình Thuận liên quan tới hỗ trợ chi phí tiền điện, giảm chi phí logistics hay giảm thuế thu nhập doanh nghiệp,... chúng tôi sẽ tổng hợp lại để kiến nghị với các cơ quan, các cấp có thẩm quyền. Về lâu dài, cần có giải pháp căn cơ, tránh lặp lại tình trạng “giải cứu” nông sản, đó là tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ.  

Lương Bằng