Đó là một chính khách nổi tiếng - mà như một định mệnh - đất nước Việt Nam đã để lại trong cuộc đời và sự nghiệp chính trị của ông những dấu ấn rất đặc biệt.
Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang tiến đến một cột mốc quan trọng: 20 năm bình thường hóa quan hệ (12/7/1995-12/7/2015).
Sự kiện này càng có ý nghĩa khi từ ngày mai, 6 đến 10/7/2015, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tiến hành chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama. 20 năm đối với chiều dài lịch sử hai dân tộc chỉ như một chớp mắt, nhưng trong “chớp mắt” đó, hai nước đã có những bước đi rất ấn tượng.
Quả thật, dù trí tưởng tượng có phong phú đến đâu, cách đây 20 năm, thật khó có thể hình dung quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù trong một cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc lại đang phát triển mạnh mẽ và hứa hẹn những triển vọng tốt đẹp như vậy. Dù còn nhiều vấn đề phải tiếp tục giải quyết, nhưng quan hệ Việt- Mỹ được như hôm nay là nhờ nỗ lực chung của lãnh đạo, nhân dân hai nước.
Trong chính giới Mỹ, một trong những người có đóng góp tích cực nhất vào quá trình bình thường hóa và phát triển quan hệ Việt - Mỹ là Thượng nghị sĩ (TNS) John McCain. Đó là một chính khách nổi tiếng - mà như một định mệnh - đất nước Việt Nam đã để lại trong cuộc đời và sự nghiệp chính trị của ông những dấu ấn rất đặc biệt.
Tôi viết những dòng này trước hết là vì trong vòng một năm, tôi có may mắn được trực tiếp tham dự hai cuộc gặp của đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội với TNS John McCain ở hai nửa trái đất.
Washington, hè 2014
Trước hết, đó là cuộc gặp vào chiều 23/7/2014 tại Đồi Capitol (Nhà Quốc hội Mỹ) ngay trong phòng làm việc của TNS John McCain. Cuộc gặp này nằm trong khuôn khổ chuyến thăm của đoàn cấp Ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam lần đầu tiên thăm Mỹ theo lời mời của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Phòng làm việc của một TNS vào hàng nổi tiếng nhất nước Mỹ không quá rộng như tôi hình dung, thậm chí còn có vẻ chật so với đồ dùng và những kỷ vật phong phú mà chủ nhân của nó bày biện trong phòng.
Ông Phạm Quang Nghị và Thượng Nghị sỹ John McCain trong chuyến thăm Washington. Ảnh: VOV |
Đập vào mắt tôi trước hết là bức ảnh chụp cảnh dân quân Hà Nội đang vây bắt một phi công Mỹ trên hồ Trúc Bạch. Đó chính là thiếu tá John McCain. Nhìn kỹ bức ảnh thì thấy rõ là dân quân Hà Nội đang ra sức cứu ông, trong đó có một người đang cố quàng vào cổ ông chiếc phao cứu sinh để ông không bị đuối nước. Tuy bị bắt làm tù binh, nhưng đối với TNS John McCain, đó là một ngày rất đặc biệt trong cuộc đời chiến trận mà ông luôn cảm thấy tự hào.
Tôi cũng đã từng cảm nhận được điều này khi may mắn được có mặt trong cuộc gặp của Thủ tướng Phan Văn Khải cũng tại Nhà Quốc hội Mỹ cách đây đúng 10 năm với một số chính khách Mỹ nổi tiếng vốn là những cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam trong đó có TNS John Kerry, TNS John McCain. Hôm đó, sau khi hội đàm với lãnh đạo Thượng viện, lãnh đạo Hạ viện, gặp một số TNS hàng đầu và Uỷ ban đối ngoại Thượng viện, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đến dự buổi gặp mặt chào mừng do TNS John McCain và TNS John Kerry đồng tổ chức. Đây là hai TNS có uy tín và có vai trò quan trọng trong Quốc hội Mỹ.
Xem thêm các bài trong mạch 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ: |
John McCain đã trở lại thăm Việt Nam nhiều lần trên cương vị TNS, và là một trong những người tích cực nhất ủng hộ việc bình thường hoá và phát triển quan hệ với Việt Nam, có vai trò quan trọng trong việc gạt Đạo luật nhân quyền ra khỏi các cuộc thảo luận tại Thượng viện năm 2001 và 2004. Năm 1997, ông được tạp chí Thời đại bình chọn là một trong 25 người có ảnh hưởng nhất nước Mỹ.
Mái tóc màu bạch kim, John McCain lại có dáng vẻ trẻ trung, hồ hởi khi gặp Thủ tướng Phan Văn Khải. Bỏ qua xã giao thông thường, John McCain làm nhiệm vụ "xếp chỗ" cho John Kerry và nhà ngoại giao Amitage rồi nói vui với mọi người: "Chúng tôi ngồi đây chắc là dễ chịu hơn các vị ở dưới kia". Ông Amitage cũng vui không kém: "Cả ba chúng tôi đều từng là lính hải quân. Hôm nay không cho ai vào đây. Chúng tôi đều đã tham chiến ở Việt Nam....". Khi Amitage nói điều đó thì John McCain đế ngay: "Nhưng đã thua". Tất cả cùng cười rất vui.
Bây giờ, dù ở tuổi 80, nhưng TNS John McCain vẫn có phong thái linh hoạt, đi lại nhanh nhẹn. Ông vừa từ phòng họp Quốc hội, tham gia một cuộc bỏ phiếu rồi trở về phòng làm việc tiếp đồng chí Phạm Quang Nghị. Thân thiện và hồ hởi, ông bắt tay từng vị khách đến từ đất nước mà ông không ngần ngại thừa nhận cho tới lúc máy bay của ông bị bắn rơi vào ngày 26/10/1967, ông đã thực hiện tới hơn 20 phi vụ xuất kích từ Hạm đội 7 để ném bom vào các mục tiêu ở miền Bắc Việt Nam. Vừa mở đầu, câu chuyện đã sôi nổi. Khi hỏi đồng chí Phạm Quang Nghị quê ở đâu, được nghe trả lời là ở Thanh Hóa, TNS John McCain cất tiếng nửa ngạc nhiên, nửa như thán phục:
- Ồ, nơi đó có cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã, một lưới lửa phòng không được giăng lên thật là khủng khiếp; và cả Bắc Việt Nam lúc bấy giờ là một trận địa phòng không thật là khủng khiếp.
Trong một câu mà có đến hai lần viên cựu phi công nhắc đến từ “khủng khiếp”. Hình như đó là cách mà ông muốn giải thích vì sao máy bay phản lực hiện đại của ông lại bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội.
Cuộc gặp hôm đó kéo dài hơn dự kiến. Một cuộc đối thoại thẳng thắn và cởi mở về tình hình khu vực, trong bối cảnh ở Biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đang trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới và về các vấn đề quan hệ song phương.
Trước khi kết thúc cuộc gặp, trong bầu không khí vui vẻ, đồng chí Phạm Quang Nghị nói: “Thưa ngài, tôi muốn tặng ngài một tấm ảnh. Thật tình, tôi không biết ngài có muốn có nó hay không? Nếu ngài không thích thì ngài có thể không công bố cho bất kỳ ai được biết. Còn ngài thích, thì tùy ngài.”
TNS John McCain hào hứng đón nhận hai tấm ảnh, xúc động xem từng bức một, và tự mình giơ cao lên cho mọi người xem. Rồi ông chỉ tay vào góc tấm ảnh: “Tôi rất cảm ơn ngài đã tặng tôi bức ảnh. Nhưng tôi là thiếu tá hải quân chứ không phải là thiếu tá không quân. Tôi thuộc lực lượng không quân của hải quân. Các ngài đã ghi vào tấm bia này không đúng”.
Trong lúc chúng tôi chưa biết ứng xử như thế nào thì đồng chí Phạm Quang Nghị giải thích ngay: “Với người Việt Nam chúng tôi, bất cứ ai là phi công lái máy bay, chúng tôi đều coi họ thuộc lực lượng không quân. Như ngài biết đấy, ở Việt Nam, vào lúc bấy giờ chúng tôi làm gì có hàng không mẫu hạm, làm gì có lực lượng không quân của hải quân”. Nghe vậy, ngài TNS hiểu được lý do của sự nhầm lẫn trên bia.
Chúng tôi được biết ngài được sinh ra trong một gia đình có truyền thống hải quân. Ông nội là đô đốc hải quân. Rồi cha lại cũng là đô đốc hải quân. Ngài là phi công hải quân. Con trai ngài cũng đang phục vụ trong lực lượng hải quân. Vì vậy, ngài rất tự hào về truyền thống đó của gia đình. Thì ra, điều làm ngài thắc mắc không phải là việc Việt Nam đã dựng bia về sự kiện máy bay của ngài lái bị bắn rơi, mà là vì ngài “bị” ghi nhầm là “phi công của không quân”.
Qua thái độ vui vẻ và trân trọng khi đón nhận bức ảnh, không ai cảm thấy ngài thượng nghị sỹ có ý bày tỏ sự không hài lòng về tấm bia, mà ngược lại ngài luôn tự hào về điều đó, luôn nhắc về điều đó khi có dịp gặp các vị khách đến từ Việt Nam. Được biết, đã có lần, ngài đề nghị thành phố Hà Nội quan tâm, giữ gìn vệ sinh cho khu vực xung quanh tấm bia. Thực tế, hầu như lần nào tới Hà Nội, ngài đều dừng xe để chụp ảnh bên tấm bia này.
Cũng chính vì hài lòng và trân trọng món quà, quý trọng trưởng đoàn Phạm Quang Nghị mà tiếp theo đó, đích thân TNS John McCain đã dẫn các vị khách Việt Nam đi thăm Tòa nhà Quốc hội - một trong hai tháp quyền lực quan trọng nhất của nước Mỹ. Nắm tay đồng chí Phạm Quang Nghị, ông nói: “Hôm nay, tôi sẽ đích thân làm người hướng dẫn các ngài thăm tòa nhà Quốc hội. Xin mời ngài Bí thư và các bạn Việt Nam đi theo tôi.”
Chúng tôi ngồi trên tàu điện chạy trong khu nhà Quốc hội. Tôi được ngồi trong khoang cùng với TNS và đồng chí Phạm Quang Nghị. Hai người chuyện trò rất thân mật. Ngài thượng nghị sỹ đã dẫn chúng tôi thăm, trực tiếp giới thiệu từng địa điểm, từng căn phòng, nơi họp chung, nơi nghỉ ngơi giữa giờ, nơi đặt tượng các vị tổng thống nổi tiếng của nước Mỹ, nơi tổ chức nghi thức lễ tang khi các vị tổng thống qua đời...
Dừng lại ở một căn phòng có tên gọi là phòng lobby, ngài TNS vui vẻ giải thích vì sao lại có thuật ngữ “vận động hành lang”. Đó là nơi các TNS vừa nghỉ giải lao, vừa tiếp xúc với các cử tri, quan khách để đối thoại, vận động thuyết phục họ ủng hộ cho những đề xuất, chủ trương kiến nghị của mình. Căn phòng đó có treo ảnh chân dung những TNS nổi tiếng trong hoạt động “vận động hành lang” của nước Mỹ, đồng chí Phạm Quang Nghị hỏi: “Thưa ngài, tôi thấy tất cả các vị trí đẹp trong căn phòng này đều đã treo ảnh các TNS tiền nhiệm tiếng tăm. Vậy sau này, ảnh của ngài sẽ được treo ở đâu?”. TNS John McCain cười, chỉ tay: “Có lẽ đến lượt tôi, ảnh của tôi sẽ được treo ở trên trần nhà”. Tất cả cười vui trước câu trả lời rất hóm hỉnh, ý nhị của ngài thượng nghị sỹ.
Rồi ông dẫn chúng tôi ra ban công lớn trên Nhà Quốc hội Mỹ. Chỉ tay ra quảng trường rộng bao la trước mặt, những thảm cỏ xanh trải dài từ đồi Capitol cho tới tháp Bút Chì cao ngất, TNS John McCain kể lại: “Nơi đây vào những năm 1960, 1970 đã từng diễn ra những cuộc mittinh, biểu tình khổng lồ với hàng vạn người Mỹ xuống đường yêu cầu chính phủ chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam”.
Chỉ ít ngày sau chuyến thăm Mỹ của đồng chí Phạm Quang Nghị, TNS John McCain đã tới thăm Việt Nam. Trong cuộc họp báo tại Thủ đô Hà Nội, khi có phóng viên hỏi: “Xin ngài cho biết ý kiến về hai bức ảnh mà ông Phạm Quang Nghị đã tặng ngài trong chuyến thăm Mỹ vừa rồi”, không chút lưỡng lự, TNS John McCain khẳng định: “Tôi đánh giá rất cao chuyến thăm Mỹ của ông Phạm Quang Nghị. Tôi rất hài lòng và trân trọng món quà là hai bức ảnh mà ông Nghị đã tặng tôi”. Những thông tin này đã được đăng tải ngay trên các báo hôm sau.
(Còn tiếp)
Hồ Quang Lợi