Bố dẫn con gái đi xăm hình

Nhan Minh (28 tuổi, TP.HCM) đang thuê mặt bằng ở Quận 6, TP.HCM để tạm trú và mở tiệm xăm hình. Minh theo đuổi nghề thợ xăm đã hơn 6 năm và làm cho nhiều đối tượng khách hàng.

Cuối tháng 6/2023, nghề cho Minh cơ hội tiếp xúc thêm một vị khách vô cùng đặc biệt. Đó là hai bố con từ huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An lặn lội lên TP.HCM để xăm hình.

Nhan Minh xăm số điện thoại của ông Thành lên cánh tay chị Huyền.

Ngày 26/6, Minh đang ở tiệm thì có một người đàn ông khoảng 60 tuổi dẫn con gái đến xăm hình. Ông đề nghị Minh xăm dòng chữ “Bệnh tâm thần” và số điện thoại của ông lên tay con gái.

“Ông kể, con gái bệnh nặng, thần trí không ổn định, thường bỏ nhà đi lang thang. Sợ con gái gặp nguy hiểm, ông quyết định xăm số điện thoại của mình lên cánh tay con. Chỉ nghe đến đó, tôi đã cảm động lắm rồi”, Nhan Minh chia sẻ.

Dù nhận lời nhưng Minh rất lo cô gái sẽ mất kiểm soát trong quá trình xăm hình. Thế nên, Minh chủ động ủ tê, giúp khách hàng giảm đau.

Bên cạnh đó, người bố liên tục trấn an con gái, nói đang làm đẹp nên cô gái không phản kháng.

Trao đổi với VietNamNet, ông Đặng Công Thành (62 tuổi, Long An) xác nhận: “Được người quen giới thiệu, tôi đến tiệm của cháu Minh nhờ xăm số điện thoại lên tay con gái. Tôi phải chọn tiệm tốt, chứ trong lúc xăm bị đau là con gái tôi quậy phá ghê lắm”.

Con gái của ông tên Đặng Thị Thanh Huyền (38 tuổi) phát bệnh tâm thần khoảng 15 năm. Lúc sinh con chưa tròn năm, chị Huyền mắc trầm cảm sau sinh, xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường.

Chị Huyền thường ngồi cười một mình, lúc nóng giận thì đập phá đồ đạc, bỏ nhà đi lang thang. Thấy con bất ổn, vợ chồng ông Thành rước về chạy chữa khắp nơi.

“Mấy lần tôi đưa con lên Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 ở Biên Hòa, Đồng Nai chữa bệnh. Điều trị được vài tháng, thấy con tôi ổn định, bệnh viện cho về. Thế nhưng, về nhà được vài tháng, bệnh lại tái phát”, ông Thành buồn bã.

Bình thường, ông Thành nhốt con gái trong phòng, lâu lâu cho ra ngoài chơi. Những lúc được ra ngoài, chị Huyền lại tìm cách bỏ trốn. Nhiều lần, chị bỏ nhà đi gần nửa tháng, lang thang xuống tận Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp…

Biết vậy, ông Thành làm thẻ có số điện thoại đeo lên cổ, tay, dán lên quần áo… chị Huyền. Thế nhưng, chị thường xé bỏ, vứt lại ven đường.

Thương hoàn cảnh của bố con chị Huyền, chủ tiệm xăm quyết định làm miễn phí.

Lần này, ông Thành nghe bạn bè tư vấn đưa chị Huyền đến tiệm, nhờ xăm số điện thoại của ông lên cánh tay con gái.

Ông Thành nói: “Xăm lên tay con như thế, khi Huyền đi lạc, mọi người gọi tôi mới biết đường đến đón con về”.

Hoàn cảnh của bố con ông làm Nhan Minh xúc động. Từ chỗ đồng cảm, chủ tiệm quyết định xăm miễn phí cho chị Huyền.

“Tôi thấy chú Thành nói chuyện chân chất, hiền lành tôi thương. Chú cố nhét tiền nhưng tôi không lấy. Làm được như vậy, tôi thấy vui vô cùng”, Nhan Minh chia sẻ.

Hình xăm ẩn chứa số phận

Ngoài trường hợp của bố con ông Thành, Nhan Minh từng xăm hình cho nhiều người có câu chuyện riêng rất thú vị. 

Cách đây không lâu, Minh xăm hình cho một cô giáo dạy tiểu học. Cô giáo gần bằng tuổi mẹ của Minh. 

tâm sự với Minh, bản thân thích xăm hình từ lâu. Thế nhưng, cô sợ định kiến xã hội, ảnh hưởng đến công việc dạy học nên chần chừ không xăm. Lần này, cô quyết tâm xăm một hình nho nhỏ, kín đáo để thỏa mơ ước bao năm.

Nhan Minh bước vào nghề xăm với nhiều thử thách.

Nhan Minh cũng từng gặp những khách hàng đến nhờ xăm hình lên vết sẹo hoặc vết bớt để giúp bản thân tự tin hơn trong cuộc sống.

Một số khách hàng chọn xăm hình để lưu giữ kỷ niệm hoặc xem nó như một món trang sức làm đẹp cơ thể.

Được tiếp xúc nhiều đối tượng khách hàng, lắng nghe câu chuyện của họ, Nhan Minh cảm thấy nghề xăm cực kỳ thú vị và vô vàn thử thách.

Từ nhỏ, Minh đã yêu thích xăm hình. Trước khi làm thợ xăm, Minh từng làm nghề vẽ tranh sơn dầu, tranh tường, trang trí quán cà phê…

Minh theo nghề xăm, gia đình không ngăn cản nhưng cũng chẳng ủng hộ. Tuy nhiên, mẹ của Minh lại âm thầm giúp đỡ con trai những lúc cấp thiết. 

Minh đã có thể chăm lo cho gia đình nhỏ bằng thu nhập từ tiệm xăm.

Lúc mới vào nghề, Minh phải mượn tiền, hùn vốn mở tiệm cùng người khác. Tiệm nhỏ rất ít khách nhưng mỗi tháng, Minh phải gom tiền trả nợ, thuê mặt bằng. Khó khăn chồng chất, chàng trai trẻ trải qua nhiều đêm thức trắng, có lúc nghĩ đến việc bỏ nghề.

May mắn, chủ nợ là một người anh tốt bụng, cho Minh vay không lấy lãi. Đặc biệt, người yêu, hiện tại là vợ của Minh luôn an ủi, hỗ trợ vật chất, giúp bạn trai vượt qua chông gai.

Hiện tại, nghề xăm giúp Minh có thu nhập ổn định, đủ trang trải cho cuộc sống của gia đình nhỏ. Thế nên, Minh cảm thấy rất hạnh phúc khi sống được bằng nghề nghiệp yêu thích.

Ảnh: Nhân vật cung cấp