Những lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu, về mặt lý thuyết, đã đặt việc mua bán vàng và kim cương từ Nga ra ngoài vòng pháp luật. Nhưng trên thực tế, những tài nguyên quý này vẫn có khả năng thâm nhập vào thị trường phương Tây, thông qua một mạng lưới trung gian có quy mô toàn cầu và khó bị kiểm soát.
Điều này phần lớn do kim cương đã qua xử lý và đồ trang sức thành phẩm ở Mỹ thường được nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này đồng nghĩa với việc chúng vẫn có thể được đưa vào Mỹ một cách hợp pháp ngay cả khi nguyên liệu thô ban đầu đến từ Nga, theo tiết lộ từ những người làm trong giới kim hoàn với báo Wall Street Journal.
Vì vậy, nhiều nhà lập pháp Mỹ đang yêu cầu thắt chặt việc kiểm soát và có các biện pháp mạnh tay hơn để, theo lời Hạ nghị sĩ Elissa Slotkin, “đảm bảo Nga không thể sử dụng lượng vàng dự trữ của mình” để tài trợ cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Nguồn gốc khó phân biệt
Nga hiện nắm giữ khoảng 10% nguồn cung vàng và 30% nguồn cung kim cương trên toàn cầu. Theo ước tính của Hội đồng Vàng Thế giới, kho dự trữ vàng của Nga có giá trị khoảng 140 tỷ USD, trong khi kho dự trữ kim cương của nước này, dù chưa được công khai số liệu, song cũng được nhận định có giá trị lớn tương đương.
Vàng và kim cương Nga trở thành mục tiêu trừng phạt của Mỹ ngay từ những tuần đầu sau khi xung đột bùng phát ở Ukraine. Hồi tháng 3, “Đạo luật ngăn chặn vàng Nga” đã được đệ trình trước Quốc hội Mỹ. Theo đó, công dân nước này bị cấm mua bán hoặc giao dịch bằng vàng của Nga với công dân nước ngoài. Tuy nhiên, đạo luật này vẫn chưa được thông qua.
Đến tháng 4, Mỹ tiếp tục áp lệnh trừng phạt Alrosa - nhà sản xuất kim cương khổng lồ của Nga, chịu trách nhiệm tới 90% tổng nguồn cung kim cương của Moscow. Ngoài Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã áp lệnh trừng phạt vàng và đồ trang sức của Nga.
Dù vậy, một nhóm nghị sĩ thuộc lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ hồi tháng 4 đã viết thư cho chính quyền Tổng thống Joe Biden, trong đó cảnh báo về những kẽ hở trong cách kiểm soát dòng chảy trang sức, đặc biệt là việc nhập khẩu kim cương của Nga qua các nước thứ ba. Họ cũng kêu gọi Bộ Tài chính Mỹ thay đổi cách xác định xuất xứ và hợp tác với các quốc gia như Ấn Độ để ngăn chặn việc nước này trở thành nơi trung gian để phân phối các tài sản bị trừng phạt của Nga.
Lý do là vì nguồn gốc thật sự của vàng và kim cương thường rất khó phân biệt. Chẳng hạn, vàng của Nga có thể được dùng làm đồ trang sức ở Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc kim cương Nga có thể được mang sang Ấn Độ đánh bóng rồi đem xuất khẩu. Song theo những người trong ngành, vấn đề này có thể được giải quyết nếu các nhà kim hoàn và người tiêu dùng Mỹ yêu cầu truy xuất nguồn gốc đầy đủ.
Susan Wheeler, một nhà thiết kế trang sức tại thành phố Chicago (Mỹ), cho biết: “Vàng và kim cương đều rất dễ khai thác. Người tiêu dùng cần biết rằng họ có thể tài trợ cho chiến dịch của Nga ở Ukraine nếu mua trang sức từ các cửa hàng chưa xác thực chuỗi cung ứng”.
"Nhập nhằng" trong chuỗi cung ứng
Trong một ngành công nghiệp có quy mô toàn cầu, chủ yếu gồm các doanh nghiệp nhỏ và mạng lưới trung gian rộng lớn, “có quá nhiều sự nhập nhằng trong chuỗi cung ứng”, Christina Miller, nhà tư vấn trang sức bền vững và là thành viên của Sáng kiến Minh bạch Vàng Toàn cầu (GGTI), cho biết. “Điều đáng lo ngại là nếu các chính trị gia không hiểu cách thức hoạt động của ngành trang sức, họ có thể lầm tưởng đang đạt được một điều gì đó”, bà Miller nói thêm.
Do đó, GGTI đang kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tăng cường việc trừng phạt bằng cách “vá” các kẽ hở, đồng thời quy định việc sử dụng nguyên liệu của Nga là "bất hợp pháp" ngay cả khi chúng được đưa vào nước thứ ba.
Tháng 4 vừa qua, Tổ chức Sáng kiến Toàn cầu Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, có trụ sở tại Thụy Sĩ, cảnh báo các công ty và cá nhân Nga bị trừng phạt có khả năng đã bán vàng trên thị trường chợ đen bằng cách chuyển nguồn cung sang các nước thứ ba.
Trong khi đó, nhiều công ty lớn của phương Tây thường dựa vào các tổ chức độc lập như Hội đồng Trang sức có trách nhiệm (RJC), có trụ sở tại Anh, để chứng nhận các loại đá quý và kim loại quý có đủ điều kiện về mặt đạo đức hay không. Tuy nhiên, xung đột Nga - Ukraine đã khiến hệ thống này rơi vào tình trạng căng thẳng.
Hồi tháng 3, hội đồng đã bác bỏ yêu cầu đình chỉ hoạt động của Alrosa, khiến một số nhà kim hoàn hàng đầu thế giới như Kering, Pandora và Financière Richemont quyết định rút khỏi RJC. Giám đốc điều hành hội đồng này sau đó cũng phải từ chức.
Biện pháp chưa đủ sức nặng
Một số công ty kim hoàn lớn cho biết, họ sẽ có các biện pháp đơn phương để xử lý đá quý từ Nga. Tập đoàn LVMH, chủ sở hữu thương hiệu trang sức cao cấp Tiffany & Co, tuyên bố đang dần loại bỏ chuỗi cung ứng kim cương Nga của mình. Trong khi đó, nhà bán lẻ trang sức hàng đầu thế giới Signet Jewelers cũng cho biết sẽ ngừng mua kim cương từ Nga.
Nhiều công ty kim hoàn quy mô nhỏ hơn ở Mỹ cũng cố gắng đưa ra những điều chỉnh, như chỉ mua vàng từ những nơi có thể truy xuất nguồn gốc. Song theo Bob Goodman, một nhà kim hoàn ở thị trấn Zionsville (Mỹ), vàng có thể truy xuất nguồn gốc đầy đủ thường có giá cao hơn khoảng 20% so với giá gốc. Do đó, nhiều nhà kim hoàn Mỹ có thể lo lắng về tỷ suất lợi nhuận của họ hơn là nguy cơ tài trợ cho các cuộc xung đột ở xa.
“Tôi đã nghe rất nhiều “lời bào chữa” từ những người thợ kim hoàn không màng đến nguồn gốc đá quý và kim loại quý của họ. Và điều này thật đáng lo ngại”, ông Goodman cho biết.
Việt Anh