Theo Defense Express, kể từ đầu cuộc xung đột, Bộ Quốc phòng Nga đã nhiều lần thông báo về việc bắn hạ tên lửa GMLRS được phóng từ hệ thống pháo binh cơ động cao HIMARS do Mỹ gửi tới Ukraine. Tuy vậy, tới tận ngày 13/3 thì đoạn video đầu tiên ghi lại hoạt động đánh chặn này mới được truyền thông Nga công bố.

Các chuyên gia quân sự nhận định, binh lính quay lại đoạn video đứng cạnh radar chỉ thị mục tiêu tầm cao 96L6E, thường đi kèm với hệ thống phòng không S-400. Để đánh chặn 6 tên lửa từ hệ thống HIMARS, phía Nga đã phóng ít nhất 10 tên lửa từ hệ thống S-400. Tuy đã thành công bắn hạ một số tên lửa của Ukraine, vẫn có vài vụ nổ xảy ra ở gần khu vực đặt hệ thống S-400.

Hệ thống S-400 của Nga đánh chặn tên lửa HIMARS. Video: DE

S-400 Triumph hay được NATO gọi là SA-21, đang được coi là hệ thống phòng không hiện đại nhất của quân đội Nga. Hệ thống này được thiết kế để đối phó với mọi nguy cơ trên không, từ tiêm kích, máy bay không người lái, tên lửa hành trình hay tên lửa đạn đạo.

S-400 có tầm bắn tối đa lên tới 400km, độ cao tối đa có thể vươn tới là 50km, đi kèm với hệ thống radar được cho là có khả năng phát hiện các tiêm kích tàng hình hiện đại nhất hiện nay.

Điểm ấn tượng nhất của S-400 là khả năng khóa 300 mục tiêu cùng lúc và bắn hạ 36 mục tiêu trong số này. Hệ thống của Nga thường sử dụng các loại tên lửa gồm 9M96 (tầm bắn 40–120 km), 48N6 (tầm bắn 250km) và 40N6 (tầm bắn 400km). Giá của một tổ hợp S-400 rơi vào khoảng 160 triệu USD.