XEM CLIP:

HIEU8933.jpg
Tập thể lớp Văn khóa 8 (​​Đại học Tổng hợp Hà Nội) đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Đình Hiếu

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, Trưởng Ban liên lạc lớp Văn khóa 8, Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp) dẫn đầu đoàn của lớp vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Thiện chia sẻ, các thành viên lớp Văn khóa 8 vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của người bạn hiền, người đồng môn thân quý.

“Vĩnh biệt anh Nguyễn Phú Trọng, mong anh về cõi người hiền, được gặp Bác Hồ, gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các bậc tiền nhân.

Thành kính chia buồn cùng gia đình Tổng Bí thư trước tổn thất vô cùng to lớn. Hình ảnh và tấm gương cao đẹp về tư tưởng, đạo đức, nhân cách, sự nghiệp hoạt động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ không phai mờ trong lòng các đồng môn lớp Văn khóa 8”, ông Thiện nghẹn lời.

W-danh da chinh 1.jpg
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, Trưởng Ban liên lạc lớp Văn khóa 8. Ảnh: Đình Hiếu
W-anh da chinh.jpg
Ông Nguyễn Hữu Khang, lớp trưởng lớp Văn khóa 8. Ảnh: Đình Hiếu

Cùng trong đoàn, dù phải chống gậy, ông Nguyễn Hữu Khang, lớp trưởng lớp Văn khóa 8 vẫn gắng gượng đến gặp người bạn hiền lần cuối. Ông rưng rưng, hôm nay 20 thành viên của lớp đã có mặt, vô cùng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Giọng trùng xuống, ông Khang kể, thời đi học đất nước trong giai đoạn kháng chiến, gian khó nhưng có rất nhiều kỷ niệm. "Anh Trọng là người hiền lành, được cử làm cán sự học tập của lớp. Anh Trọng học giỏi lắm. Lớp đông, thời điểm đông nhất lên tới 120 người nhưng cả lớp chỉ có 2 người được kết nạp Đảng khi còn là sinh viên, trong đó có anh Trọng. Tôi cũng là người đạp xe từ nơi sơ tán về Lại Đà, Đông Hội, huyện Đông Anh để xác minh lý lịch cho anh ấy”, ông Khang nghẹn giọng.

Một người bạn khiêm tốn, chân tình 

Trong tâm trạng ngậm ngùi, ông Trần Đình Thảo, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Tin tức (TTXVN) nhớ lại quãng thời gian ông còn làm trưởng cơ quan thường trú TTXVN tại Hà Nội, khi đó Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Tiếc thương một người bạn xuất sắc, ông Thảo bộc bạch: "Tổng Bí thư sống tình cảm lắm".

W-anh da chinh 7.jpg
Ông Trần Đình Thảo, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Tin tức (TTXVN). Ảnh: Đình Hiếu

"Với vai trò người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, chắc hẳn bạn tôi còn nhiều trăn trở với những công việc vẫn còn dang dở”, ông Thảo rưng rưng.

Cũng có mặt trong lễ viếng, ông Bùi Đức Nhận - bạn học lớp Văn khóa 8, mắt đỏ hoe khi nhớ lại kỷ niệm xưa.

Do có hoàn cảnh khó khăn, người thân đau ốm liên miên nên trong một lần họp lớp vào năm 1997, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề xuất và đề nghị cả lớp chung tay giúp đỡ tôi.

Cũng theo ông Nhận, dù ông đã từ chối lời đề nghị trên nhưng bản thân ông rất cảm động khi được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm, chia sẻ.

W-anh da chinh 2.jpg
Ông Trần Ngọc Thảo đi cùng người bạn học ở lớp Văn khóa 8 và người thân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Đình Hiếu

Lặn lội từ Hải Phòng lên Hà Nội từ sáng sớm, người bạn cùng lớp với Tổng Bí thư, ông Trần Ngọc Thảo chia sẻ: “Anh Trọng mất đi là chúng tôi mất một người bạn lớn. Từ nay, các cuộc họp lớp sẽ vắng anh".

"Tôi là người làm văn hóa nên tôi rất tâm đắc với tinh thần Tổng Bí thư nói về văn hóa, anh là hình mẫu con người văn hóa. Gặp anh, luôn thấy từ anh nụ cười tình cảm, sự hòa đồng. Anh là tấm gương cho các thế hệ noi theo. Chúng tôi rất đau xót, thương tiếc người bạn lớn”, ông Trần Ngọc Thảo chia sẻ.

Dù đã bước sang tuổi 82, ông Nguyễn Mạnh Hùng, bạn học lớp Văn khóa 8 vẫn cố gắng có mặt tại lễ viếng. Ông ngậm ngùi, "dù ở cương vị nào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn rất khiêm tốn, chân tình".

“Tôi vẫn nhớ khi tôi tổ chức lễ cưới cho con gái, người bạn học Nguyễn Phú Trọng đã đến tận nhà chung vui. Tổng Bí thư tham gia rất đầy đủ các buổi họp lớp, dù ở cương vị nào thì ông vẫn rất khiêm tốn và chân tình với bạn bè”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhớ lại.

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân ta và gia quyến. Để tỏ lòng tiếc thương và tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nghi thức Quốc tang.

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7h đến 22h ngày 25/7 và từ 7h đến 13h ngày 26/7.

Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13h ngày 26/7. Lễ an táng lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, thành phố Hà Nội.

Lễ viếng, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Trong 2 ngày Quốc tang (25/7 và 26/7), các cơ quan, công sở, nơi công cộng treo cờ rủ, không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí công cộng.

Công an thành phố Hà Nội cho biết, để đảm bảo an ninh trật tự, người dân khi đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở các địa điểm cần mang theo căn cước công dân hoặc sử dụng ứng dụng VNeID để đi qua các chốt kiểm soát. Tại các chốt, công an đã bố trí máy quét mã QRcode để người dân dễ dàng thao tác.