Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc và Trưởng đại diện 13 tổ chức của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày thành lập tổ chức này (24/10).

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Điều phối viên thường trú, Trưởng đại diện các tổ chức LHQ đã trao đổi một số trọng tâm cụ thể trong hợp tác giữa Việt Nam với hệ thống phát triển LHQ trong thời gian tới, đặc biệt là trong hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long, triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Theo Thủ tướng, Việt Nam nỗ lực thực hiện SDGs trên cơ sở phát huy tinh thần tự lực, tự cường cùng sự hỗ trợ của quốc tế, trong đó có LHQ. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn trân trọng, lắng nghe và đề nghị các tổ chức LHQ tại Việt Nam tiếp tục tư vấn chính sách, hỗ trợ hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị quốc gia.

Trong cuộc tiếp đón, ông cho biết để góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023, đồng thời tích cực đóng góp cho việc triển khai sáng kiến của Tổng Thư ký LHQ về chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững.

Tại cuộc gặp, Điều phối viên thường trú LHQ và Trưởng đại diện các tổ chức của LHQ đều ghi nhận và đánh giá rất cao sự chủ động, năng động và đóng góp tích cực của Việt Nam tại LHQ và với các công việc chung của cộng đồng quốc tế, nhất là trong góp phần bảo đảm an ninh lương thực, giữ gìn hòa bình…

Các ý kiến cũng đánh giá cao các định hướng, cam kết, nỗ lực, thành tựu phát triển của Việt Nam trong hơn 35 năm đổi mới và thời gian qua, nhất là trong thực hiện SDGs, bảo đảm an sinh xã hội, phòng chống COVID-19, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, phòng chống HIV/AIDS, phổ cập và nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, bảo vệ quyền, lợi ích của phụ nữ, của người lao động, bảo vệ môi trường và bảo tồn các di sản.

psx 20231006 214718.jpg
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về giảm nghèo 

Điều phối viên thường trú LHQ Pauline Tamesis cho biết phía LHQ rất tự hào được đồng hành cùng Việt Nam trong suốt hành trình từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá, bị bao vây, cấm vận và bị đe dọa bởi nạn đói trở thành một quốc gia bảo đảm an ninh lương thực cho người dân, đạt nhiều thành tựu giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế nhanh và hiện nay đang khẳng định vị trí, vai trò trong khu vực và trên toàn cầu…

Như vậy, với kết quả xóa đói giảm nghèo bền vững, từ một quốc gia bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã được LHQ ghi nhận nhiều thành tựu phát triển, đưa hàng chục triệu người thoát khỏi ngưỡng đói nghèo. Tỷ lệ đói nghèo ở Việt Nam đã giảm liên tục từ gần 60% những năm sau đổi mới xuống còn một con số ngày nay. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,1%, còn 2,93% năm 2023.

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về giảm nghèo và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) vì các chính sách chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Việt Nam trợ cấp thường xuyên cho trên 1,13 triệu người có công với kinh phí 29 nghìn tỷ đồng/năm…

Hiện nay, đất nước đang đẩy mạnh triển khai Đề án xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Đến hết tháng 9/2023, cả nước đã hoàn thành 46 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô khoảng 20.210 căn; đang triển khai 419 dự án, với quy mô khoảng 392.635 căn. Tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi cho các đối tượng chính sách.

Đến nay, đời sống nhân dân được cải thiện tốt hơn. Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của người lao động tăng 6,8%; trên 94% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2022. Theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới vào tháng 3/2023 của Liên hợp quốc, Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 77 lên vị trí 65 trong bảng xếp hạng toàn cầu.

Đây là kết quả của việc thực hiện đầy đủ, kịp thời, nâng cao hiệu quả các chính sách người có công, trợ giúp xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Huy Linh và nhóm PV, BTV