Tính theo tỷ lệ giải ngân, có 08 bộ, cơ quan trung ương và 27 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, đạt trên 55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Long An (93,85%); Bình Dương (91,28%); Đồng Tháp (84,06%); Tiền Giang (83,49%); Bà Rịa – Vũng Tàu (81,52%); Hải Phòng (81,02%). Tuy nhiên, vẫn còn 42 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.

Tính theo giá trị giải ngân tuyệt đối, Bộ Giao thông vận tải (55.917,229 tỷ đồng), Thành phố Hà Nội (25.251,634 tỷ đồng), Thành phố Hồ Chí Minh (21.987,257 tỷ đồng), Bộ Quốc phòng (13.396,6 tỷ đồng), Bình Dương (11.120 tỷ đồng), Thành phố Hải Phòng (10.859.265 tỷ đồng), Bà Rịa Vũng Tàu (8.798,176 tỷ đồng), Long An (8.269,536 tỷ đồng) là những bộ, cơ quan trung ương và địa phương có giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 cao nhất cả nước. 

Báo cáo của Bộ Tài chính, cả nước ước thanh toán từ đầu năm nay đến ngày 30/9/2023 là 363.310,571 tỷ đồng, đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 là 46,7%.

Tính riêng trong tháng 9, số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 giải ngân là 62.968 tỷ đồng, trung bình 09 tháng đầu năm, số vốn đầu tư công giải ngân trong tháng đạt trên 40 nghìn tỷ đồng/tháng.

tay ho 29 1.jpg
Mỗi bộ, ngành, địa phương, dự án giải ngân chậm đều ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. 

Giải ngân vốn đầu tư công mặc dù đạt được kết quả tích cực nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng, yêu cầu đề ra do nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân gián tiếp, nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân khách quan và chủ quan. 

Những nguyên nhân chính là, một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật chậm ban hành, chậm được sửa đổi. Việc lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch. 

Công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập. Đặc thù khó khăn riêng của từng năm kế hoạch, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Năm 2021 là năm chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ và kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự gắn với đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội. Năm đầu tiên của một chu kỳ kế hoạch mới, với ưu tiên đầu tư công tập trung chủ yếu vào các dự án chuyển tiếp và một phần cho công tác chuẩn bị đầu tư. Đây cũng là năm rất đặc biệt bởi chưa bao giờ nền kinh tế nước ta phải dồn tâm sức và nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch với các biện pháp giãn cách xã hội. 

Bước sang kế hoạch năm 2022, lại có những khó khăn riêng, là năm đầu tiên triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Hầu hết các dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư nên tập trung giải ngân dự án chuyển tiếp. 

Đến năm 2023, quy mô vốn đầu tư công tăng lớn (tăng 23% so với năm 2022), số lượng dự án cần giải ngân nhiều (vừa giải ngân dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, vừa giải ngân dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội). Đây là năm khởi công hàng loạt dự án giao thông trọng điểm như Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Cao Lãnh - An Hữu, Vành đai 3 - TP.HCM…, dự án quan trọng quốc gia nên nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu xây dựng rất lớn. 

Mỗi bộ, ngành, địa phương, dự án giải ngân chậm đều ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. 

Qua đây, bài học rút ra là, các cấp, các ngành cần có trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công bởi đây là tiền thuế đóng góp của người dân. Việc phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nên phải nhanh, hiệu quả và đảm bảo đúng pháp luật.

Mặt khác, xây dựng giải pháp tổng thể từ thể chế, pháp luật đến công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và kiểm toán. Đặc biệt, có chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, lợi ích nhóm, cố tình làm chậm tiến độ phân bổ và giải ngân.

Ngọc Dũng và nhóm PV, BTV