Gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), môi trường, thể chế đã được cải cách mạnh mẽ, thị trường rộng mở, hoạt động sản xuất kinh doanh được "cởi trói", nhưng vì sao hầu hết các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đều thua kém giai đoạn trước?.
Đây là câu hỏi được đặt ra trong buổi đối thoại giữa Tổng Giám đốc WTO, ông Roberto Azevêdo với các DN Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Những câu hỏi đặt ra
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, gia nhập WTO đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo pháp lý, chính sách về thương mại, đầu tư. Điều này đã đem lại tác động to lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Các DN có môi trường hoạt động thông thoáng, minh bạch hơn rất nhiều so với trước.
Nhưng, câu hỏi vẫn đặt ra, là tại sao môi trường, thể chế đã được cải cách, đổi mới, thị trường rộng mở, hoạt động sản xuất kinh doanh được "cởi trói", sau khi hội nhập WTO năm 2007, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đều thua kém giai đoạn trước?.
Thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2007 -2011 chỉ đạt mức 5,94%, trong khi giai đoạn 2002-2006 đạt mức 7,27%. hầu hết các ngành sản xuất dịch vụ đều thua kém giai đoạn 2002-2006.
Nông lâm thủy sản, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2007-2011 là 3,4% /năm, thấp hơn mức 4% của 5 năm trước. Công nghiệp - Xây dựng giai đoạn 2007-2011 tăng trưởng bình quân 7%/năm, thấp hơn mức 10,2% giai đoạn 2002-2006.
Công nghiệp chế biến yếu kém, hiệu quả sản xuất và năng lực cạnh tranh thấp, chậm được cải thiện, sản xuất mang tính gia công là chính, phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư.
Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng, nhưng phần lớn thuộc về DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm tới 60% tổng kim ngạch. Các DN trong nước quy mô ngày càng thu nhỏ, sử dụng lao động tay nghề thấp, giá rẻ và không không liên kết được với các DN FDI.
Ý kiến từ các DN cho biết, Việt Nam là nước có nền kinh tế xuất phát điểm thấp, như vậy tăng trưởng phải đạt từ 8%-10%/năm mới không bị tụt hậu. Tăng trưởng dưới 7% kể từ khi gia nhập WTO chắc chắn khó tránh khỏi tụt hậu và không thể xóa bỏ khoảng cách chênh lệch với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Có lẽ Việt Nam đã không tận dụng được cơ hội gia nhập WTO?. Đây là câu hỏi được nhiều chuyên gia, DN đặt ra.
Thành tựu lớn
Ở góc nhìn khác, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, có lẽ chúng ta đã quá khắt khe khi cho rằng đã không tận dụng được cơ hội gia nhập WTO. Từ khi gia nhập WTO đến nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng gấp gần 4 lần, thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh.
Đặc biệt, môi trường thể chế đã có những thay đổi lớn. Ví dụ, bây giờ DN thành lập, đương nhiên đã có chức năng xuất nhập khẩu hàng hóa, thì mười năm trước, DN muốn nhập khẩu, xuất khẩu đều phải xin phép... Đó không phải là việc đương nhiên mà có, nếu chúng ta không tham gia WTO, ông Khánh chia sẻ.
DN quy mô nhỏ, quản trị yếu sẽ khó cạnh tranh thời kỳ hội nhập. |
Ông Roberto Azevêdo cho biết, thế giới coi Việt Nam là câu chuyện thành công nhất, khi gia nhập WTO. Tôi không thấy cơ hội nào bị mất đi, khi Việt Nam tham gia WTO. Ngược lại, Việt Nam là thành viên được hưởng lợi nhiều nhất, với các hoạt động hỗ trợ của WTO.
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều đổi mới mạnh mẽ sau khi tham gia WTO. Thương mại được tự do hóa đáng kể, mức thuế nói chung được hạ xuống, nhiều cải cách tích cực trong lĩnh vực dịch vụ. Vấn đề thực thi và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được cải thiện rõ rệt. Chính phủ Việt Nam đã có các bước đi để hiện đại hóa nền kinh tế, tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn và thuận lợi hơn.
Tất cả những việc làm trên đã giúp Việt Nam tạo được uy tín trong con mắt các bạn bè quốc tế; thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Theo kinh nghiệm của tôi, mô hình khép kín sẽ không đem lại hiệu quả. Nó có thể phát huy tốt trong giai đoạn đầu, nhưng sẽ kém dần. Đổi mới sáng tạo là phải có cạnh tranh. "Đóng kín cửa" sẽ chẳng bao giờ có cạnh tranh tích cực.
"Tôi nghĩ rằng Việt Nam đang đi đúng hướng. Có lẽ do bước vào hội nhập trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh đến Việt Nam", ông Roberto Azevêdo nói
Mặc dù vậy, ông Roberto Azevêdo cũng lo ngại khi Việt Nam có số lượng lớn DN quá nhỏ bé về quy mô. Khi tham gia hội nhập kinh tế thế giới, không có lợi thế về quy mô, sẽ khiến chi phí hàng hóa dịch vụ trở nên đắt đỏ. Trong khi đó năng lực quản trị yếu, vốn eo hẹp, sẽ khó có thể cạnh tranh. Việt Nam cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thể chế và chính sách, để khuyến khích DN phát triển, cùng với đó là hỗ trợ DN đào tạo nâng cao năng lực quản trị, nguồn nhân lực, nếu không muốn mất đi nhiều cơ hội.
Trần Thủy