Bên lề Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 10, ngày 10/10/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam đã có buổi tiếp xúc với các doanh nghiệp của Nhật Bản; cùng tham dự còn có một số lãnh đạo của các doanh nghiệp ICT như Viettel, VNPT, FPT, VNpost, ...

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Bộ trưởng đã kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ như sản xuất ôtô, ICT... Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng chia sẻ một số vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư ở Việt Nam và mong Thủ tướng và các Bộ trưởng chia sẻ, tháo gỡ.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi tiếp xúc với các doanh nghiệp của Nhật Bản.

Đánh giá về cơ hội hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản, Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Việt Nam và Nhật Bản đều có niềm tin và sự tương đồng về văn hoá, đây chính là tiền đề quan trọng nhất để các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản cùng hợp tác thành công.

Về cấp độ hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ 5 cấp độ: Thứ nhất, Việt Nam là thị trường để doanh nghiệp Nhật Bản bán hàng; Thứ hai, Việt Nam là nơi để doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư, Việt Nam cung cấp công nhân cho các nhà máy Nhật, kể cả ở Việt Nam và Nhật Bản; Thứ ba, Việt Nam cung cấp nhân lực công nghệ cao, ví dụ như nhân lực CNTT cho doanh nghiệp Nhật Bản; Thứ tư, các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp sản phẩm cho Nhật Bản, bao gồm cả sản phẩm công nghệ; Thứ năm, doanh nghiệp công nghệ Nhật Bản có thể đầu tư nghiên cứu phát triển tại Việt Nam, hoặc hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam lập lên các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam để nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ cao, công nghệ mới cho 2 thị trường Nhật Bản, Việt Nam và cho thị trường quốc tế.

{keywords}
Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trao đổi với doanh nghiệp Nhật Bản

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Việt Nam và Nhật Bản nên hợp tác ở mức độ cao hơn, điều này sẽ tạo nên sự phát triển bền vững hơn cho 2 bên. Quyền Bộ trưởng cho biết, hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có thể hợp tác công nghệ với Nhật Bản, như FPT, Viettel, VNPT, Vingroup, CMC, VNG...


Về cơ hội hợp tác trong lĩnh vực ICT, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, lĩnh vực Điện tử - Viễn thông và CNTT được chính phủ Việt Nam ưu tiên phát triển và đây cũng là thế mạnh của Việt Nam. Với dân số gần 100 triệu dân, Việt Nam được coi là một thị trường lớn, đất nước ổn định, kinh tế phát triển nhanh, dân số Việt Nam với tuổi trung bình tương đối trẻ, đang thời kỳ dân số vàng; người Việt Nam yêu toán, có năng khiếu về toán học, nên rất phù hợp với sự phát triển công nghệ thông tin. Hạ tầng Viễn thông và Internet Việt Nam phát triển ở mức cao, với mật độ điện thoại 120%; mật độ điện thoại Smartfone trên 60%; số người dùng Internet 65%. Lực lượng lập trình viên làm CNTT của Việt Nam có hàng triệu người, và số lượng tăng cao hàng năm. “Các doanh nghiệp công nghệ Nhật Bản rất nên hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực ICT. Đây là lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh nhất, thường là gấp 3-4 lần tăng trưởng GDP. Việt Nam hiện có khoảng gần 50 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này, với doanh thu hàng năm khoảng gần 100 tỷ USD”, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã chỉ ra một số định hướng của lĩnh vực ICT Việt Nam mà phía các doanh nghiệp Nhật Bản nên quan tâm. Về lĩnh vực Bưu chính, Việt Nam đang hiện đại hoá mạng lưới và dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát theo hướng bưu chính sẽ phát triển thành hạ tầng cho thương mại điện tử. Tăng trưởng trong lĩnh vực này mấy năm nay đều trên 50%. Về viễn thông, Việt Nam tập trung phát triển băng rộng di động với mục tiêu mỗi người dân Việt Nam có một Smartfone vào năm 2020; công nghệ 5G cho kết nối vạn vật; xây dựng hạ tầng lưu trữ dữ liệu và điện toán đám mây - cloud computing.

Về CNTT, Việt Nam đang tập trung phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, kinh tế số, thành phố thông minh. Về an ninh mạng, tập trung phát triển nền công nghiệp an ninh mạng, đảm bảo không gian mạng an toàn. Về Công nghiệp điện tử - viễn thông, tập trung phát triển thiết bị hạ tầng mạng viễn thông, thiết bị điện tử đầu cuối, và đặc biệt là thiết bị IoT. Về Công nghiệp phần mềm, phát triển các sản phẩm phần mềm Việt Nam, phát triển các công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, như trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn, điện toán đám mây. Về Công nghiệp nội dung số, phát triển các dịch vụ gia tăng trên nền mạng viễn thông rộng khắp, các dịch vụ về giải trí như nhạc, film, game. Đưa công nghệ mới vào phát triển ngành (X-Tech), như Fintech, Agritech, Edutech.

Quyền Bộ trưởng cho biết, trong tháng 12 này, Việt Nam sẽ tổ chức một diễn đàn về phát triển doanh nghiệp công nghệ, do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Chính phủ Việt Nam mời các doanh nghiệp Nhật Bản cùng tham gia diễn đàn này và khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để phát triển các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam.

Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác phát triển các công nghệ mới của CMCN lần thứ 4, nhất là AI-Trí tuệ nhân tạo và IoT-Internet vạn vật, Big data-phân tích dữ liệu lớn, Robotics. Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia là các ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật Bản có thể tham gia tích cực vào nội dung này.

Đặc biệt trong việc hợp tác, nghiên cứu giữa doanh nghiệp và các trường đại học của Việt Nam, Nhật Bản. Các doanh nghiệp Nhật Bản có thể chia sẻ kinh nghiệm để giúp Việt Nam cải thiện mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp, Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Mic.gov.vn