“Không gian mạng là một cuộc cách mạng mà ở đó thời cơ và thách thức gay gắt đan xen lẫn nhau. Vận hội lớn lao một lần nữa đặt lên vai Đảng cộng sản Việt Nam, người đại diện ưu tú và trung thành với lợi ích dân tộc Việt Nam, được lịch sử lựa chọn để gánh vác những trọng trách lớn lao của dân tộc”- Ông Trần Đại Quang.

Mặt trận tình báo mới và mối đe dọa với VN

VN trong cơn bão tấn công tình báo mạng

Hồi tháng 5/2014, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin công ty an ninh mạng BKAV đã cảnh báo Việt Nam hiện có hơn 200 trang web của Việt Nam bị các hacker tự nhận là “tin tặc Trung Quốc” tấn công trong đó có 6 website có tên miền thuộc Chính phủ. Các chuyên gia an ninh mạng Việt Nam cho rằng thậm chí, hacker còn đề rõ dòng chữ “By: China Hacked” (Tin tặc Trung Quốc thực hiện).

Những vụ tấn công đó diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang lên tiếng phản đối việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Ông Ngô Tuấn Anh cho biết trên Thông tấn xã Việt Nam, các website này phải hứng chịu những đợt tấn công từ chối dịch vụ, thay đổi giao diện…Thậm chí, hacker còn đề rõ dòng chữ “By: China Hacked” (Tin tặc Trung Quốc thực hiện). Hoạt động tấn công của các hacker tự xưng là của Trung Quốc vào các trang web của Việt Nam cũng giống nhiều vụ khác trên thế giới, nhất là ở thời điểm giữa các nước đang có quan hệ căng thẳng, chẳng hạn như trường hợp của Ukraine và Nga.

{keywords}
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (bên trái). Ảnh: VietNamNet
Một sự kiện tấn công mạng khác mà dư luận vẫn còn nhớ trong vòng hai năm liên tiếp từ cuối năm 2010 đến 2011, tờ báo VietnamNet đã hứng chịu các cuộc tấn công DDOS bởi tội phạm công nghệ cao đến mức lượng độc giả giảm ¾, thiệt hại 1 tỷ đồng trong vòng một tuần.

Sau đó hàng loạt các website như Dân Trí, Kenh14, Vneconomy…không thể truy cập được hồi tháng 10 năm 2014. Giới chuyên gia thừa nhận đây là cuộc tấn công theo hình thức DDOS. Đó là các tờ báo điện tử do Công ty VCCorp vận hành kĩ thuật. Ông Nguyễn Thế Tân – Phó Tổng Giám đốc VCCorp cho biết trên báo điện tử VTC, sau vụ tấn công này, công ty thiệt hại khoảng 20-30 tỷ đồng. Ước tính tổng chi phí đầu tư cho "chiến dịch" tấn công vào hệ thống các website này lên tới 500.000 USD.

Đây là những cuộc tấn công mạng đình đám ở Việt Nam trong những năm vừa qua.

“Cửa hậu” tấn công tình báo mạng từ các hãng TQ

Cuốn sách “Không gian mạng: Tương lai và hành động”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang (hồi đó là Bộ trưởng Bộ Công an) đã phân tích, các vấn đề trọng yếu trên không gian mạng, cũng như tác động của chúng đối với an ninh quốc gia. Giải pháp để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên không gian mạng ở Việt Nam là một trong những vấn đề mà Chủ tịch nước nhấn mạnh trong cuốn sách của ông.

Có thể nói đây là cuốn sách đầu tiên và rất hệ thống về An ninh Mạng ở Việt Nam. Bằng nghiệp vụ chuyên sâu và tầm nhìn xa, ông đã tiên liệu về tương lai Internet và an ninh mạng, đồng thời cũng vạch ra những bước chỉ đạo trong việc xây dựng và bảo vệ an ninh mạng ở Việt Nam.

Ông viết, từ góc độ an ninh quốc gia của Việt Nam, không gian mạng đã tạo nên những thay đổi căn bản trong hoạt động tình báo, gián điệp của cơ quan đặc biệt nước ngoài, hình thành nên phương thức gián điệp mới- gián điệp mạng.

Cuốn sách đã chỉ ra các cơ quan chức năng Việt Nam đã phát hiện nhiều trường hợp, thậm chí cả người trong lực lượng vũ trang bị cơ quan đặc biệt nước ngoài tuyển lựa qua không gian mạng. Cụ thể, ở nước ta đã xuất hiện các hoạt động móc nối, chỉ đạo qua không gian mạng để thực hiện các nhiệm vụ phá hoại, gần đây là hoạt động của đối tượng Pháp luân công ý đồ kéo đổ tượng đài Lênin tại Hà Nội, đối tượng Đinh Nguyên Kha nhận chỉ đạo của tổ chức phản động lưu vong “Việt Nam quốc dân Đảng” ý đồ đặt chất nổ tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có một thực trạng là Việt Nam đang phụ thuộc vào hạ tầng và dịch vụ mạng do nước ngoài cung cấp và luôn thường trực nguy cơ bị nước ngoài kiểm soát, giám sát. Phần lớn hạ tầng công nghệ phần cứng của Việt Nam từ các hạ tầng lõi cho đến các thiết bị cá nhân đều được nhập từ nước ngoài, nhiều nhất là của Trung Quốc và Mỹ.

Cuốn sách được viết bởi Đại tướng Trần Đại Quang cũng đã chỉ ra việc nhiều thiết bị từ các hãng sản xuất của Trung Quốc như Huawei và ZTE đã bị các hãng bảo mật và cơ quan chức năng các nước, trong đó có Việt Nam chứng minh và cảnh báo về các mã độc, “cửa hậu” cho phép truy cập, kiểm soát từ xa được cài sẵn trước khi xuất xưởng.

Trong khi các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet Việt Nam không chỉ sự dụng hạ tầng lõi mà còn cung cấp các thiết bị đến người tiêu dùng được sản xuất bởi các hãng của Trung Quốc, cùng với đó là các hệ thống điều khiển tự động trong rất nhiều ngành như năng lượng (điều hành hệ thống điện, nhà máy thủy điện…), luyện kim và hóa chất cũng xuất xứ từ Trung Quốc theo các hợp đồng tổng thầu EPC.

Một số chương trình gián điệp mạng quy mô toàn cầu của Mỹ bị tiết lộ gần đây cho thấy, Trung Quốc đã khai thác lợi thế cung cấp phần cứng cho mục tiêu bởi các hãng sản xuất nước này để triển khai hoạt động giám sát, do thám.

Trong khi không chỉ các hệ điều hành mà phần lớn các ứng dụng, dịch vụ mạng được sử dụng phổ biến ở Việt Nam như thư điện tử, mạng xã hội, OTT… đều do nước ngoài cung cấp và đặt máy chủ ở nước ngoài, nhiều nhất là từ Mỹ và gần đây một số từ Trung Quốc.

Không gian sức mạnh mới

Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân là giải pháp để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên không gian mạng Việt Nam hiện nay. Ông Quang cho rằng với tính mở, tính đa chiều của không gian mạng, lợi ích và nguy cơ đan xen thì các biện pháp cấm đoán cực đoan bằng hành chính và kỹ thuật chỉ mang lại hiệu quả hạn chế. Vì vậy, quản lí nhà nước phải theo kịp sự phát triển, có sự kết hợp đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, hành chính, kỹ thuật và tuyên truyền giáo dục.

Đại tướng nhấn mạnh không gian mạng phải thực sự trở thành một miền mới, là không gian sinh tồn mở rộng và là không gian kiến tạo sức mạnh mới của quốc gia, dân tộc. Khi đó, các giá trị của không gian mạng hòa quyện vào các giá trị của đời sống xã hội thì ta sẽ biết cách kết hợp một cách thông minh các nguồn sức mạnh gồm sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Nhiều người còn gọi đó là quyền lực thông minh.

Làm chủ và bảo vệ không gian mạng bắt đầu từ luật pháp và các chuẩn mực quốc tế. Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật trên không gian mạng. Trong đó, xây dựng con người trong thời đại kết nối là hết sức quan trọng.

Rõ ràng “đây là một cuộc cách mạng mà ở đó thời cơ và thách thức gay gắt đan xen lẫn nhau. Vận hội lớn lao một lần nữa đặt lên vai Đảng cộng sản Việt Nam, người đại diện ưu tú và trung thành với lợi ích dân tộc Việt Nam, được lịch sử lựa chọn để gánh vác những trọng trách lớn lao của dân tộc. Đảng ta với bề dày kinh nghiệm và bản lĩnh, với phẩm chất khoa học và cách mạng của mình, nhất định sẽ một lần nữa thực hiện cuộc cách mạng vẻ vang. Đó là niềm tin tất thắng luôn ngập tràn trong tôi và tôi cũng muốn kết nối niềm tin ấy với bạn đọc qua cuốn sách này”, như lời kết của Đại tướng Trần Đại Quang trong cuốn sách.

Lan Anh