Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền Thông Lê Nam Thắng nhấn mạnh rằng, khi xây dựng đề án Tái cơ cấu VNPT thì một trong những định hướng xuyên suốt, cơ bản nhất là VNPT sẽ thành lập một đơn vị thay mặt Tập đoàn để hoạt động sản xuất kinh doanh, là đầu mối cơ bản để giao dịch với khách hàng, phát triển thuê bao, kinh doanh cả trong lẫn ngoài nước...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015 của VinaPhone sáng 12/1, Thứ trưởng cho biết hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thành lập 3 Tổng công ty này VNPT - VinaPhone, VNTP - Net và VNPT - Media theo như Đề xuất của Bộ TT&TT và Tập đoàn. Việc quan trọng lúc này là VNPT và VinaPhone cần lưu ý định hướng, nguyên tắc cơ bản nói trên để bảo đảm rằng, hoạt động của Tổng công ty VNPT - VinaPhone mới với Tập đoàn mẹ, với các viễn thông tỉnh và hai Tổng công ty còn lại (VNPT - Net, VNPT - Media) sẽ rõ ràng, rành mạch, tách bạch. Chỉ có như vậy thì mục tiêu thành lập các Tổng công ty dọc hoạt động chuyên biệt, chuyên nghiệp hóa và hiệu quả cao mới có thể đạt được.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Lan Phương

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường đang biến động mạnh cả về dịch vụ lẫn công nghệ thì cùng với việc tổ chức lại bộ máy, VinaPhone vẫn cần giữ được đà tăng trưởng, bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển, không bị ảnh hưởng bởi tái cơ cấu, Thứ trưởng chỉ đạo. Tăng trưởng 2014 so với 2013 là khá tích cực, khi tổng doanh thu đạt xấp xỉ 25,6 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 5,2% so với năm 2013. Tổng số thuê bao trả sau của mạng này hiện đạt hơn 1,7 triệu, tăng 2% so với cùng kỳ trong khi thuê bao trả trước đạt hơn 14,67 triệu, tăng 7,8%. Đặc biệt, chênh lệch thu chi được cải thiện và tăng trưởng tới 23% so với năm ngoái. " Tăng trưởng chênh lệch thu chi cao cho thấy VinaPhone đã rất cố gắng, hoạt động đã có hiệu quả hơn", Thứ trưởng chỉ ra.

Mặc dù vậy, Thứ trưởng cho rằng, VinaPhone vẫn cần phải nhìn nhận thực tế rằng, nếu như trước năm 2005, mạng này từng dẫn đầu thị trường thì sau 10 năm đã tụt xuống vị trí thứ ba. Do đó, VinaPhone cần tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung của thị trường (mà cụ thể là hai đối thủ chính Viettel và MobiFone) thì mới đảm bảo được vị trí của mình.

Một trong những hướng để nhà mạng phát triển bền vững chính là đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh. Chẳng hạn như sự xuất hiện của dịch vụ OTT hoặc các chính sách quản lý OTT, siết thuê bao trả trước, tin nhắn rác đã khiến cho doanh thu của nhà mạng bị tụt giảm trong thời gian qua. Thứ trưởng Thắng khẳng định, việc nhà mạng tăng cường vai trò trách nhiệm, kiểm soát các nhà cung cấp nội dung (CP), đầu số và tin nhắn rác là tất yếu. "Khi không phát triển bền vững thì chỉ cần cơ quan quản lý siết lại là doanh thu sụt ngay. Chính vì thế, các nhà mạng cần xây dựng kế hoạch 2015 sát với thực tế và quy định của pháp luật, chẳng hạn như trước Tết, Bộ sẽ ban hành thông tư kết nối giữa nhà mạng với các CP, đẩy mạnh khâu quản lý CP từ cấp Telco để chặn tin nhắn rác.

Trong khi đó, Tổng giám đốc VNPT Trần Mạnh Hùng lại cho rằng, nguyên nhân cội rễ, bản chất của vấn đề nằm ở chính con người, ở động lực của người lao động. Nguyên nhân sâu xa khiến cho nhiều bất cập tồn tại trong mô hình tổ chức, hoạt động kinh doanh chính là vì người lao động chưa được trả lương tương xứng với trách nhiệm. "Có người ngồi chơi, có người phải làm tối ngày trong khi lương thì cào bằng. Chừng nào chưa giải quyết được động lực cho người lao động thì chưa giải quyết được bản chất vấn đề", ông Hùng phân tích.

Xác định cơ chế trả lương bất cập chính là rào cản chính, ông Hùng cho rằng nếu xây dựng được mô hình thu nhập mới sát với thực tế, làm tốt chương trình động lực thì những rào cản khác sẽ "tự nhiên mất đi", các bộ phận sẽ "tự giác hợp tác với nhau mà không cần phải sử dụng mệnh lệnh hành chính".

Tất nhiên, sau khi tái cơ cấu và thành lập tổng công ty sẽ đòi hỏi ở ban lãnh đạo VinaPhone một tư duy, cách nhìn nhận hoàn toàn khác, bởi quản lý 1,7 vạn con người sẽ khác với chỉ vài ngàn người như hiện nay. Dù vậy, sự thay đổi phải được diễn ra thường xuyên chứ không phải khi nào tái cơ cấu mới nói chuyện thay đổi, ông Hùng nhấn mạnh. "Tiềm năng con người của VinaPhone còn rất lớn nên nhiệm vụ của ban lãnh đạo là phải làm sao khơi dậy được tiềm năng đó. Giờ đây, chúng ta không chạy theo thành tích nữa mà xác định chênh lệch thu chi, hiệu quả kinh doanh là trọng tâm số một".

Theo báo cáo kết quả kinh doanh được VinaPhone công bố tại Hội nghị, nhà mạng này xây dựng chỉ tiêu tổng doanh thu năm 2015 đạt trên 27,1 nghìn tỷ đồng, doanh thu nạp tiền từ tài khoản chính đạt hơn 11,86 nghìn tỷ đồng, doanh thu cước trả sau 5445 tỷ đồng. Tổng số thuê bao phấn đấu đạt hơn 24 triệu thuê bao, trong đó 22,29 triệu là thuê bao trả trước và 1,85 triệu là thuê bao trả sau; tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ giá trị gia tăng so với năm 2014 đạt 10%.

Trọng Cầm