Chú trọng cải thiện chất lượng các quy định pháp luật

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp về cải thiện thứ hạng, điểm số chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật thuộc bộ chỉ số đổi mới sáng tạo (GII), UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện hàng loạt giải pháp, trong đó đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và phù hợp tình hình thực tiễn tại địa phương.

Trong năm 2023, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 52 văn bản QPPL, trong đó, có 14 nghị quyết và 38 quyết định. Các văn bản ban hành đều tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động tốt.

bai-9-vinh-phuc-1.jpg

Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật là chỉ số thành phần thuộc nhóm chỉ số về môi trường pháp lý của bộ Chỉ số GII. Để việc triển khai chỉ số cải thiện chất lượng quy định của pháp luật đạt hiệu quả, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và kế hoạch thực hiện nội dung này.

Trong đó, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung nâng cao chất lượng soạn thảo, ban hành văn bản QPPL. Triển khai tốt kế hoạch kiểm tra, rà soát văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh và hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2019 - 2023.

Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiến nghị xử lý các văn bản trái pháp luật. Tích cực xem xét, đánh giá khách quan thực trạng thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành và lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý để kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh…

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo và kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện nhiệm vụ phù hợp với lĩnh vực, phạm vi quản lý của từng ngành, địa phương. Từ đó, từng bước đưa công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL đi vào nền nếp, góp phần tích cực cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp ở địa phương.

Qua rà soát, đến nay, toàn tỉnh có 548 văn bản còn hiệu lực thi hành, gồm 117 nghị quyết, 384 văn bản QPPL và 47 chỉ thị. Sở cũng đã kiến nghị danh mục các văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới thay thế hoặc bãi bỏ do nội dung không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh.

Việc thực hiện kiểm tra văn bản QPPL được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, đảm bảo 100% văn bản ban hành được tự kiểm tra theo quy định. Năm 2023, Sở Tư pháp đã thực hiện kiểm tra 38/38 văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành. Qua kiểm tra, các văn bản do UBND tỉnh ban hành đều đảm bảo về thẩm quyền, nội dung, căn cứ pháp lý, thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản và đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống văn bản.

Tích cực hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp mới

Theo Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến ngày 15/7, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 867 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 7.023 tỷ đồng, dự kiến giải quyết việc làm cho 5.755 lao động, tăng 11,3% về số doanh nghiệp, tăng 27,24% số lao động nhưng giảm 10,62% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Một số ngành có số lượng doanh nghiệp tăng cao so với cùng kỳ như: Ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 200%; ngành giáo dục tăng 129,41%; ngành thông tin và truyền thông tăng 42,86%; ngành vận tải kho bãi tăng 30,56%...

Số doanh nghiệp mới thành lập tại Vĩnh Phúc chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung chủ yếu ở ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác với 287 doanh nghiệp, chiếm 33,1%, tăng 12,11%. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo với 160 doanh nghiệp, chiếm 18,45%, tăng 5,26%; ngành xây dựng với 146 doanh nghiệp, chiếm 16,84%, tăng 21,67% so với cùng kỳ năm trước,...

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 247 doanh nghiệp, giảm 15,12% so với cùng kỳ, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên 1.114 doanh nghiệp (trung bình mỗi tháng có 159 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động).

Với số lượng đông đảo như vậy, những doanh nghiệp non trẻ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc rất cần nhận được sự hỗ trợ, đặc biệt là về pháp lý từ các cơ quan chức năng để vững vàng hơn vươn lên trong sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm và đóng góp vào nguồn ngân sách tỉnh. 

Nhận thức được tầm quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp trẻ lớn mạnh, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện một loạt các giải pháp hướng đến doanh nghiệp. Ngoài những kết quả đạt được trong công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của chính quyền địa phương, những hoạt động cản thiện chất lượng các quy định pháp luật còn góp phần cải thiện chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh và ra hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng để các doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện.

Thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, hoàn thiện văn bản QPPL; phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong việc nghiên cứu, soạn thảo, trình văn bản. Đồng thời chú trọng đầu tư nguồn lực cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Hoàng Hiệp và nhóm PV, BTV