Đại diện tỉnh Vĩnh Phúc tại Hội nghị “Kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện tử” do UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức chiều ngày 6/7 cho hay, Vĩnh Phúc có đặc thù là địa phương có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) lớn hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện tử đã hình thành chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng và tham gia của các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, cần có sự kết nối và nâng cao năng lực.

{keywords}
Cần một hệ sinh thái đủ mạnh để thúc đẩy CNHT tại Vĩnh Phúc.

Ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Vĩnh Phúc được biết đến là một trong những trung tâm công nghiệp lớn về cơ khí ô tô, xe máy và điện tử ở phía bắc. Hiện nay, tỉnh có trên 11.000 DN đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký trên 128.000 tỷ đồng.

Trong đó, có khoảng 8.000 DN thực tế hoạt động (tương đương 70% DN đăng ký). Tuy vậy, tỉ lệ DN Vĩnh Phúc tham gia vào chuỗi cung ứng trực tiếp cho các DN FDI đầu chuỗi giá trị còn rất ít, các DN tham gia sản xuất ở các lớp dưới trong chuỗi cũng chỉ mới hình thành. Mặc dù tỉnh đã có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa giữa năng lực của DN trong nước và nhu cầu của DN FDI trên địa bàn tỉnh.

“Vì vậy, việc nâng cao khả năng đổi mới sáng tạo của các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để các DN của tỉnh có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng cho các DN FDI, hướng tới chuỗi cung ứng toàn cầu là việc làm hết sức cần thiết, bảo đảm cho công nghiệp của tỉnh phát triển bền vững”, ông Nguyễn Văn Độ nói.

Đánh giá về thực trạng liên kết giữa các DN nội địa và DN FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, ông Đường Trọng Khang, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc nhận định, cũng như nhiều địa phương, tiềm năng liên kết của các DN tỉnh Vĩnh Phúc còn rất rộng mở, có nhiều dư địa để triển khai. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất ít các nhà cung cấp lớp 1, chủ yếu là nhà cung cấp lớp 2, 3, trong đó cũng chủ yếu là các nhà cung cấp FDI, vẫn rất thiếu bóng dáng DN nội địa.

Để thực hiện liên kết đòi hỏi nhiều yếu tố, như sự thiện chí, nhiệt tình của các DN FDI, sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm của các DN nội địa và rất quan trọng là sự vào cuộc của chính quyền các cấp, của các cơ quan Nhà nước.

Một số khó khăn và hạn chế của nhiều DN nội địa là các bên chưa chủ động tham gia liên kết, hoặc không đủ tự tin đáp ứng yêu cầu chất lượng, tiêu chuẩn, quy trình sản xuất. Điều này xuất phát từ nhiều lý do, như năng lực liên kết hạn chế, giá thành sản phẩm quá cao so với sản phẩm cùng loại do DN FDI sản suất, gặp khó khi áp lực về quy mô, thời gian giao hàng cao, thiếu thông tin về nhu cầu đối tác…

Do đó, ông Đường Trọng Khang kỳ vọng, với sự hỗ trợ bài bản từ các đơn vị của Hàn Quốc, các DN nội địa sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận chuỗi cung ứng của các DN Hàn Quốc nói riêng cũng như DN FDI nói chung. Đồng thời, khi các thông tin được trao đổi thường xuyên, các cấp, các ngành xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế của tỉnh, các DN FDI, DN nội địa sẽ hiểu nhau hơn để xây dựng mối liên kết, hợp tác cùng nhau phát triển.

Minh Đức