Người Việt dần quen với việc không xài tiền mặt
Thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế đang ngày một trở nên phổ biến tại Việt Nam. Nếu như trước kia, phần lớn các giao dịch chuyển khoản trong tiêu dùng chủ yếu là các hoạt động thanh toán thẻ thì giờ đây, chúng đã phải nhường bước cho Mobile Banking, Internet Banking, ví điện tử và các hình thức thanh toán mới qua di động.
Việt Nam được xếp hạng khá cao về tỷ lệ người dân sử dụng smartphone với khoảng 72% dân số. Không chỉ vậy, khoảng 64% người dân hiện đang sử dụng dịch vụ Mobile Internet. Với những con số thống kê này, không khó hiểu khi các dịch vụ tài chính qua nền tảng di động đang phát triển như diều gặp gió tại Việt Nam.
Các dịch vụ tài chính công nghệ (fintech) và thanh toán qua di động đang ngày một phát triển tại Việt Nam. |
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, giá trị giao dịch tài chính qua điện thoại di động tại Việt Nam đang không ngừng gia tăng cả về lượng và chất. Ở thời điểm hiện tại, tính đến tháng 5/2019, các giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đã tăng tới 97,7% về số lượng và 232,3 % về giá trị so với cùng kỳ của năm 2018.
Công ty tư vấn tài chính Mỹ Javelin và công ty kiểm toán EY dự đoán, tổng giá trị thanh toán qua ứng dụng di động trên toàn cầu sẽ đạt mức 319 tỷ USD vào năm 2020. Để không bị bỏ lại trong cuộc đua này, ngân hàng và các công ty fintech đang đầu tư rất mạnh về quảng cáo và các công nghệ thanh toán di động nhằm làm thay đổi thói quen chi tiêu của người dùng.
Một tài xế Grab xếp hàng thanh toán tiền đổ xăng bằng ứng dụng trên di động. |
So với những năm trước, điểm khác biệt của năm nay là việc các ứng dụng ngân hàng giờ đây sở hữu nhiều chức năng hơn. Cùng với xu thế Super app (siêu ứng dụng) của thế giới, các ngân hàng và ví điện tử đang phát triển theo hướng tích hợp nhiều dịch vụ khác nhau vào trong cùng một nền tảng ứng dụng thanh toán.
Nhờ vậy, người dùng có thể vào ứng dụng thanh toán để đặt vé máy bay, check in phòng khách sạn, vé tàu, vé xe khách hay vé xem phim. Điều này đã làm thay đổi hoàn toàn thói quen tiêu dùng, khi mà các ứng dụng fintech giờ đã thoát khỏi cái bóng của một ứng dụng chuyên về chuyển khoản.
Trong tương lai gần, xu thế thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, đặc biệt là sau thời điểm dịch vụ chuyển tiền và thanh toán qua tài khoản di động được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt.
Quảng cáo ví điện tử, xin đừng tự đuổi khách hàng
Năng nổ nhất trong việc triển khai dịch vụ fintech phải kể đến các công ty ví điện tử. Đây cũng là những doanh nghiệp kiên trì nhất trong việc “educate” để người Việt quen dần với việc không xài tiền mặt.
Xuất hiện ở Việt Nam khoảng 10 năm nay, thế nhưng phải đến thời gian gần đây, các ví điện tử mới thật sự thu hút được sự quan tâm chú ý từ phía người sử dụng. Dạo quanh các cửa hàng bán lẻ, chuỗi cửa hàng tiện lợi hay dịch vụ ăn uống,... không khó để bắt gặp các tấm biển quảng cáo gắn thông tin của một nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử.
Ngày càng có nhiều địa chỉ mua sắm tại Việt Nam chấp nhận hình thức thanh toán thông quá ví điện tử và các dịch vụ fintech. |
Để thu hút người dùng, chiến thuật chung mà các công ty này sử dụng là chiết khấu trực tiếp vào giá sản phẩm khi thanh toán. Với mức chiết khấu từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng tuỳ theo giá trị món hàng, chiến thuật này mang lại lợi ích thiết thực cho người dùng. Và vì thế, các ví điện tử đang từng bước “educate” ("dạy" khách hàng học cách dùng sản phẩm) được nhiều người dùng hơn vào thói quen không xài tiền mặt.
Tuy vậy, có một thực tế là việc “educate” khách hàng thông qua các chương trình khuyến mãi đôi lúc cũng gây ra hậu quả trái ngược, ngoài dự đoán của các nhà cung cấp dịch vụ.
Ví dụ nhãn tiền nhất là trường hợp của MoMo trong đợt giảm giá ngày 1/11. Với chiến dịch hoàn tiền lên đến 50% chỉ trong 1 ngày, MoMo thu hút được sự tham gia đông đảo của người dùng cả cũ lẫn mới. Tuy nhiên, do một số bảng hiệu quảng cáo chỉ nói về tỷ lệ hoàn tiền mà không nói tới “hạn mức tối đa”, không phải ai cũng có trải nghiệm thực sự dễ chịu khi sử dụng dịch vụ này.
Cảnh xếp hàng trong chiến dịch hoàn tiền 50% của MoMo ngày 1/11/2019. |
Trong đợt giảm giá của MoMo, nhiều biển quảng cáo của MoMo chỉ ghi thông tin về tỷ lệ giảm giá nhưng lại không nhắc tới hạn mức tối đa hay mức giảm giá tối đa. |
Việc không nắm được thông tin về mức giảm giá tối đa đã gây ra sự nhầm lẫn cho không ít người sử dụng. Không ít người đã bỏ lại hàng hóa sau khi phát hiện ra mức giảm giá tối đa chỉ là 100.000 đồng. |
“Hạn mức tối đa” được giảm giá khi sử dụng các dịch vụ fintech không phải là một điều gì đó quá mới mẻ. Đây là cách mà các doanh nghiệp vừa có thể đưa ra tỷ lệ % khuyến mãi cao để thu hút người dùng, lại vừa có thể khống chế được thiệt hại về chi phí khuyến mại ở mức mà họ có thể chịu được và... không lỗ.
Với các khách hàng mới (những người chiếm tỷ lệ khá cao), rõ ràng không phải ai cũng biết tới điều này. Thực tế là nhiều người đã đổ xô đi mua hàng vì nghĩ rằng sẽ được giảm giá 50% như trên biển quảng cáo. Với sự bực tức khi đụng phải “hạn mức tối đa”, điều họ chỉ biết lúc thanh toán và trong phần “hoa thị”, thật khó để những người dùng đó giữ thiện cảm và tiếp tục sử dụng dịch vụ này.
Nói vậy để thấy rằng, việc "educate" thói quen không xài tiền mặt của người dùng là một “trận chiến” lâu dài. “Trận chiến” này đang diễn ra theo chiều hướng có lợi cho các công ty fintech. Tuy vậy, để kéo được khách hàng dùng thử là một chuyện, nếu muốn giữ chân họ ở lại lâu dài với dịch vụ của mình, các nhà cung cấp cần phải có một cách làm tường minh hơn.
Trước hết, đó là việc công khai hạn mức tối đa ngay trên chính tấm biển quảng cáo về các chương trình khuyến mại. Dòng chữ về hạn mức tối đa cũng cần phải đủ lớn để người dùng chắc chắn nắm được thông tin. Điều này chưa chắc đã khiến sức hút của chương trình khuyến mãi kém đi, nhưng nó sẽ đảm bảo rằng, người dùng không có cảm giác bị đánh lừa.
Một khi tự trải nghiệm và thấy được lợi ích của việc thanh toán phi tiền mặt, người dùng sẽ dần thay đổi hành vi mua hàng. Việc này có thể tốn nhiều thời gian, nhưng ít ra, nó sẽ không khiến một bộ phận người dùng cảm thấy hoài nghi với việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Trọng Đạt
Kinh tế số ASEAN đạt 100 tỷ USD, Việt Nam dẫn đầu khu vực
Theo các chuyên gia của Google, quy mô nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 12 tỷ USD trong năm 2019 và bứt phá lên 43 tỉ USD vào năm 2025.