Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT, nhiều ý kiến đã được các đại biểu đưa ra nhằm mục đích phát triển ngành viễn thông, dịch vụ nội dung số, cũng như các biện pháp quản lý báo chí trong thời đại mới.

Phát triển dịch vụ 5G đi kèm với tắt sóng 2G, 3G

Theo ông Lê Đăng Dũng - Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Viettel, doanh nghiệp này đề nghị Bộ TT&TT cần nhanh chóng tiến hành cấp phép thử nghiệm mạng 5G, tiến đến triển khai mạng 5G.

Đó cũng là ý kiến đề xuất của ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM. Đây được dự kiến là địa phương đầu tiên trên cả nước tiến hành thử nghiệm 5G ngay đầu năm 2019. Tuy nhiên, bên cạnh việc đẩy nhanh tốc độ cấp phép 5G, ông Dương Anh Đức cũng đề xuất với Bộ TT&TT về việc sớm nghiên cứu lộ trình tắt sóng 2G.

{keywords}
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai thử nghiệm 5G trong những tháng đầu của năm 2019.

Trả lời các đề xuất của đại diện nhà mạng Viettel và Sở TT&TT TP.HCM, ông Lê Văn Tuấn - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tần số Vô tuyến điện (TSVTĐ - Bộ TT&TT) cho biết, trong năm 2018, Cục đã xác định được những băng tần có thể tiến hành thử nghiệm 5G. Đó là các băng tần 40 MHz, 3.7-3.8GHz và 2.6-2.9GHz.

Theo ông Lê Văn Tuấn, hiện dịch vụ 2G và 3G đều đang suy giảm tại Việt Nam. Tốc độ suy giảm 3G thậm chí còn nhanh hơn 2G. Nhiều nhà mạng châu Âu đã dùng 4G để thay thế 3G, Cục sẽ nghiên cứu lộ trình trong năm nay để xem đâu là thời điểm tích hợp nhằm tắt sóng 2G và 3G.

Với 4G, Cục TSVTĐ sẽ hỗ trợ việc nâng cao chất lượng mạng bằng việc cấp phép băng tần 4G. Tuy nhiên, ông Lê Văn Tuấn cũng đề nghị các doanh nghiệp phải tăng cường đầu tư vào mạng lưới, cả về lượng lẫn về chất.

Dùng tài khoản di động để rút tiền, thanh toán hàng hóa giá trị nhỏ

Trước kiến nghị của TP.HCM về việc dùng chung hạ tầng viễn thông và các ngành khác, ông Nguyễn Đức Trung - Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đề nghị các sở xem xét lại việc quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động ở từng địa phương. “Phần nào dùng chung được có thể điều chỉnh quy hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt”, ông Trung nói.

Cục Viễn thông đã nhận được ý kiến của nhiều doanh nghiệp trong việc quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động, trong đó có việc ngầm hóa và phát triển các trạm BTS không cồng kềnh. Cục sẽ đề nghị lãnh đạo Bộ để thống nhất cách hiểu, cách triển khai quy hoạch giữa các Sở, từ đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và góp phần đảm bảo mỹ quan đô thị.

{keywords}
Nhiều giám đốc Sở TT&TT đề xuất cần quy hoạch lại các trạm BTS để góp phần tăng chất lượng phát sóng và mỹ quan đô thị. 

Về hạ tầng thanh toán số, Cục Viễn thông sẽ đóng vai trò thúc đẩy cùng lúc nhiều dịch vụ mới trong thời gian tới. Một trong những công việc phải làm là giúp người dân sử dụng tài khoản di động để rút tiền ra/vào (mobile money), thanh toán dịch vụ nội dung số, mua bán hàng hóa có giá trị nhỏ, dùng chung thẻ nạp giữa dịch vụ viễn thông và dịch vụ nội dung số.

Bên cạnh đó, Cục sẽ làm việc với Ngân hàng nhà nước về việc tìm giải pháp để một số nhà mạng viễn thông có thể mở dịch vụ chuyển mạnh bù trừ. Tại Việt Nam, dịch vụ này hiện chỉ có một nhà cung cấp duy nhất.

Chủ động thông tin mới có thể định hướng được dư luận

Tại hội nghị, ông  Lê Văn Kiên - PGĐ Sở TT&TT TP Hải Phòng cho hay, việc quản lý đối với báo chí cần kết hợp với quản lý hoạt động của tất cả các loại hình truyền thông khác trên Internet.

“Một bộ phận nhỏ báo chí điện tử đã dựa vào mạng xã hội để làm báo và phát triển đề tài. Nếu chỉ quản lý báo chí điện tử, chúng ta sẽ không thể kiểm soát và làm chủ được thông tin”, ông Kiên nói.

Sở TT&TT Hải Phòng kiến nghị Bộ TT&TT sớm có giải pháp tăng cường quản lý, phân cấp cho địa phương, triển khai công  tác kiểm tra, giám sát thực hiện tôn chỉ mục đích, giấy phép hoạt động của các cơ quan báo chí, xu hướng “báo hoá” của các tạp chí điện tử, chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan đại diện, phóng viên thường trú.

{keywords}
Trung tâm lưu chiểu dữ liệu truyền thông số quốc gia khi đi vào hoạt động sẽ giúp giải quyết vấn đề quản lý báo chí bằng công nghệ.

Về việc quản lý thông tin, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) Lưu Đình Phúc cho hay, đơn vị đã triển khai trung tâm lưu chiểu dữ liệu truyền thông số quốc gia, có thể quét hết các thông tin trên báo điện tử. Theo ông Lưu Đình Phúc, khi triển khai và hoàn thành trung tâm lưu chiểu dữ liệu, Cục sẽ cấp tài khoản (account) cho các Sở để cùng khai thác.

Vị Cục trưởng Cục Báo chí cũng cho biết, phần mềm quản lý báo chí, thẻ nhà báo đang hoàn thiện, sau Tết sẽ bàn giao tài khoản cho các Sở để quản lý phóng viên hoạt động ở địa phương. Cục cũng sẽ tổ chức mở nhiều lớp về chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nhà báo để báo chí thực hiện đúng đạo đức nghề nghiệp của mình, làm tốt nhiệm vụ chính trị.

Phải tạo không gian tăng trưởng mới cho các doanh nghiệp viễn thông

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ TT&TT muốn lắng nghe ý kiến đóng góp từ chính các Sở và các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành. Bộ muốn các đối tượng liên quan đều có thể đóng góp giúp cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng các Nghị định, Thông tư.

Nhắc tới lĩnh vực Bưu chính, Bộ trưởng đề nghị Vụ Bưu chính cần có kế hoạch giúp đỡ Tổng công ty Bưu điện Việt Nam trong việc xin giấy phép hoạt động thanh toán điện tử.

Đối với việc quy hoạch hạ tầng thụ động, Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho Cục Viễn thông tiến hành xây dựng các tiêu chuẩn, quy định đối với việc xây dựng các trạm BTS theo từng nhóm tỉnh có điều kiện giống nhau.

Bộ trưởng cũng lưu ý Cục Viễn thông về việc phát triển các dịch vụ mới dựa trên nền tài khoản di động. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chính phủ đang coi các đề xuất về quản lý tài khoản di động của ngành viễn thông là một đột phá của năm 2019 về việc thanh toán không dùng tiền mặt.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khuyến khích việc mở ra không gian mới để các nhà mạng viễn thông thoát khỏi cảnh bão hòa, có dư địa phát triển và vươn ra thị trường quốc tế. Ảnh: Trọng Đạt

Đây là cơ hội để mở ra không gian phát triển mới cho các công ty dịch viễn thông. Với tình trạng bão hòa như hiện tại, nếu không mở không gian mới cho các nhà mạng thì gần như không còn cơ hội tăng trưởng.

“Nếu được mở không gian mới, các doanh nghiệp viễn thông sẽ tiếp tục có cơ hội tăng trưởng nguồn lực, trở thành những doanh nghiệp lớn, có sức cạnh tranh trong nước và quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Về việc cấp phép tần số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Cục TSVTĐ phải xem xét việc cấp băng tần 700MHz trong năm nay. Ngoài ra, Cục TSVTĐ cần xem xét lộ trình tắt sóng di động 2G hay 3G và phải tuyên bố tắt sóng một cách có lộ trình để người dân chuẩn bị.

Về An ninh mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc nhở Cục ATTT cần phải đóng vai trò tích cực, chủ động hơn nữa trong việc xây dựng các nghị định thi hành Luật An ninh mạng, bởi đây là công việc quan trọng đối với đất nước và ngành TT&TT.

{keywords}
Tới thăm Bộ TT&TT trong buổi khai mạc Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt ấn tượng trước cách dùng công nghệ để giới thiệu một cách trực quan, sinh động về các thành tựu của ngành TT&TT. 

Về công nghiệp ICT, Bộ đã họp với VNPT, Viettel về việc thúc đẩy 2 doanh nghiệp này sử dụng sản phẩm, thiết bị của nhau với điều kiện chất lượng, giá cả tương đương với quốc tế.

Trong thời gian sắp tới, Bộ TT&TT sẽ ban bố tiêu chuẩn về việc thế nào là phần mềm đạt chuẩn an ninh mạng, thiết bị viễn thông, phần mềm CPĐT… Đây là hàng rào kỹ thuật mà các nước cũng đã xây dựng. Cũng trong năm nay, Bộ sẽ tiến hành vận động, thuyết phục một ngân hàng trở thành nơi hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghệ Việt.

Đối với báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, muốn quản lý được báo chí thì phải đo đếm được và phải có trung tâm giám sát. Trung tâm lưu chiểu dữ liệu của Bộ khi đi vào vận hành sẽ đo lường được các báo, tạp chí hoạt động hiệu quả không.

Khép lại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trong ngành cần chung sức, chung lòng. “Việc mình làm sẽ quyết định mình là ai. Nghĩ một cách khác đi thì sẽ làm tốt hơn, quan trọng là chúng ta phải dám nghĩ. Phải nghĩ tầm lớn hơn để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần làm cho Việt Nam phát triển hùng cường”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Trọng Đạt - Hương Quỳnh