Phóng viên: Thưa ông, Nghị quyết của Quốc hội đã quy định "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (SGK)", tuy nhiên trong phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội mới đây lại nêu ra ý kiến trước mắt chỉ thực hiện một bộ sách. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

PGS Bùi Mạnh Hùng: Trước hết, xin khẳng định chủ trương “có một số SGK cho mỗi môn học” (đôi khi được diễn giải thành “một chương trình, nhiều (bộ) SGK”) là một nội dung có tính đột phá của Nghị quyết số 88 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Chủ trương này có khả năng góp phần giúp giáo dục Việt Nam hội nhập với thế giới.

{keywords}
PGS Bùi Mạnh Hùng

Hiện nay, không có bất kì một quốc gia phát triển nào, từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Phần Lan,… đến Hoa Kỳ, chỉ dùng một bộ SGK duy nhất. Thậm chí một số nước như Vương quốc Anh, Australia,… quy định không dùng SGK để giáo viên được chủ động, sáng tạo thiết kế bài dạy đáp ứng nhu cầu và năng lực của người học.

Theo mô hình chương trình phát triển năng lực và có tính mở như chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành của Việt Nam thì việc sử dụng một số bộ SGK khác nhau là phù hợp.

Việc xã hội hóa biên soạn SGK cũng tạo điều kiện huy động các nguồn lực xã hội, tạo môi trường cạnh tranh để học sinh và giáo viên có thể có được những bộ SGK tốt nhất.

Nếu chỉ có một bộ SGK duy nhất thì có phần rủi ro vì như cách nói của dân gian “bỏ hết tất cả trứng vào một giỏ”. Nếu chỉ dùng một bộ SGK thì mọi thử nghiệm sư phạm để cải tiến, nâng cao chất lượng SGK gặp nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi.

Do chủ trương một số SGK cho một môn học có nhiều ưu điểm nổi bật nên nó được đón nhận rất tích cực trong thời gian qua và mang lại nhiều kì vọng về đổi mới giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, việc Thường vụ Quốc hội nêu trước mắt chỉ thực hiện một bộ SGK, tôi nghĩ, chắc hẳn có một lí do chính đáng nào đó. Có thể xuất phát từ một số quan ngại mà Bộ GD-ĐT cần phải làm rõ và tháo gỡ để chủ trương vốn được quy định rõ trong Nghị quyết 88 của Quốc hội được triển khai một cách thông suốt. Chủ tịch Quốc hội nói chủ trương “một chương trình, nhiều SGK” cần có lộ trình thực hiện, khi nào đất nước bảo đảm các điều kiện kinh tế xã hội thì sẽ áp dụng. Đó là ý kiến ở tầm vĩ mô, không đề cập đến những nội dung cụ thể.

Theo tôi, như đã nêu trên, chủ trương “một chương trình, nhiều SGK” là xu thế chung của các nước phát triển. Nhưng để triển khai chủ trương này thì cần có những điều kiện nhất định.

Chẳng hạn, phải có đủ tác giả có năng lực biên soạn một số SGK có chất lượng tốt (trong điều kiện hiện tại của VN, biên soạn đến 5 – 6 bộ SGK thì không còn đủ nhân lực để bảo đảm chất lượng cho sách); quan niệm về SGK và tài liệu dạy học phải mềm dẻo để tránh tuyệt đối hóa vai trò của SGK; trình độ quản lí của các cơ sở giáo dục và năng lực của giáo viên phải được nâng cao hơn nữa; và tư duy của xã hội về giáo dục cũng cần phải thay đổi, phù hợp với xu thế hiện đại;…

Ngoài ra, theo tôi, một điều kiện quan trọng khác là phải tạo được một môi trường cạnh tranh bình đẳng và minh bạch. Nếu không thì một chủ trương tốt có thể dẫn đến những tác động tiêu cực trong khi giáo dục là một lĩnh vực hệ trọng và đòi hỏi mọi thứ phải minh bạch và thực sự tử tế. Nhìn từ chiều ngược lại thì chính chủ trương một chương trình, một số SGK lại tạo cơ hội cho các điều kiện nói trên được chín muồi.

Trong thời gian qua, Bộ GD và ĐT đã triển khai rất tích cực và hiệu quả việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, để Quốc hội và công luận ủng hộ chủ trương “một số SGK cho một môn học”, Bộ cần có những bước đi và chủ trương rõ ràng và thuyết phục hơn.

Tôi rất quan tâm đến ý “trước mắt” và “lộ trình” trong phát biểu của Thường vụ Quốc hội.

Như vậy, Thường vụ Quốc hội nêu chủ trương áp dụng một chương trình, một SGK chỉ trong thời gian không dài.

Theo tôi, nếu chủ trương này được chính thức hóa bằng văn bản luật thì nên có một hình thức nào đó phù hợp quy định rõ hơn khi nào chủ trương một chương trình, một số SGK cho mỗi môn học sẽ được áp dụng.

Nếu vì một lí do thực sự chính đáng nào đó, Việt Nam có thể tạm thời chưa áp dụng chủ trương một số SGK cho mỗi môn học, nhưng nếu kéo dài trong thời gian không xác định thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy học và khả năng hội nhập thế giới của giáo dục Việt Nam, vênh lệch với định hướng phát triển giáo dục được thiết kế trong chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành.

Phóng viên: Việc hoãn thời gian thực hiện chủ trương 1 chương trình nhiều bộ sách giáo khoa ảnh hưởng đến các cơ sở giáo dục và các nhà xuất bản ra sao?

PGS Bùi Mạnh Hùng: Việc hoãn chủ trương này có thể làm cho một số người cảm thấy “nhàn hơn”, việc triển khai chương trình và SGK bước đầu thuận lợi hơn vì có phần giống với cách làm quen thuộc lâu nay. Nhưng chắc chắn sẽ gây hụt hẫng cho nhiều cán bộ quản lí giáo dục và giáo viên đang kì vọng vào đổi mới.

Còn đối với các nhà xuất bản và tổ chức đã triển khai việc biên soạn SGK trong thời gian qua thì chắc chắc là việc hoãn thời gian thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều SGK sẽ có ảnh hưởng rất lớn.

Để bảo đảm lộ trình đưa SGK lớp 1 vào năm 2020 được Quốc hội phê duyệt, kế hoạch trước đó là năm 2019, thì tất cả các tổ chức đầu tư làm SGK đều phải chuẩn bị từ rất sớm và tích cực.

SGK đòi hỏi chất lượng rất nghiêm ngặt nên khó có thể biên soạn nhanh được.

Vì vậy, ngay từ sau ngày 19/1/2018, khi dự thảo chương trình các môn học được công bố thì các nhóm tác giả biên soạn SGK đã có thể tổ chức hội thảo, trao đổi, xây dựng đề cương chi tiết và phác thảo các bài soạn thử. 

Đội ngũ tác giả của mỗi nhóm lên đến hàng trăm người, trong đó có rất nhiều GS, PGS, TS, chuyên gia đầu ngành. Nhiều khoản tiền rất lớn đã được đầu tư. Đặc biệt là nhiều công sức và tâm huyết của hàng ngàn người đã bỏ ra trong hơn 1 năm qua, chưa kể những chuẩn bị trước đó.

Đánh giá thay đổi chủ trương về SGK, tôi nghĩ trước hết và quan trọng nhất là đánh giá hiệu quả tác động đến nhà trường, xã hội, chứ không phải là các nhà đầu tư và những người tham gia biên soạn SGK. Tuy vậy, cũng không nên bỏ qua những tổn thất nói trên, vì dù sao đó cũng là nguồn lực xã hội, từ nguồn lực tài chính đến nguồn lực con người, nói đến con người thì phải nói đến cả lòng tin và sự kì vọng.

Phóng viên: Ông có kiến nghị gì về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội để chủ trương 1 chương trình nhiều bộ sách giáo khoa được triển khai có hiệu quả?

Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, không nên có quá nhiều SGK vì quả là chúng ta chưa có đủ điều để làm nhiều bộ sách. Kinh nghiệm của nhiều nước, ngay cả các nước phát triển như Đức, Phần Lan,… thì qua cạnh tranh và chọn lọc, cuối cùng họ cũng chỉ có vài ba bộ SGK chính.

Cũng cần phải chờ xem ý kiến chỉ đạo của cấp trên như thế nào thì mới có cơ sở để bàn việc triển khai. Tuy nhiên, theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội thì dù thế nào đi nữa cũng sẽ có một bộ SGK do Bộ GD- ĐT tổ chức biên soạn.

Cho đến nay, bộ SGK đó vẫn chưa được triển khai. Theo tôi, trong thời điểm hiện tại thì chủ trương biên soạn một bộ SGK của Bộ GD & ĐT có thể là một khó khăn lớn đối với Bộ vì một số lí do sau đây:

Thứ nhất: Đến nay, chúng ta không còn có cơ hội để tổ chức biên soạn một bộ SGK của Bộ theo đúng nghĩa của nó. Đúng nghĩa có nghĩa là tác giả của bộ sách này phải là tác giả của Bộ, trong khi hiện nay, gần như tất cả các nhà giáo, nhà chuyên môn có khả năng biên soạn SGK mới đều đã thuộc về các nhóm biên soạn SGK cho các NXB và tổ chức đầu tư khác nhau. Công việc biên soạn, biên tập, thiết kế đã triển khai hơn một năm nay. Cho nên, việc thành lập một nhóm tác giả mới hoàn toàn, độc lập với lợi ích của các nhà đầu tư là điều không thể vì không có đủ tác giả có năng lực soạn một bộ SGK.

Thứ hai, nếu thành lập nhóm tác giả gọi là “của Bộ” từ tác giả của các nhóm khác nhau thì: 1) Khó có thể nói là những tác giả đó không còn là ràng buộc lợi ích với các tổ chức mà họ đã kí hợp đồng và đã được đầu tư; 2) Mỗi nhóm biên soạn SGK đều có một “triết lí” riêng, việc triển khai một bộ SGK đòi hỏi những kết nối dọc (giữa các cấp trong một môn) và ngang (giữa các môn trong một cấp, lớp); việc “lắp ghép” tác giả của các nhóm chắc hẳn sẽ làm ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng SGK. Đó có thể chỉ là tập hợp SGK các môn, các lớp, chứ không phải là một bộ sách thống nhất.

Thứ ba, có một phương án khác là lựa chọn một NXB có đội ngũ tác giả, biên tập viên, họa sĩ,… có năng lực và kinh nghiệm tốt nhất đảm nhiệm việc tổ chức biên soạn một bộ SGK, có triết lí thống nhất, có sự kết nối dọc và ngang, có sự phối hợp chặt chẽ giữa tất cả các khâu của quá trình biên soạn. Tuy nhiên, đó cũng chỉ phương án khả dĩ, chưa phải là phương án tối ưu.

Liên quan trực tiếp đến câu hỏi “có kiến nghị gì về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội để chủ trương 1 chương trình nhiều bộ sách giáo khoa được triển khai có hiệu quả”, tôi xin trả lời như sau: Để thực hiện chủ trương có một số SGK cho mỗi môn học theo tinh thần bình đẳng và minh bạch, không nên quy định có bộ SGK của Bộ và không nên vay tiền nước ngoài để làm SGK. Tiền vay của Ngân hàng Thế giới, một sự ủng hộ rất đáng quý của quốc tế, nên để hỗ trợ SGK cho học sinh vùng cao, phát triển thư viện các trường ở những vùng khó khăn.

Hãy để cho các NXB và các tổ chức tự đầu tư làm SGK và có cơ hội bình đẳng với nhau. Như vậy mới mong có được sự cạnh tranh lành mạnh. Tạo được môi trường thuận lợi cho sự phát triển SGK một cách bền vững. Có thể ban đầu có những vấn đề của nó. Nhưng dần dần nó sẽ được khắc phục. Còn nếu dùng tiền vay của nước ngoài để đầu tư cho một bộ SGK mà cách làm không minh bạch và công bằng thì dư luận có thể đặt ra một câu hỏi lớn!

Khi xây dựng Nghị quyết 88, đã có nhiều ý kiến băn khoăn về chủ trương có một bộ SGK do Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn, nhưng cũng có nhiều người ủng hộ và cuối cùng đã được thông qua vì lo ngại nếu không có một bộ SGK làm chủ lực thì sẽ không có đủ SGK các môn học, có chất lượng và kịp tiến độ.

Nhưng lo ngại đó là không có cơ sở. Khi có lộ trình rõ ràng thì tất cả các NXB đều phải quyết liệt triển khai cho đúng tiến độ. Có cạnh tranh bình đẳng và minh bạch thì tất sẽ có chất lượng.

Nếu muốn có đủ SGK cho các môn thì Bộ GD-ĐT chỉ cần đề ra một số quy định ràng buộc. Nếu không phải tính toán các phương án làm SGK của Bộ như hiện nay thì chúng ta sẽ không phải mất tiền vay nước ngoài để làm SGK và tiến độ cũng bảo đảm vì SGK lớp 1 của các nhóm đều đã sẵn sàng.

Dĩ nhiên, đề xuất này cũng chỉ khả thi nếu Quốc hội và Chính phủ cho phép triển khai chủ trương “một số SGK cho mỗi môn học”.

Nếu có thể thay đổi một nội dung trong Nghị quyết 88 của Quốc hội thì theo tôi, đây là nội dung đáng thay đổi nhất. Thay đổi như vậy là vấn đề không dễ, nhưng nếu nhìn thấy tính hệ trọng và tác động lâu dài của một chính sách lớn thì cần phải có quyết tâm giải quyết.

Xin cảm ơn ông!

Phong Cầm (Thực hiện)

Phó Thủ tướng: Cần tách bạch các khâu làm sách giáo khoa

Phó Thủ tướng: Cần tách bạch các khâu làm sách giáo khoa

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói Bộ GD-ĐT chỉ đạo tập trung biên soạn một bộ sách giáo khoa chính thống tại buổi họp chiều 28/2.