Phát biểu tại cuộc họp giao ban với lãnh đạo một số bộ ngành khối giáo dục đào tạo và các hiệp hội, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long cho rằng Bộ GD-ĐT cần đẩy nhanh tiến độ biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới, bởi “lo về chương trình một thì lo về sách giáo khoa gấp mười”.
Tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã thông tin thêm về tiến độ triển khai chương trình, sách giáo khoa mới; công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia…
GS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị kiểm tra chặt chẽ quy trình biên soạn các bộ sách giáo khoa theo chương trình mới. Cùng với đó, phải có "cuộc cách mạng" về phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thì mới triển khai hiệu quả chương trình, sách giáo khoa mới.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT theo sát quá trình sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, cung cấp thông tin đầy đủ, trước hết cho các cơ quan, bộ, ngành để hình dung được bức tranh tổng thể về đổi mới giáo dục.
Đề cập tới dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi và Luật Giáo dục Đại học sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, ông Đam lưu ý quá trình triển khai theo tinh thần "khi luật có hiệu lực thì những nghị định, thông tư trái với luật thì phải sửa. Đồng thời, chuẩn bị các nghị định, thông tư hướng dẫn cho Luật Giáo dục (sửa đổi) sắp tới".
Về thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, Phó Thủ tướng nêu rõ: Bộ GD-ĐT chỉ đạo tập trung biên soạn một bộ sách giáo khoa chính thống theo đúng nghị quyết của Quốc hội giao. Tách bạch khâu biên soạn nội dung với khâu in ấn, phát hành.
Bên cạnh nội dung kiến thức trong chương trình, sách giáo khoa mới không thể thiếu nội dung dạy đạo đức, dạy làm người cho học sinh từ lời ăn, tiếng nói, câu chào đến hát quốc qua, tập thể dục, giữ vệ sinh chung.
Phó Thủ tướng lưu ý trong quá trình chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia cần “đặt hàng” chuyên gia về mọi tình huống có thể xảy ra. Đề thi mẫu cần chuẩn bị tốt.
“Từ kinh nghiệm của các trường nghề, các trường đại học cần tiến tới phương án tuyển sinh nhiều lần trong năm”, Phó Thủ tướng nói.
Về vấn đề biên chế giáo viên, Phó Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT từ số liệu biên chế giáo viên ở từng trường, từng môn, từng cấp học, tiến tới dự báo về nhu cầu giáo viên trong những năm tới ở từng địa phương kết hợp với thống kê số sinh viên tại từng địa phương đang học sư phạm. Có như vậy mới giải quyết căn bản câu chuyện biên chế giáo viên.
Phó Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục quyết liệt thay đổi nếp quản trị, xây dựng đạo đức lối sống, văn hoá… trong trường học. “Thực hiện đúng Năm điều Bác Hồ dạy từ những việc cụ thể như giữ gìn vệ sinh, yêu lao động thì trường lớp phải sạch sẽ”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.
Bên cạnh đó, thời gian tới, Bộ GD-ĐT phải bám sát việc triển khai chương trình kiên cố hoá trường học, đầu tư cho một số đại học lớn. Đối với các trường nghề, bên cạnh kiện toàn cơ sở vật chất, cần tạo điều kiện hơn nữa cho nguyện vọng học liên thông lên cao đẳng, đại học.
Theo VGP