Thế giới đảo chiều

Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ hôm 20/8 ghi nhận thêm một phiên tăng điểm ấn tượng, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng gần 300 điểm trong phiên đầu tuần và lấy lại ngưỡng kỷ lục 26 ngàn điểm; chỉ số công nghệ tăng 1,4% và giành được mốc 8 ngàn điểm; trong khi chỉ số tầm rộng S&P 500 tăng 1,2%.

Đây là diễn biến đầy tích cực trong bối cảnh thị trường tài chính vừa trải qua một cơn sóng gió lớn nhất trong năm 2019, với làn sóng bán tháo cổ phiếu trên diện rộng, từ Mỹ sang châu Âu, châu Á.

Trước đó, chỉ số Dow Jones có phiên đã giảm tới 800 điểm. Trong khi, chứng khoán châu Á và châu Âu đều giảm điểm rất mạnh.

Những chuyển biến tích cực của thị trường chứng khoán thế giới diễn ra sau khi chính quyền ông Donald Trump có động thái nới lỏng lệnh trừng phạt đối với công ty công nghệ số 1 và là biểu tượng của Trung Quốc, tập đoàn Huawei Technologies. 

{keywords}
Mỹ nới lỏng trừng phạt Huawei.

Theo đó, ngày 19/8, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross xác nhận đã gia hạn giấy phép trong 90 ngày cho phép Huawei tiếp tục hợp tác với các công ty Mỹ để phục vụ khách hàng hiện tại. Giấy phép tạm thời của Huawei, vốn có thời hạn đến 19/8, sẽ được gia hạn đến 19/11.

Trước đó, chính quyền ông Donald Trump cũng đã loại 44 mặt hàng (trị giá tổng cộng 7,8 tỷ USD) gồm điện thoại di động, laptop, máy chơi game, một số loại đồ chơi, màn hình máy tính, một số loại quần áo, giày dép... khỏi kế hoạch đánh thuế thêm 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc kể từ ngày 1/9 và 15/12.

Những diễn biến tích cực cũng diễn ra trong bối cảnh nỗi lo kinh tế suy giảm bao trùm nhiều nước và ngân hàng trung ương hàng loạt quốc gia đã và đang chạy đua nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất cũng như kích thích kinh tế.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa đưa ra động thái giảm chi phí đi vay cho các công ty Trung Quốc. Trong khi đó, chính phủ Đức được cho là đang chuẩn bị các biện pháp kích thích tài khóa. 

{keywords}
Diễn biến chính sách và chứng khoán Mỹ.

Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ giảm thêm lãi suất ngay trong tháng 9 này, mức giảm có thể là 25 hoặc 50 điểm phần trăm thấp hơn mong muốn 100 điểm của ông Trump; Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ nới lỏng chính sách...

Không chỉ chứng khoán, lợi suất kho bạc Mỹ cũng đã tăng trở lại, dập tắt tín hiệu dẫn tới nỗi lo về một cuộc suy thoái có thể xảy ra. Lợi tức trái phiếu kho bạc 10 năm tăng lên khoảng 1,6% từ mức 1,54%.

Trước đó, cú đảo chiều đường cong lãi suất với lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ thấp hơn lợi suất trái phiếu 2 năm đã khiến thị trường tài chính rúng động.

Chiến thuật mới của Donald Trump

Sự đảo chiều theo chiều hướng tích cực của các thị trường tài chính trên thế giới diễn ra khá rõ ràng, các tín hiệu nguy hiểm cũng đã biến mất. Chỉ báo suy thoái với sự đảo ngược của đường cong lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ cũng đã biến mất. Tuy nhiên, sóng ngầm dường như vẫn còn và được dự báo có thể bùng phát bất kỳ lúc nào.

Cho dù chứng khoán nhiều nước tăng trở lại, đồng USD cũng tăng khá ấn tượng với chỉ số đo lường biến động của đồng bạc xanh so với rổ 6 đồng tiền khác đã lên lên mức 98,4 điểm, nhưng giá vàng không có dấu hiệu giảm sâu, vẫn quanh đỉnh 1.500 USD/ounce, thậm chí được dự báo sẽ còn tăng giá.

Trên CNBC, một số chuyên gia cho rằng, vàng có thể còn trở nên hấp dẫn hơn và có thể lên tới 2.000 USD/ounce trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, trong đó có tình trạng trái phiếu lợi suất âm lan tràn. 

{keywords}
Ông Trump muốn Fed hạ lãi suất 100 điểm cơ bản.

Cuộc đua nới lỏng chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất của nước nước trong đó có Mỹ được xem là sự trì hoãn “một điều không thể tránh khỏi”.

Hiệu ứng “tiền rẻ” sẽ giúp các nước lấy lại đà tăng trưởng, thậm chí tăng mạnh như dự báo của cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro. Theo một chuyên gia trên MarketWatch, nền kinh tế thế giới đáng ra đã bước vào một đợt suy thoái, nước Mỹ cũng ở không xa một kịch bản như vậy... nếu như ngân hàng trung ương đã không nới lỏng chính sách.

Tuy nhiên, đây được xem là một cuộc chơi được mất, tăng trong ngắn hạn thì sẽ đau trong dài hạn. Các nước thúc đẩy được nền kinh tế trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn sẽ chịu áp lực suy thoái lớn hơn.

Với Mỹ, ông Donald Trump có lẽ không thể để kinh tế nước này suy thoái trước thời điểm bầu cử nhiệm kỳ 2 vào năm 2020 cũng như không thể để các diễn biến xấu hủy hoại tâm lý tích cực trên thị trường chứng khoán. Nhưng về dài hạn, không có giải pháp nào, rủi ro suy thoái toàn cầu sẽ tăng lên.

Hơn thế, sự hòa hoãn của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trong vài ngày gần đây dường như chỉ là tạm thời. Ông Trump đang có những thay đổi trong chiến thuật của mình, nhưng về chiến lược dường như không hề có sự thay đổi. 

{keywords}
Ông Donald Trump cho biết, kinh tế Mỹ tốt và chưa sẵn sàng ký thỏa thuận với Trung Quốc.

Trong một tuyên bố trước thời điểm nới lỏng lệnh trừng phạt với Huawei, ông Trump cho biết, ông hoàn toàn không muốn nước này kinh doanh với Tập đoàn Huawei do đó là “một mối đe dọa an ninh quốc gia”. Mối đe dọa này có thể được hiểu như cáo buộc của Mỹ đối với các sản phẩm độ an toàn không cao. Nhưng ở khía cạnh khác, sự nổi lên về công nghệ của Trung Quốc đang đe dọa vị thế cường quốc số 1 của Mỹ.

Trên thực tế, Huawei vẫn phải chịu sức ép lớn và doanh nghiệp này vẫn còn nằm trong danh sách cấm của Mỹ. Huawei sẽ khó có thể trở lại hoạt động bình thường như trước đây, cho đến khi đạt được một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc

Còn với Trung Quốc, ông Trump cũng thẳng thừng nói rằng “chưa sẵn sàng ký một thỏa thuận thương mại” với nước này. Ông muốn Bắc Kinh sớm ổn định tình hình ở đặc khu hành chính Hong Kong trước khi có được một bản thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Các quyết định lùi thời hạn áp thuế mới và loại bỏ một số mặt hàng ra khỏi danh sách đánh thuế được xem như là một sự trì hoãn do ông Trump muốn đảm bảo một nền kinh tế được tốt kéo dài cho tới 2020. Mùa Giáng sinh thường có một cú huých lớn cho nền kinh tế, việc lùi thời điểm áp thuế là hợp lý.

Bên cạnh đó, thế giới còn một loạt vấn đề khác như sự khó lường của tiền trình Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), mâu thuẫn chưa từng có giữa trung tâm tài chính Hong Kong và Trung Quốc, hay khủng hoảng tại Argentina, Venezuela, vấn đề Iran tại khu vực Trung Đông, Triều Tiên trên bán đảo Triều Tiên... Sóng ngầm tài chính có thể bùng phát bất cứ lúc nào khi mà các nước, trong đó Mỹ sẽ không ghìm cương nữa.

H. Linh