Mỹ tính lập liên minh mới

Theo South China Morning Post, Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch mời Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nga cùng tham dự cuộc gặp sắp tới của hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), gồm Anh, Đức, Pháp, Ý, Nhật, Mỹ và Canada.

Chia sẻ với báo chí, ông Trump biết, ông không có cảm giác rằng G7 đang đại diện chính xác cho những gì diễn ra trên thế giới và ông cảm thấy G7 đã "rất lỗi thời". Thông báo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh về các vấn đề như xử lý đại dịch Covid-19 cũng như Hong Kong.

Theo trang Livemint, hôm 2/6, trong một cuộc thảo luận qua điện thoại, ông Trump đã chính thức mời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến được tổ chức tại Mỹ vào cuối năm nay.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, tổng thống Trump truyền tải sự mong muốn mở rộng phạm vi của nhóm, với những nước quan trọng khác, trong đó có Ấn Độ.

{keywords}
Ông Trump mời Ấn Độ dự hội nghị thượng đỉnh G7.

Đây là động thái khá bất thường và nó dẫn đến các suy đoán Washington đang cố thành lập một khối mới để cô lập Bắc Kinh.

Trước đó, ông Trump không nói cụ thể liệu có muốn nhóm G7 trở thành G11 từ nay về sau, mà chỉ cho biết ông muốn 4 quốc gia trên tham dự hội nghị thượng đỉnh của G7 và muốn hội nghị thượng đỉnh thảo luận về Trung Quốc.

Trên thực tế, cả Hàn Quốc và Australia đều là đồng minh lâu năm của Mỹ, trong khi đó Ấn Độ là một quốc gia quan trọng trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Washington. Ấn Độ đang bất đồng với Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp ở khu vực biên giới, còn nước Úc gần đây kêu gọi cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus corona, cũng như bày tỏ quan ngại về luật an ninh mới sắp được Trung Quốc áp dụng cho Hong Kong.

Hồi tháng 3, ngay giữa lúc đại dịch Covid-19 lên cao điểm, nước Mỹ đã tái khởi động lại nhóm Bộ tứ Quad (bao gồm Úc, Ấn Độ, Nhật và Mỹ) sau 10 năm gián đoạn, nhưng điểm đặc biệt là có mời thêm New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để trở thành “Bộ tứ mở rộng” (Quad Plus).

{keywords}
Nỗ lực lập liên minh mới.

Quad Plus không chỉ thảo luận về dịch bệnh mà còn bàn về cách thức để hồi phục các nền kinh tế. “Giảm thiểu tác động lên kinh tế toàn cầu” được cho mới chính là nội dung chính của nhóm này.

Truyền thông thế giới dậy sóng với dự đoán Mỹ sẽ xây dựng một “mạng lưới kinh tế thịnh vượng” (Economic Prosperity Network), mục đích được cho là sẽ chuyển dịch chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc càng nhanh càng tốt khi đại dịch cho thấy vai trò then chốt của Bắc Kinh trong nền kinh tế thế giới. Sáng kiến mang tên Mạng lưới Thịnh vượng Kinh tế nhằm đưa các quốc gia và doanh nghiệp xích lại gần nhau để "vận hành theo một hệ giá trị chung".

Không chỉ Mỹ, hôm 29/5, Anh cho biết nước này đang hối thúc Mỹ hình thành một câu lạc bộ gồm 10 quốc gia có thể tự phát triển công nghệ 5G và giảm sự phụ thuộc vào tập đoàn Huawei của Trung Quốc.

Kinh tế thế giới, những thay đổi lớn thời hậu Covid-19

Phản ứng về những tín hiệu Mỹ muốn mở rộng nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu G7, đại diện Canada, Anh và Liên minh châu Âu (EU) thừa nhận việc mời các quốc gia bên ngoài tham dự là quyền của nước chủ nhà nhưng phản đối việc mở rộng, nhất là trường hợp của Nga.

Theo EU, Nga đã bị loại ra khỏi nhóm G8 năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, do đó “hội nghị thưởng định G7 không thể ở định dạng G8". 

{keywords}
Mỹ và Úc có quan hệ đồng minh.

Thông tin mới nhất, theo tờ Sydney Morning Herald, hôm 2/6 ông Trump đã điện đàm với Thủ tướng Australia Scott Morrison để thảo luận về ý tưởng mời nước này tham gia nhóm G7 mở rộng, bao gồm thêm Úc, Hàn Quốc và Ấn Độ, hay G10.

Phản ứng trước lời đề nghị của ông Trump, Thủ tướng Ấn Độ Modi đánh giá cao sáng kiến và tầm nhìn xa của tổng thống Mỹ, đồng thời thừa nhận sự mở rộng của nhóm có thể giúp đối phó với những vấn đề của thế giới thời hậu Covid-19.

Trong khi đó, Thủ tướng Úc Morrison khẳng định “hoan nghênh một lời mời chính thức” về việc tham dự một hội nghị G7 mở rộng.

Gần đây, Tổng thống Donald Trump cũng đã tuyên bố Mỹ sẽ chấm dứt quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và “chuyển hướng nguồn quỹ đóng góp cho tổ chức này sang phục vụ các nhu cầu y tế toàn cầu cấp thiết khác” do cách tổ chức này đối phó với dịch Covid-19 và cáo buộc WHO là con rối của Trung Quốc, lấy Trung Quốc làm trung tâm.

{keywords}
Mỹ-Trung không tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề.

Cho tới thời điểm này, chưa biết ông Trump sẽ làm gì nhưng theo quy định, Mỹ có quyền rút khỏi WHO một năm kể từ ngày tuyên bố.

Những hành động chưa từng có gần đây cho thấy, ông Donald Trump dường như đang cố gắng huy động sự hỗ trợ từ các đồng minh của Mỹ để kiềm chế Trung Quốc. Mục đích có lẽ là để cô lập Trung Quốc. Và đây có thể chỉ là những bước khởi đầu và nhiều khả năng sẽ có các biện pháp nữa.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã có sự phát triển vượt bậc về kinh tế và đang tìm cách tăng cường tầm ảnh hưởng của mình trong các thể chế và nền tảng đa phương. Ảnh hưởng của nền kinh tế Trung Quốc lên thế giới được thấy khá rõ ràng sau đại dịch Covid-19.

Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và sự phụ thuộc của thế giới vào thị trường tỷ dân và chuỗi cung ứng toàn cầu đặt tại nước này có thể khiến Mỹ khó lập một chiến tuyến chống Trung Quốc. Tuy nhiên, những nỗ lực của ông Trump cũng như nhiều nước có thể khiến Bắc Kinh không còn được hưởng lợi trong các hệ thống toàn cầu hóa trong thập kỷ vừa qua. Nền kinh tế và các thị trường có thể sẽ thay đổi mạnh trong thời gian tới.

M. Hà