Chênh lệch lớn
Lãi suất huy động của nhiều ngân hàng tháng 2/2021, tiếp tục giảm. Vietcombank vừa giảm 0,1 điểm phần trăm so với tháng 1/2021. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng của Vietcombank giảm còn 2,9%/năm; kỳ hạn từ 24-60 tháng giảm còn 5,3%/năm.
Techcombank cũng giảm lãi suất huy động từ 0,1-0,2 điểm phần trăm với một số kỳ hạn. Cụ thể kỳ hạn 1 tháng xuống giảm xuống còn 2,2-3%/năm, 3 tháng còn 2,6%/năm, 6 tháng còn 3,7%/năm, 12 tháng còn 4,3%/năm.
Trong khi đó ACB giảm lãi suất huy động từ 0,2-0,4 điểm phần trăm. Theo đó, kỳ hạn 1 tháng còn 3%/năm, 3 tháng ở mức 3,3%/năm, 6 tháng 4,4%/năm, 12 tháng ở mức 5,5%/năm Các ngân hàng khác như VPBank, SCB, SHB,... cũng điều chỉnh lãi suất ở các kỳ hạn giảm từ 0,1-0,4 điểm phần trăm/năm.
Hiện tại, mặt bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng chỉ còn khoảng 3%, từ 6-9 tháng còn khoảng 4-6%/năm, kỳ hạn 12 tháng từ 5,3-7%/năm, giảm từ 1,5-2 điểm phần trăm/năm so với cùng kỳ năm trước.
Theo các chuyên gia tài chính, thị trường tiền gửi tiết kiệm dân cư năm ngoái gặp nhiều cạnh tranh từ các kênh trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2021, với việc Chính phủ sửa đổi một số điều kiện phát hành trái phiếu của doanh nghiệp theo hướng chặt chẽ hơn, dòng tiền lại có xu hướng chảy về ngân hàng. Đặc biệt, các khoản tiết kiệm từ 10 triệu đến dưới 200 triệu đồng hiện có số lượng rất lớn trong các ngân hàng và thanh khoản của hệ thống rất dồi dào.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhu cầu thanh khoản không còn căng thẳng như trước Tết nguyên đán Tân Sửu giúp lãi suất điều chỉnh giảm trở lại, lãi suất gửi tiết kiệm cũng giảm dần.
Tuy nhiên, lãi suất cho vay được cho là giảm không tương xứng. Một doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời tại tỉnh Gia Lai cho biết vừa vay số tiền hơn 20 tỷ đồng từ ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, kỳ 8 năm, lãi suất ưu đãi năm đầu là 8%/năm, các năm sau bị cộng thêm biên độ 4%/năm. Tính ra, lãi suất cho vay dài hạn lên tới hơn gần 12%/năm. Trong khi lãi suất ngân hàng này đang huy động cho kỳ hạn từ 24- 60 tháng hiện chỉ có 5,3%/năm.
Đấy là với ngân hàng lớn có vốn Nhà nước chi phối, còn các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lãi vay còn cao hơn. Đại diện một doanh nghiệp tại TP.HCM kể rằng vừa vay ngân hàng hơn 10 tỷ đồng để mua ô tô tải phục vụ hoạt động vận chuyển, kỳ hạn 4 năm, lãi suất năm đầu là 8,7%/năm, các năm sau cộng biên độ 4,3%/năm.
Với kỳ hạn ngắn cũng tương tự. Một khách hàng tại Long Biên, Hà Nội cho hay phải vay từ 1 ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ số tiền 2 tỷ đồng, kỳ hạn 9 tháng. Lãi suất cứ 3 tháng điều chỉnh một lần, kỳ đầu vay mức 7,5%/năm, sang kỳ thứ 2 sẽ tăng lên 8,5%/năm.
Các doanh nghiệp phản ánh, những lĩnh vực không thuộc ưu tiên đang phải vay vốn kỳ 6 tháng với lãi suất ở mức 7,5%/năm, nhưng 3 tháng sau sẽ điều chỉnh, khi đó lãi cho vay tăng lên khoảng 8,5%-9%/năm. So với đầu năm 2020, lãi vay thấp hơn 1 điểm % năm. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp mức lãi suất giảm như vậy là không đáng kể.
Lãi suất vay vốn treo cao
Các chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất trong lịch sử nhưng lãi vay vẫn giảm chưa tương xứng. Thời gian qua, một số ngân hàng tung gói tín dụng ưu đãi nhưng để tiếp cận là không dễ dàng. Hiện nhiều ngân hàng vẫn giữ nguyên lãi suất cũ với các khoản vay trung, dài hạn chưa đến kỳ trả nợ, khiến nhiều người dân phải vay với lãi cao.
Chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay rất lớn. Trong khi lãi suất huy động bình quân chỉ 3-5%/năm, nhưng có những khoản vay vẫn treo lãi suất 9-10%/năm. Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các nhà băng có nguồn vốn đầu vào giá rẻ, nhưng các ngân hàng vẫn cho vay với lãi suất cao.
Đầu năm, nhu cầu tiêu dùng chưa nhiều, nhất là dịch Covid-19 lại bùng phát, khiến các doanh nghiệp khó khăn. Thế nhưng xăng dầu tăng giá, các loại chi phí cố định như mặt bằng, lương nhân viên... cũng tăng trở lại, nên nhiều doanh nghiệp mong muốn lãi suất cho vay giảm để giảm bớt khó khăn. Nhưng có vẻ như lãi suất cho vay chẳng chịu giảm.
Theo các chuyên gia kinh tế, thanh khoản các ngân hàng đang dồi dào và lạm phát thấp, sẽ có thêm dư địa để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành. Qua đó, giúp các ngân hàng giảm chi phí đầu vào giảm lãi suất cho vay, kích thích kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, khó có chuyện lãi suất cho vay giảm mạnh. Năm nay, vẫn có thể xảy ra trường hợp tương tự như năm ngoái, khi mặt bằng lãi suất đầu vào đã giảm mạnh, nhưng đầu ra chỉ giảm nhỏ giọt. Do nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng tăng nên họ sẽ nới biên độ lãi suất huy động và cho vay để tăng biên lãi ròng. Lợi nhuận thu về cao hơn dùng để tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Không những thế, các ngân hàng đều đặt kế hoạch năm 2021 tăng trưởng hơn 2020. Năm ngoái, các nhà băng đã lãi lớn nhờ lãi suất huy động giảm thấp nhưng lãi vay giảm không tương ứng nên năm nay, không có lý gì lại giảm mạnh lãi suất cho vay để tăng trưởng giảm so với trước và giá cổ phiếu chắc cũng không thể tăng, đây là điều giới ngân hàng không hề mong muốn.
Trần Thủy