Trong năm 2016, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, NHNN đã thể hiện sự chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ. Tỷ giá ổn định, lãi suất giảm, đồng vốn đi vào khu vực sản xuất mạnh mẽ... đã tạo niềm tin cho DN bung sức làm ăn.
Ổn định tỷ giá, giảm mặt bằng lãi suất
Từ đầu năm 2016, NHNN thực hiện công bố tỷ giá trung tâm biến động linh hoạt hàng ngày theo sát diễn biến thị trường trong, ngoài nước và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ đã giúp hạn chế các cú sốc bên ngoài và giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ, hỗ trợ cho sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại tệ.
Hoạt động của các TCTD trong năm 2016 có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tăng niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng. |
Tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: “Nếu như bình thường các năm trước chúng ta can thiệp vào thị trường ngoại tệ rất mạnh để ổn định tỷ giá, nhưng trong năm nay mức độ can thiệp rất nhẹ. Nhu cầu mua bán ngoại tệ cuối năm có tăng nhưng cơ bản thị trường ngoại tệ vẫn ổn định. Qua đó giúp củng cố lòng tin vào đồng Việt Nam với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài”.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay, tỷ giá và thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định trong bối cảnh chịu sức ép từ những biến động khó lường trên thị trường quốc tế. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, thị trường ngoại tệ trong nước diễn biến ổn định hơn so với mức độ biến động khá lớn của các nước trên thế giới và trong khu vực. Tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định giúp doanh nghiệp có thể chủ động được kế hoạch sản xuất kinh doanh và tăng niềm tin vào đồng Việt Nam. Cho đến cuối năm 2016 đồng Việt Nam mới mất giá 1,1 – 1,2% và thanh khoản ngoại tệ trên thị trường rất ổn định. Tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm, hệ thống tổ chức tín dụng mua ròng lượng lớn ngoại tệ từ nền kinh tế, nhờ đó NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã nỗ lực giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ những khó khăn để doanh nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng. Trong năm 2016, mặc dù lãi suất đã gặp áp lực ngay từ đầu năm khi mục tiêu GDP đặt ra mức khá cao, nhu cầu vốn đầu tư trung và dài hạn lớn, lạm phát có xu hướng tăng, tuy nhiên, nhờ điều tiết cung tiền hợp lý của NHNN, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay không những đã giữ ổn định mà còn giảm. Bình quân lãi suất cho vay giảm đã giảm 0,5 – 1% so với đầu năm 2016, điều này có ý nghĩa rất tích cực trong việc duy trì tăng trưởng tín dụng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Theo báo cáo của NHNN, đến ngày 29/12/2016, tín dụng tăng 18,71% so với cuối năm 2015. Cơ cấu tín dụng chuyển biến tích cực khi tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, vốn ngân hàng chủ yếu được đi vào sản xuất kinh doanh. Các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực, người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo chỉ đạo của Chính phủ,Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được hệ thống ngân hàng đẩy mạnh triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế và xã hội.
Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo sát sao các TCTD trong việc tái cơ cấu, xử lý nợ xấu. Nhờ đó, sự an toàn, ổn định của hệ thống các TCTD đã được duy trì và cải thiện cơ bản. Hoạt động của các TCTD trong năm 2016 có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tăng niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng.
Điều chỉnh chính sách sát thực tế, lợi DN
Năm 2016, thị trường cũng đón nhận những văn bản chỉ đạo điều hành quyết liệt và có tính đột phá từ tân Thống đốc. Ngày 27/5/2016, cùng lúc Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã ban hành 3 văn bản cho thấy sự quyết liệt của Thống đốc, đó là: Chỉ thị số 04/CT-NHNN, Thông tư 06/2016/TT-NHNN và Thông tư 07/2016/TT-NHNN đã tháo gỡ được những vấn đề mà doanh nghiệp và thị trường kêu khó nhất thời điểm đó.
NHNN đã thể hiện sự chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ. |
Chỉ thị số 04/CT-NHNN về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016 để góp phần thực hiện các mục tiêu của Chính phủ, kiên định với mục tiêu đã đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 23/2/2016, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng không chủ quan với diễn biến của lạm phát.
Bên cạnh đó, Thông tư 06/2016/TT-NHNN thay thế Thông tư 36/2015/TT-NHNN. Theo đó, hệ số rủi ro cho vay bất động sản từ mức dự kiến 250% xuống còn 200%, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn dự kiến từ 40% lên 50%. Thông tư 07/2016/TT-NHNN thay thế Thông tư 24/2015/TT-NHNN về quy định hoạt động cho vay bằng ngoại tệ được ban cùng ngày cũng được chuyên gia, doanh nghiệp đón nhận và đánh giá cao.
Phản hồi về sự điều chỉnh này, chuyên gia, ngân hàng và doanh nghiệp đánh giá là một sự “linh hoạt, mềm dẻo” của tân Thống đốc trong điều kiện nền kinh tế, doanh nghiệp cần nguồn vốn để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế…Sau đó, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đến giữa tháng 11/2016, NHNN ban hành Thông tư số 31/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHN quy định TCTD được xem xét, quyết định cho khách hàng vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu đến hết 31/12/2017.
Ngoài ra, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay từ chương trình tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tích cực triển khai, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, nhờ đó tích cực hỗ trợ người dân cải thiện chỗ ở, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Năm 2016 cũng là năm thứ 3 NHNN chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các TCTD tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, NHNN cũng chỉ đạo các TCTD tiếp tục cho vay đối với một số ngành chủ đạo trong nông nghiệp như cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo, nuôi trồng, thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản, tái canh cây cà phê, tín dụng hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp...đồng thời chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ và đã đạt được những kết quả tích cực. Việc ký kết hợp đồng tín dụng giữa các NHTM và ngư dân ngày càng tăng mạnh, từ chỗ cho vay 2 con tàu cuối năm 2014, tăng lên 329 con tàu cuối năm 2015 và đến nay, các NHTM đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 823 tàu với tổng số tiền cam kết cho vay là 8.195 tỷ đồng.
Đảm bảo quyền lợi cho khách hàng và tăng cường chất lượng dịch vụ ngân hàng, trong năm 2016, NHNN đã chủ động theo dõi, giám sát và kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo TCTD về các vấn đề an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán nói chung, thanh toán thẻ và thanh toán điện tử nói riêng cũng như đảm bảo quyền lợi cho khách hàng tham gia sử dụng dịch vụ thanh toán. Thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 17/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, ngày 31/12/2016, Thống đốc NHNN đã có văn bản số 10088/NHNN-VP về việc đảm bảo an toàn, thông suốt hoạt động ngân hàng dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Giảm thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn
Có thể thấy, cải cách hành chính đồng thời phải đảm bảo hỗ trợ trực tiếp, tích cực cho sự phát triển doanh nghiệp đã được NHNN xác định là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Ngành trong giai đoạn 2016-2020.
Ngành ngân hàng cố gắng thực hiện việc giảm thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn. |
Đặc biệt, trong năm 2016, ngày 17/8, Bộ Nội vụ công bố chỉ số cải cách hành chính 2015 (PAR INDEX 2015) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, về phía các bộ, cơ quan ngang bộ, NHNN đạt chỉ số cao nhất với giá trị 89,42.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP (Nghị quyết 35), NHNN đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu đề xuất những mục tiêu lượng hóa, giải pháp thực hiện có tính khả thi nhằm xóa bỏ các yếu tố gây cản trở về thủ tục hành chính trong hoạt động của TCTD, doanh nghiệp, đồng thời giảm chi phí hoạt động, chi phí đầu vào, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng đối với doanh nghiệp. Chỉ sau hơn 1 tháng sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35, ngày 28/6/2016, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020. Mục tiêu là tập trung hỗ trợ nâng cao xếp hạng tín dụng quốc gia, nâng cao mức độ sẵn có và đầy đủ về dịch vụ ngân hàng; nâng cao năng lực của hệ thống ngân hàng; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng; thực hiện các giải pháp để tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các giao dịch hành chính với NHNN; cải tiến đơn giản hóa các thủ tục giao dịch của tổ chức tín dụng với khách hàng.
Nhấn mạnh đây là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành, tại cuộc làm việc với NHNN chi nhánh Hải Phòng mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú yêu cầu toàn chi nhánh và các NHTM trên địa bàn tiếp tục cải cách, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng đối với người dân và doanh nghiệp.
|
Trong thông điệp chào 2017, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh: “Năm 2017, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành ngân hàng là rất nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành mục tiêu đề ra”. Tiếp tục những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, NHNN dự kiến, năm 2017 phải điều hành lãi suất linh hoạt, bám sát các cân đối vĩ mô, tiền tệ; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất trung, dài hạn; kiểm soát quy mô tín dụng hợp lý bảo đảm an toàn, hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn; tập trung tín dụng cho những lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ... |
Phương Linh