Đồ khô nhẵn kệ

Khảo sát của PV. VietNamNet trong ngày 17/-18/7, hệ thống các cửa hàng tiện lợi và các siêu thị tại TP.HCM gần như không còn các mặt hàng đồ khô, có thể tích trữ trong thời gian dài như mỳ tôm, miến khô và đồ hộp.

Hoàng Thu Trang (25 tuổi, quận Bình Thạnh) cho biết khá khó để mua được loại mỳ tôm theo đúng ý thời điểm này. Siêu thị chỉ còn trưng bày các loại mỳ Hàn Quốc, mỳ trộn ăn liền với mức giá khá cao, dao động từ 15.000-20.000 đồng/gói nên ít được khách hàng quan tâm lựa chọn. “Tôi đã đi một số cửa hàng tiện lợi quanh khu vực nhưng không thể tìm được mỳ về nấu ăn”, Trang nói khi đang đi mua đồ tại một cửa hàng Bách Hóa Xanh.

Một cửa hàng thuộc hệ thống VinMart gần khu vực chợ Bà Chiểu cũng trong tình cảnh tương tự, còn duy nhất các gói cháo ăn liền trên kệ.

{keywords}
Kệ đồ khô nhẵn sạch tại một siêu thị

Chị Phạm Loan chia sẻ thông tin từ huyện Nhà Bà, 10 gói mì Hảo Hảo được một tạp hóa bán với giá 80.000 đồng, trong khi ngày thường giá chỉ từ 3.500-4.500 đồng, tương đương cao nhất 45.000 đồng/10 gói. Như vậy, mức giá trên đã được tạp hóa này bán ra cao gần gấp đôi.

Bên cạnh mỳ tôm, đồ ăn khô tích trữ thì mặt hàng xếp vào loại khan hiếm hiện tại là trứng gia cầm. Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi thường xuyên trong tình trạng “nhẵn kệ”.

Chiều 18/7, nhân viên tại một cửa hàng Bách Hóa Xanh cho biết, trứng đã hết và sẽ được về trong sáng hôm sau, nhưng cũng không thể biết cụ thể vào thời gian nào sẽ có trứng.

Trong khi đó, cửa hàng Satra Foods trên đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), mặc dù đã dán biển thông báo mỗi vị khách chỉ được mua 1 vỉ trứng, tương đương 10 quả nhưng kệ trưng bày cũng sạch hàng từ sớm.

Đối với các mặt hàng rau xanh và củ, các siêu thị cũng trong tình trạng nhanh “cháy” hàng và chủng loại rau xanh không đa dạng, chủ yếu tập trung bán các mặt hàng như xà lách, củ cải trắng, cà rốt, rau cải, dưa leo, giá sống, rau muống nhưng số lượng hạn chế và cũng nhanh hết hàng.

Trước tình trạng trên, một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã áp dụng thêm biện pháp yêu cầu khách hàng không mua quá 2 kg/mỗi loại rau xanh.

{keywords}
Một sạp cóc bán trứng giá cao

Sáng ngày 18/7, ngay khi bước chân vào siêu thị nằm trên đường Vũ Tùng (quận Bình Thạnh), một người phụ nữ trung niên lập tức đi tới kệ giá sống, lấy đầy túi khoảng chừng 2kg giá sống theo quy định rồi thanh toán tiền món hàng duy nhất và ra về. Khay đựng giá chỉ còn vài cọng sót lại. “Tôi lâu không ăn giá nên mua nhiều về cho cả gia đình ăn”, người phụ này trả lời khi được hỏi lý do mua nhiều đến vậy.

Thương lái ép giá, phản ánh không ai nghe?

Tại sạp hàng cóc tự phát ven các khu vực chợ truyền thống, có thể thấy mặt hàng rau xanh đa dạng nhưng đắt hơn trong hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi từ 20-30% tùy từng chủng loại.

Cụ thể: hành lá 70.000 đồng/kg; cải bẹ xanh: 45.000 đồng.kg; cải thảo 40.000-45.000 đồng/kg; dưa leo 45.000 đồng/kg, cà chua: 50.000 đồng/kg, giá sống 25.000-30.000 đồng/kg

Giá trứng tại khu vực chợ Bà Chiểu của một sạp cóc vẫn ở mức trên trời là 50.000 đồng/chục trứng vịt và 45.000 đồng/chục trứng gà, trong khi tại hệ thống siêu thị, giá trứng gà là 29.000 đồng/chục.

Đối với mặt hàng thịt heo, trao đổi với PV. VietNamNet, đại diện một trại heo tại tỉnh Đồng Nai đề nghị giấu tên cho biết, giá heo ngon xuất chuồng cao nhất tại trại là 56.000-57.000 đồng/kg, lọc thịt bán là khoảng 80.000-85.000 đồng/kg. 

{keywords}
Quầy thị tại siêu thị

“Chúng tôi phản ánh rồi mà có ai nghe đâu. Chúng tôi bán giá thấp mà tới siêu thị, tới tay người tiêu dùng giá cao. Tôi thấy quá tội cho những người tiêu dùng phải mua heo giá cao trong khi nông dân xuất chuồng giá thấp do bị thương lái ép giá”, đại diện trại heo nói.

Thương lái ép giá với các lý do vận chuyển khó khăn và chợ truyền thống đang đóng cửa tại TP.HCM, trong khi người nuôi heo hoàn toàn bị động tìm nguồn cung. Chỉ cần một tuần đến 10 ngày mà không trung chuyển được, đàn heo tại các trại sẽ bị dồn ứ lại, lúc đó thì giá bao nhiêu cũng phải bán. Tới lứa phải bán chứ để càng tăng nhiều ký, bán càng lỗ.

Trong khi đó, tại TP.HCM, thịt heo đã không còn trình trạng “trống kệ” nhưng giá bán lẻ ghi nhận vẫn ở mức cao: sườn non có giá 220.000-230.000 đồng/kg, thậm chí có nơi lên tới 270.000 đồng/kg; nạc vai từ 150.000-170.000 đồng/kg, ba rọi 170.000-180.000 đồng/kg, đùi heo từ 155.000-165.000 đồng/kg,...

“Bình ổn sao mà giá toàn 150.000-200.000 đồng/kg”, bà Phương Lan (quận 3) nói sau khi vừa bước ra khỏi một siêu thị.

Quảng Định

16 tỉnh phía Nam trước giờ 'G': Ai cũng mua 4kg thịt, siêu thị nào chịu nổi

16 tỉnh phía Nam trước giờ 'G': Ai cũng mua 4kg thịt, siêu thị nào chịu nổi

Ngoài TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, có thêm 16 tỉnh, thành phía Nam giãn cách theo Chỉ thị 16 để chống dịch. Trước giờ "G" áp lệnh giãn cách, cung ứng các mặt hàng thiết yếu được đặc biệt quan tâm.