XEM CLIP:

Độc giả Hồng Quang: Khôi phục sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các địa phương chịu ảnh hưởng của Covid-19, trong đó có TP.HCM. Tôi có đọc được thống kê là trong 3 tháng cuối năm Thành phố (TP) cần khoảng 60 ngàn lao động, quý 1 năm sau cần 120.000-140.000 lao động. Vậy TP sẽ có chính sách gì để thu hút, để đáp ứng nguồn lao động cho phục hồi sản xuất kinh doanh?

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Nguyễn Văn Lâm: Thực ra , nhu cầu cần tuyển lao động của các DN hiện nay khá lớn, bởi phục hồi sản xuất theo từng ngày, từng tuần, từng tháng nên lượng lao động đã về quê giờ trở lại nhỏ giọt, chưa đáp ứng đầy đủ. Việc người lao động trở lại TP.HCM là nhu cầu cần thiết đối với cả người lao động và người sử dụng lao động. Quyền lợi thì có chăm lo chính sách xã hội, tiêm vắc xin.

Theo chính sách của Sở Y tế, người lao động lên, nếu ở các tỉnh giáp ranh sẽ tổ chức tiêm khi vào TP, cách thứ hai là tiêm ở địa phương tạm trú, thứ ba là tiêm ở nơi họ đang làm, để đảm bảo người lao động nếu đã tiêm mũi 1 sẽ được tiêm mũi 2, chưa tiêm sẽ được tiêm.

Về việc làm, công việc cũ của người lao động, anh làm ở đâu sẽ làm ở đó. Nếu cần đào tạo để chuyển đổi ngành nghề sang lĩnh vực mới thì ở TP.HCM có 398 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, website của Sở LĐ-TB&XH, của các trường với nhiều lớp đào tạo. Ngoài ra, có Trung tâm dịch vụ việc làm của thanh niên và một số trung tâm khác, tạo điều kiện để người lao động tìm việc phù hợp với tay nghề họ có hoặc nghề họ đã học xong.

Độc giả Quỳnh Đông: Dịch Covid-19 đang được khống chế, nhiều địa phương bước vào khôi phục sản xuất do đó nhu cầu cần lao động tăng cao, nhiều người lao động hồi hương mong muốn tìm việc làm ở quê để gần gia đình dù mặc thu nhập chưa thể bằng so với trước đây. Liệu đây có được xem xét là một khó khăn, thử thách của TPH.CM trong nỗ lực tuyển dụng lao động?

Ông Nguyễn Quang Cường, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Niên (Thành đoàn TP.HCM): Tới thời điểm này tôi chưa nhận thông tin khảo sát hoặc thống kê chính thức nào nói là người lao động về quê muốn ở lại. Chúng tôi tiếp cận rất nhiều người lao động, kết nối với 63 tỉnh thành thông qua chương trình combo việc làm 3 trong 1. Về quê muốn ở lại cũng là lý do nhưng rất ít, nhưng người lao động muốn về thời điểm này, khi dịch ở TP.HCM không biết bao giờ mới kết thúc, ở lại thì cũng ảnh hưởng tới chi phí sinh hoạt hàng ngày nên tạm thời trước mắt họ về; thứ hai, về rồi 2-3 tuần cũng không biết làm gì, rất muốn quay trở lại vì đã quen công việc.

Nhưng khi quay trở lại họ gặp một số khó khăn nhất định, như quá trình di chuyển, quy định về an toàn về phòng chống dịch,... nên tôi nghĩ đó không phải là khó khăn thách thức lớn với TP mà chỉ là tạm thời, trước mắt, giống như sau Tết Nguyên đán khi các cơ quan đơn vị hoạt động trở lại thì ở quê bao giờ cũng có độ trễ 7 ngày, 10 ngày, sau đó ổn định hết. Nhưng thời điểm đó, ta hay lo lắng người lao động không quay trở lại, nhưng thường sau Rằm là ổn.

Chưa kể hiện nay nhiều DN chủ động liên hệ với người lao động, thậm chí một số đơn vị đưa xe về tận quê rước người lao động lên làm nên tôi nghĩ thời gian tới sẽ ổn định và tốt hơn nhiều.

Người lao động ở một số tỉnh như Sóc Trăng, Trà Vinh, Hà Tĩnh cũng có liên hệ với tôi, họ cũng đang tìm việc ở quê nhưng năng lực cung cấp không đáp ứng nổi. Chúng tôi cũng kết nối với các trung tâm ở tỉnh trong vòng 2 tuần tới đưa lượng lao động đó về TP.HCM.

Độc giả Mộc Trà: Em có làm ở công ty nhưng công ty nợ lương và tiền BHXH, công ty mới đóng đến tháng 10/2020, do đó em không nhận được gói hỗ trợ của BHXH. Em cũng đang ở trọ và đợt 1, 2, 3 đều không được nhận và nhất là đợt 3 nói là do đóng BHXH nên không thuộc diện được nhận. Vậy, cho em hỏi trường hợp của em là công ty không đóng tiền BHXH mà tổ trưởng nói là do đóng BHXH nên không được nhận. Nếu như vậy thì em phải làm sao để nhận được hỗ trợ?

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Nguyễn Văn Lâm: Về gói hỗ trợ đợt 3, Thành phố có quy định 55 nhóm. Danh sách đề xuất chi hỗ trợ do địa phương đề xuất và rà soát. Danh sách tham gia BHXH do cơ quan BHXH cung cấp. Theo đó, sẽ lọc ra những trường hợp không tham gia để đưa vào danh sách nhận gói hỗ trợ đợt 3. Có nghĩa là đang hưởng BHXH sẽ không được nhận hỗ trợ. Còn những trường hợp không hưởng BHXH ở thời điểm đó thì sẽ được đưa vào danh sách để nhận hỗ trợ.

Độc giả Nguyễn Hà: Theo khảo sát mới về vấn đề tiền lương, bên cạnh số lao động được giữ nguyên lương, tăng lương chiếm tỷ lệ nhỏ thì người lao động bị giảm từ 20-50%, thậm chí có nơi giảm tới 80%... Điều này cũng khiến người lao động quyết định về quê và băn khoăn khi trở lại TP.HCM tìm kiếm việc làm. Để giải quyết các khó khăn về lương/thu nhập, chế độ làm việc, Thành phố có sự hỗ trợ như thế nào cho DN nhằm thu hút người lao động trở lại làm việc?

Ông Nguyễn Văn Lâm: Thực ra, Nghị quyết 68 của Chính phủ quy định nhiều nhóm, trong đó có nhóm cho người lao động, nhóm cho doanh nghiệp, nhóm cho doanh nghiệp có dạy nghề cho người lao độg. Đối với chính sách, chúng tôi sẽ khảo sát thực tế và kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước về lao động, cụ thể là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Những chính sách đặc thù có liên quan đến từng trường hợp mà có phát sinh ở từng địa phương cụ thể như TP.HCM để đáp ứng nhu cầu của bà con. Trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều hoàn cảnh, trường hợp khác nhau mà một chính sách, một nghị quyết, một nghị định, một thông tư sẽ không thể bao phủ hết mọi vấn đề.

Độc giả Nguyễn Thị Mỹ Trinh: Công ty ép buộc công nhân vào làm khi có ca bệnh thì cho về, tôi cho rằng công ty làm việc không an toàn. Hiện tôi và các công nhân cùng công ty rất lo sợ việc dịch bệnh lây lan rộng trong khu vực sản xuất?

Ông Nguyễn Văn Lâm: Đối với vấn đề quan hệ giữa người lao động và sử dụng lao động, TP.HCM có quy định khi doanh nghiệp muốn hoạt động trở lại thì phải xây dựng bộ tiêu chí an toàn về dịch bệnh. Còn trong quá trình người lao động làm việc thì phải được chi phối bằng pháp luật lao động và các văn bản dưới luật có liên quan.

Cơ quan lao động TP.HCM có bộ phận chuyên trách là thanh tra lao động. Họ sẽ kiểm tra giám sát các doanh nghiệp trên địa bàn về thực hiện Luật lao động để đảm bảo quyền lợi của người lao động tại doanh nghiệp và người sử dụng lao động.

Ở đây nói là công ty ép buộc công nhân vào làm, mình mới chỉ nghe một phía, song, có địa chỉ cụ thể là phường An Phú Đông (Quận 12, TP.HCM). Thế nên, với trách nhiệm là người trong ngành lao động, tôi sẽ trao đổi cụ thể với phòng lao động của quận 12 để tìm hiểu rõ địa chỉ này. Sau đó, họ sẽ thông tin đến số điện thoại để trả lời cho chị. 

PV

Kiệt sức sau đại dịch: Hết tiền, thiếu người... TP.HCM giúp dân thế nào?

Kiệt sức sau đại dịch: Hết tiền, thiếu người... TP.HCM giúp dân thế nào?

Chương trình Dân hỏi - Thành phố trả lời giải đáp những thắc mắc về chủ đề chính sách hỗ trợ cho DN, hộ kinh doanh vay vốn, miễn giảm thuế, chi phí xét nghiệm; kế hoạch mở lại vận tải liên tỉnh, du lịch...