XEM CLIP:

Độc giả Hong Thanh: TP. mở cửa trở lại nhưng tôi thấy hiện nay có rất nhiều DN đang đóng cửa, phá sản, tạm đóng cửa; những DN có điều kiện thì hoạt động cũng không hết công suất và gặp nhiều khó khăn, chi phí tăng. Nguồn vốn của DN đang cạn kiệt dần và nguồn lực ngân sách cũng rơi và thế khó khăn. Xin hỏi TP có kế hoạch để hỗ trợ trực tiếp như thế nào cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi được sống lại?

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM: Trong 8 ngày qua chúng ta bắt đầu phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới. Tuy nhiên, chúng ta phải tổ chức sản xuất kinh tế, làm việc lại nhưng không thể tiêu diệt ngay ngay virus SAR-CoVy-2 này, thậm chí còn có những biến chủng khác. Như vậy, chúng ta phải chấp nhận cùng sống với dịch bệnh trong một thời gian nhất định.

Tôi nghĩ trong điều kiện bình thường mới, tất cả các chủ thể trong xã hội, từ người dân, DN, kể cả Chính phủ đều phải tìm cách thích nghi linh hoạt để tổ chức cuộc sống và phát triển kinh tế một cách hợp lý trong tình hình dịch bệnh. Đứng về góc độ chính sách, về phía TP, để mở cửa được kinh tế, chúng tôi cũng rất trăn trở.

Theo dự định 15/9 chúng ta sẽ thực hiện các bước như ngày 1/10, tuy nhiên đến 15/9 tình hình dịch bệnh có giảm có bớt nhưng chúng ta chưa đủ tự tin nên mới mở lại một số hoạt động, như shipper. Đó là thời gian thử nghiệm. Chúng tôi mỗi người được giao một nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh: về y tế; gói an sinh; khôi phục kinh tế; dự án đầu tư,... làm việc với các hiệp hội đưa ra giải pháp để 1/10 khi dịch bệnh kiểm soát được đến con số nào đó thì cho hoạt động.

Ngày 30/9, Chỉ thị 18 của UBND TP đươc ban hành, trước đó TP có kế hoạch 3066 dự kiến những tình huống, nhiệm vụ cần làm. Từ 1/10, shipper hoạt động nhiều hơn, có thể đi siêu thị trở lại, tới tiệm tóc nếu đã tiêm đủ vắc xin,... Sau 1/10, toàn bộ các DN ở các khu chế xuất, KCN được hoạt động lại với công nhân cơ bản được tiêm 2 mũi vắc xin. Hiện tỷ lệ này chiếm 70-80%. Khu công nghệ cao cũng vậy.

Còn với chuỗi sản xuất lương thực thực phẩm, các DN cung ứng hàng thiết yếu đa số cũng tiêm đầy đủ, ưu tiên để hoạt động. Những người 18 tuổi trở lên hiện hơn 70% đã được tiêm mũi 2. Điều kiện hoạt động lại của chúng ta về cơ bản là đáp ứng.

Ngày 1/10 quay lại sản xuất, công nhân vẫn khó khăn, các cơ sở cũng khó khăn, DN cũng khó khăn, ngân sách TP cũng khó khăn. Toàn bộ dự toán kinh phí phòng chống dịch dù đầu năm cũng tính toán nhưng không ai tiên lượng dịch bệnh lại diễn tiến nhanh và phức tạp như thế này.

Về chính sách hỗ trợ, ngân hàng từ đợt dịch đầu tiên đã có một số chính sách, nay có 3 Thông tư 01, 03 và 14, sẽ giãn nợ, khoanh nợ nhưng không nhảy nhóm nợ, vì đối với ngân hàng nhảy nhóm là lãi suất khác liền. Không nhảy nhóm là một cách hỗ trợ, thay đổi chu chuyển dòng tiền, giúp DN đỡ khó khăn. Các DN có thể tra cứu những văn bản này.

Thời gian qua, chúng tôi cũng đã ban hành nhiều chính sách và đã được thực hiện, nếu có khó khăn các DN phản ánh lại Ngân hàng Nhà nước TP.HCM. Với cá nhân, các hộ kinh doanh, DN nhỏ và vừa, thông qua hệ thống phường, quận, hoặc hệ thống các hiệp hội DN,... sẽ thống kê nhu cầu vốn... 

Trên địa bàn phường cũng có nhiều địa chỉ để tiếp cận nguồn vốn, ví như Hội phụ nữ phường, Hội Liên hiệp Thanh niên, Liên đoàn Lao động của quận (có thể vay 50 triệu đồng tín chấp). Ở mỗi quận huyện còn có hệ thống ngân hàng Chính sách như cho vay hỗ trợ việc làm và duy trì việc làm, cá nhân có thể vay tới 100 triệu đồng, DN có thể vay 2 tỷ, lãi suất cho vay theo quy định, hiện là 7,92%/năm,... Cho vay hộ nghèo, mới thoát hộ nghèo, cận nghèo có thể vay nhiều lần, tổng số không quá 100 triệu đồng/hộ, lãi suất 0,5%/tháng...

Độc giả Alex: Chưa thấy chính sách chi và thực tế doanh nghiệp trước giờ là tự xoay sở, vậy Thành phố có chính sách gì để giúp cho hộ kinh doanh vay vốn? Độc giả Minh Trí: Hiện nay DN cũng cạn tiền rồi, sau 4 tháng chống dịch thì hàng hóa hư hỏng, DN thì đóng cửa vậy nay muốn vay vốn phục hồi thì liên hệ với ai và thủ tục như thế nào?

Bà Phan Thị Thắng: Các hộ kinh doanh, DN nhỏ có thể vay vốn tại Ngân hàng Chính sách, với mức vay, lãi suất và các điều kiện cụ thể. Văn bản này sẽ được đăng tải công khai.

Với các khoản nợ mà không có khả năng chi trả, Thông tư 01, 03 và 14 của Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn cụ thể.

Độc giả Văn Út: Đề nghị TP xem xét nghiên cứu và công bố chính sách hỗ trợ miễn giảm thuế đối với các DN.

Bà Phan Thị Thắng: Vốn giờ đã khó khăn hoặc có thể tiếp cận được, nhưng khi tổ chức lại sản xuất kinh doanh nhưng chưa có lời, lại phải đóng thuế thì rất khó khăn cho DN. Việc này Chính phủ, lãnh đạo TP cũng đã nắm được nên thời gian qua một số chính sách đã được ban hành và một số chuẩn bị ban hành.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021 đã gia hạn thời gian nộp thuế cho các tổ chức, DN, cá nhân, hộ kinh doanh với thuế giá trị gia tăng, thu nhập DN, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021, qua đó giúp các DN thay vì tới cuối tháng, cuối quý đó phải nộp thì được gia hạn tới cuối năm.

Trong Nghị quyết 68 của Chính phủ cũng có chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh có hợp đồng lao động, có đăng ký kinh doanh, có mã số thuế,... được hỗ trợ 3 triệu đồng/lần. TP thực tế cũng đã chi trả.

Đồng thời, để hỗ trợ các DN hoặc các cơ sở kinh doanh có điều kiện Cục Thuế TP sẽ phối hợp với các chi cục thuế quận, huyện sẽ hoàn thuế sớm hơn ngay từ bây giờ thay vì để đến cuối năm. Nếu DN nào đủ điều kiện hoàn thuế VAT hay các khoản thuế theo quy định của pháp luật về thuế đã nộp hồ sơ thì TP đã yêu cầu Cục Thuế, Chi cục Thuế TP tập trung hoàn thuế, kịp thời giúp DN tổ chức sản xuất kinh doanh lại.

Độc giả Vũ Khánh: Hiện nay, chi phí xét nghiệm DN quá cao, trong khi đó DN đang kiệt quệ. Với một số DN đã hết tiền mà còn gánh thêm chi phí xét nghiệm thì họ chịu không nổi. Vậy Thành phố có hiểu, có giải pháp gì hỗ trợ cho chúng tôi không?

Bà Phan Thị Thắng: Câu hỏi này rất đúng với tình hình sản xuất thực tế hiện nay. Thời gian qua, DN gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài chi phí test nhanh, DN còn phải lo nhiều chi phí khác. Khi tổ chức "3 tại chỗ", DN phải lo chi phí  ăn ở, bù đắp cho công nhân... Theo thống kê sơ bộ, chi phí cho 1 công nhân ăn ở tại chỗ khoảng 3-4 triệu/tháng. Một DN hàng nghìn công nhân thì riêng chi phí ăn ở đã quá lớn. Các DN đã rất kiên cường vượt qua khó khăn để tồn tại.

Chúng ta biết những khó khăn của DN. Tuy nhiên, trong tình hình mới, Nhà nước không thể bao cấp tất cả. Theo hướng sản xuất hiện nay, DN xây dựng phương án sản xuất, chủ DN phải đảm bảo để duy trì sản xuất, không mất hợp đồng, phá vỡ chuỗi sản xuất. Để bảo vệ công nhân, chủ DN phải chịu chi phí xét nghiệm. Nhưng xét nghiệm như nào thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, toàn bộ chi phí xét nghiệm, chi phí phát sinh trong công tác phòng chống dịch của DN phải được hạch toán vào chi phí sản xuất.

Chủ DN vận tải: Trong thời gian giãn cách, DN của tôi phải dừng mọi hoạt động kéo dài dẫn tới kinh tế kiệt quệ. Xin lãnh đạo Thành phố cho tôi hỏi khi nào hoạt động vận tải liên tỉnh được hoạt động trở lại?

Bà Phan Thị Thắng: Thành phố rất thấu hiểu và chia sẻ với những DN mà bị tác động mạnh mẽ bởi tình hình dịch bệnh như vận tải, hàng không, du lịch,... Đối với DN vận tải liên tỉnh thì phải chịu sự lệ thuộc vào các tỉnh khác. Xe chạy vào tỉnh nào phải được tỉnh đó đồng ý.

Vừa qua, Sở GTVT và lãnh đạo Thành phố đã chủ động làm việc với các tỉnh, tình hình hiện nay phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh của từng tỉnh để thống nhất về phương án đưa đón hành khách. Sở GTVT đang tính toán và sự kỳ vọng ngày 1/11 tới sẽ tổ chức lại một số tuyến liên tỉnh, rồi dần dần sẽ mở rộng thêm.

Công ty lữ hành Fiditour: Chính sách mở cửa giữa các địa phương chưa đồng bộ gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa dịch vụ. TP có kế hoạch cụ thể nào để tạo sự đồng bộ đó, liên thông với các địa phương nhằm tạo điều kiện cho các DN thực hiện sản xuất, cung ứng kịp thời sản phẩm?

Bà Phan Thị Thắng: Khối lượng lương thực thực phẩm lớn TP tiêu thụ hàng ngày là từ các tỉnh. Chúng ta vẫn duy trì chuỗi cung ứng, tuy nhiên không phải không đứt gãy. Vì chúng ta chỉ duy trì ở mức cơ bản nhất đối với mặt hàng lương thực thực phẩm nói chung, thiết yếu nhất hoặc các tỉnh cũng có dịch bệnh, nông dân không đi thu hoạch được, các chợ và chuỗi cung ứng bị dừng lại nên có đứt gãy.

Hiện nay chúng ta dần tổ chức lại các điểm tập kết, mở lại các chợ đầu mối, vừa rồi TP liên hệ với các địa phương, phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương, Sở Công Thương TP,... tổ chức Hội chợ kết nối các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng.

Về du lịch, thời gian qua gần như hoạt động du lịch của TP và các tỉnh dừng lại hết, chỉ có cơ sở lưu trú được sử dụng làm nơi cách ly F1, F0 và cũng có chính sách đưa bác sĩ vào đó lưu trú, trả theo giá nhà nước. Còn việc tổ chức các tuyến du lịch gần như bằng 0. Để du lịch đi vào hoạt động, lãnh đạo TP đã họp với Sở Du lịch cùng với Hiệp hội Du lịch, trong tháng 10 tính toán chuẩn bị kết nối với các tỉnh.

Hiện TP có tổ chức 2 tour Cần Giờ, Củ Chi tri ân lực lượng tuyến đầu là các bác sĩ, nhưng cần nâng chất lượng phục vụ lên, mở rộng khai thác đường thủy như quận 5, quận 7,... Từ tháng 11 trở đi, sẽ mở rộng ra các tỉnh. Chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo một số địa phương, như Chủ tịch Hà Giang, đã thống nhất nhận khách từ TP.HCM đã tiêm 2 mũi vắc xin, trước khi đi có xét nghiệm âm tính, đến sân bay đi thẳng lên Hà Giang, không phải cách ly.

TP đang tính toán chuyện đưa khách đi các tỉnh du lịch, còn khách đến TP.HCM tâm lý còn ngại. Kỳ vọng đến 2022, nếu kiểm soát tốt dịch bệnh TP sẽ xin đón khách quốc tế. Nếu được tổ chức lại chuyến bay, phía Du lịch cũng đề nghị TP tổ chức đón các chuyến bay hồi hương để phát triển dịch vụ và hoạt động của các cơ sở lưu trú.

Bản thân nội tại TP, mình cũng phải thay đổi để thích ứng tình hình, thay đổi linh hoạt trong thời kỳ bình thường mới.

Độc giả Duy Thắng: Điều lo lắng nhất là người lao động thiếu hụt, rất nhiều người lao động đã về quê do tình trạng khó khăn, bây giờ chúng tôi không biết tuyển người ở nữa. Rất mong rằng Thành phố giải quyết giúp chúng tôi? Độc giả Anh Thư: Bây giờ Thành phố có tổ chức tìm việc làm cho người lao động thất nghiệp vừa qua không?

Bà Phan Thị Thắng: Thiếu lao động đúng là thực trạng của TP.HCM và các tỉnh hiện nay. Những ngày qua chúng ta thấy có một sự di chuyển người dân ở không chỉ riêng TP mà cả các tỉnh về quê rất nhiều. Mặc dù TP.HCM và các tỉnh đều có kế hoạch sẵn, bà con nào muốn về quê thì đăng ký, còn ở lại thì tham gia lao động sản xuất. 

Chúng ta đã gắn bó một thời gian dài, đã trải qua một thời gian rất khó khăn với TP, bây giờ đang mở lại từng bước rồi sao bà con lại đi về. Nhiều khi mình cũng chia sẻ với bà con. 

Cứ nghĩ giống như trải qua một cơn đau ốm bệnh nặng nên muốn về sum họp với gia đình, ai cũng có tâm lý đó. Có những người về sum họp gia đình, ổn định cuộc sống rồi sẽ quay lên, song cũng có thể có người họ sẽ không quay lại vì sợ đô thị của mình quá, muốn ở quê tìm cuộc sống bình yên. Như vậy sẽ có một sự thay đổi về tâm lý và nhu cầu lao động. 

Vừa qua, TP cũng nhận được rất nhiều thông tin người người dân ở dưới quê đăng ký quay trở lại làm việc. Có những ngày số lượng lao động nhận về cao hơn số lượng đăng ký đi ngang. Nhưng không phải là chúng ta không thiếu. 

Khi họp chúng tôi tính toán, hiện nay về nhu cầu lao động thì doanh nghiệp và hiệp hội hoặc các khu công nghiệp đều có những số điện thoại liên hệ tập hợp lại để có danh sách ở các tỉnh. Từ đó chúng ta tổ chức kết nối với nhau đón người lao động từ các tỉnh lên nếu có địa chỉ. Còn với những người muốn có việc làm thì liên hệ với cơ quan cũ để tiếp tục. Nếu không chúng ta sẽ đưa ra các trung tâm giải quyết việc làm của Sở LĐ-TB&XH và của Đoàn Thanh niên - những nơi đó đang hỗ trợ tìm việc miễn phí cho mọi người.  

Độc giả Võ Thị Mai: Tôi về quê 1 tháng và mong muốn trở lại vậy tôi cần thủ tục gì để lên lại TP? Các khu công nghiệp, công nghệ cao tuyển rất nhiều thì tôi lên cần phải làm như thế nào? 

Bà Phan Thị Thắng: Không riêng gì bạn Mai mà sẽ nhiều anh chị khác có nhu cầu trở lại TP làm việc. Tôi nghĩ nếu như ở trên TP rồi, có những cơ quan, những xí nghiệp mà chúng ta đã từng làm thì chúng ta quay lại những vị trí ấy. Còn nếu không, các anh chị phải đăng ký ở địa phương để địa phương tính toán cho chúng ta đi.

Và chưa thấy có anh chị hỏi, nhưng tôi nghĩ có vấn đề mà các anh chị sẽ quan tâm đó là vắc xin. 

Độc giả: Phó chủ tịch UBND TP chia sẻ thêm về chính sách miễn thuế trong quý 3, 4 của TP?

Bà Phan Thị Thắng: Hồi nãy mình có nói tới một số chính sách thuế ở trên. 

Chính phủ rất thấu hiểu, lắng nghe và có hướng giúp cho doanh nghiệp. Theo tôi biết, tới đây sẽ thực hiện giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho đối tượng doanh nghiệp có doanh thu không quá 200 tỷ; thực hiện giảm 30% thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/10/2021 đến ngày 31/12/2021 cho các doanh nghiệp ở một số lĩnh vực. 

Thêm nữa, miễn tiền chậm nộp phát sinh của năm 2020-2021 cho các đối tượng là doanh nghiệp phát sinh lỗ năm 2020. Đó cũng là tin vui.

Điều đặc biệt là sắp tới nghị định được ra, rất có thể tất cả các hộ cá nhân kinh doanh được miễn toàn bộ số thuế phải nộp của quý 3 và quý 4/2021. Đây là chính sách được kỳ vọng mà chúng ta mong muốn Chính phủ ban hành.

Bà có chia sẻ, tâm sự cùng bà con và tính toán mở thêm gì trong những ngày tới?

Bà Phan Thị Thắng: Trong 8 ngày qua, lãnh đạo TP rất mong muốn bà con tiếp tục giữ vững ổn định sản xuất kinh doanh, cố gắng kiềm chế tình hình dịch bệnh trên địa bàn cùng với chính quyền Thành phố để chúng ta dần khôi phục lại, nhanh chóng tiệm cận đến vị trí chúng ta từng đạt được như trước đây.

Từ đây đến ngày 15/10, chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá để nếu như tình hình ổn định thì sẽ tính toán mở thêm một bước nữa. Chúng ta sẽ có những bước mở dần dần, từ đó sẽ không nói là “bình thường mới” mà là trở lại trạng thái “bình thường”.

Chính quyền Thành phố đang hết sức cố gắng để cùng mọi người tháo gỡ từng bước, bởi chúng ta đang trải qua vấn đề chưa bao giờ có tiền lệ. Thế nên, chúng ta đều hoạt động bằng tất cả trách nhiệm và trái tim để giúp cho kinh tế Thành phố phát triển.

PV

Quyết nhanh để cứu dân: Quy định 1 tháng phải cố xong trong vài ngày

Quyết nhanh để cứu dân: Quy định 1 tháng phải cố xong trong vài ngày

Chương trình Dân hỏi - Thành phố trả lời trên fanpage của Trung tâm Báo chí TP.HCM và fanpage Thông tin Chính phủ tiếp tục giải đáp thắc mắc về chủ đề "hỗ trợ doanh nghiệp", "tiêu chí nào để đánh giá an toàn" và "bán hàng qua shipper".