- Không triển khai trồng cây mắc ca trên quy mô lớn, tại các khu vực chưa được trồng khảo nghiệm khẳng định hiệu quả. Tổng diện tích cây mắc ca cả nước đến năm 2020 khoảng 10.000 ha.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và UBND các tỉnh, thành về vấn đề trồng và phát triển cây mắc ca, Bộ NN-PTNT đã khuyến cáo như vậy để tránh rủi ro cho nông dân.
Cụ thể, Bộ NN-PTNT cho rằng, do mắc ca là cây trồng mới, quá trình khảo nghiệm lại cho kết quả khác nhau; mặt khác, cần xem xét kỹ vấn đề về chế biến, thị trường nên Bộ này chưa đủ căn cứ khoa học để phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca; quy trình nhân giống, chăm sóc, công nghệ chế biến đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Vì vậy, Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương trước mắt hướng dẫn nông dân trồng mắc ca ở những nơi đã khảo nghiệm thành công hoặc có điều kiện tương tự. Không phát triển cây mắc ca trên quy mô lớn khi chưa được khảo nghiệm.
Trong dự thảo về phát triển cây mắc-ca có số liệu Việt Nam đã quy hoạch trồng 200.000 ha ở Tây Nguyên và 30.000 ha ở Tây Bắc, nhưng báo cáo lên Thủ tướng, Bộ NN-PTNT khẳng định chưa đủ căn cứ để phê duyệt. |
Đến năm 2020, tổng diện tích cây mắc ca ở Việt Nam chỉ vào khoảng 10.000 ha, bao gồm cả trồng tập trung và trồng xen canh.
Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý chất lượng giống, cơ sở sản xuất giống, chỉ cho phép trồng cây mắc ca được nhân giống vô tính từ các dòng có năng suất, chất lượng cao đã được công nhận. Đồng thời, ngăn ngừa, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cung ứng kinh doanh giống mắc ca không đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật.
Từ năm 2002, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vi chức năng trồng khảo nghiệm ở 16 địa phương trong cả nước, với tổng diện tích 35 ha, trong đó 30 ha đã ra hoa kết quả. Kết quả bước đầu cho thấy mắc ca có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt tại các điểm trồng khảo nghiệm, nhưng tỷ lệ đậu quả, sản lượng quả lại khác nhau. Ở các mô hình khảo nghiệm, sản lượng hạt tươi cao nhất vào năm thứ 10 (17,5-21 kg/cây) tương đương 3,9-4,7 tấn/ha/năm, thấp nhất đạt 9,4-12,4 kg/cây, một số điểm cây không đậu quả.
Cây mắc ca hiện nay được trồng nhiều ở Úc, Mỹ, Nam Phi,... Nhiều nước đang mở rộng diện tích trồng cây mắc ca và ở Việt Nam được coi là cây “tỷ đô”, cây thoát nghèo cho bà con các vùng cao, đặc biệt là vùng Tây Nguyên và Tây Bắc.
Bảo Hân