- Rủ vợ, cõng con, trốn bỏ làng quê đi giữa đêm để đến vùng đất mới lập nghiệp, giờ ông Bùi Văn Mướp được người dân làng Mường nơi đại ngàn Trà My (Quảng Nam) phong là thành hoàng ngay khi còn sống.
Cuộc trốn chạy giữa đêm
Hơn 28 năm trôi qua khi đã giàu có trên quê hương mới nơi miền rừng Trà Giang, huyện Bắc Trà My, ông Bùi Văn Mướp (58 tuổi) - vẫn còn nhớ như in cái đêm hai vợ chồng ông cõng con chia nhau trốn chạy giữa đêm rời xã Miền Đồi, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đi tìm vùng đất mới lập nghiệp.
Đó là vào dịp Tết năm 1987, ông Mướp vào Quảng Nam thăm người em ở rể tại thị trấn Trà My. Suốt gần một tháng trời, ông theo chân người em đi rừng săn thú, ra sông Tranh đánh bắt cá.
“Lần đầu theo đứa em rể, tui đứng ngẩn ngơ nhìn vùng đất đẹp mà quên lối về. Trong đầu tui hình dung sẽ lập làng, khai hoang ruộng nước thì ăn đứt so với ở quê” - ông Mướp nhớ lại.
Quyết định ở lại, ông dựng nhà và bắt đầu công cuộc khai phá. Sau hơn 2 năm trời cần mẫn khai hoang ruộng nước, cuộc sống đã tạm ổn, lúa gạo đã đầy kho, ông Mướp hạ sơn, bắt xe về quê báo với vợ con về vùng đất “thiên đường”. Vợ ông đồng ý theo chồng “Nam tiến”.
Một ngôi nhà sàn trong làng Mường |
Ông Bùi Văn Mướp bên cây lát hoa Tổ của làng được ông trồng hơn 27 năm nay trở thành cây vô giá của làng |
“Thành hoàng làng” Bùi Văn Mướp và vợ |
Hay tin ông dắt vợ con bỏ làng, anh em chòm xóm ra sức can ngăn, mắng chửi. Có người bảo ông bị điên, bị ma ám. Lại có người bảo, ông trúng phải bùa mê thuốc lú. Mặc kệ, ông quyết đưa vợ con vào vùng đất mà mình đã chọn.
Vợ ông, bà Bùi Thị Vũ, kể thêm: “Vợ chồng tui có 5 đứa con, 2 đứa đã lập gia đình nên chỉ còn 3 đứa nhỏ. Ngày chúng tôi quyết định ra đi, vợ chồng hai đứa lớn và anh em kiên quyết ngăn cản”.
“Tụi tôi và 3 đứa con trốn làng ra đi giữa đêm. Nhiều lần bỏ đi bị phát hiện và bắt trở lại. Nhưng vào một đêm cuối tháng 3/1989, để tránh bị phát hiện, tui đưa đứa con út giả đi chợ xuống chờ ở bến xe, giữa khuya ổng đưa 2 đứa còn lại trốn khỏi làng và gặp nhau ở điểm hẹn. Lần trốn chạy đó đã thành công, cả nhà 5 người đoàn tụ nơi vùng đất mới Trà My”.
Trong vòng 3 năm, vợ chồng ông Mướp khai 1 ha đất canh tác, thứ trồng lúa nước, thứ trồng khoai sắn... Cái ăn đã no đủ, ông bà lên rừng chặt cây làm nhà. Một căn nhà sàn 1 gian, 2 chái mọc lên. Thấy vợ chồng làm ruộng giỏi, những người bản địa đến học trồng lúa, ông bà không ngại dạy bảo. Cũng vì thế, từ lúa nương, bà con nơi đây chuyển sang trồng lúa nước cho năng suất cao.
Đầu năm 1993, khi cuộc sống ổn định, ông bà về lại quê cũ mời anh em, làng xóm vào chơi. Khi đến nơi, họ cũng không tin nổi gia đình ông bà có được cơ ngơi như vậy. Nhiều người cũng muốn vào đây lập nghiệp và xây dựng một làng Mường trù phú. Trong số đó, không ít người trước đã ra sức ngăn cản ông bà. Sau hơn 28 năm, làng Mường giờ có hơn 100 hộ.
Ông Bùi Văn Tuấn, một người dân trong làng, kể: Để có cuộc sống ấm no đủ đầy và làm giàu trên quê hương mới như ngày nay, bà con trong làng quyết định phong cho ông Bùi Văn Mướp là “thần hoàng” của làng, mặc dù ông vẫn còn sống, mới 58 tuổi, để ghi nhớ công ơn của ông.
Những khu rừng lát hoa triệu USD
Để trả nợ cho rừng và tri ân vùng đất mới, ngay những ngày đầu tiên, ông Mướp đã không quên mang theo giống cây lát hoa quí hiếm của vùng đất quê hương vào trồng tại vùng đất mới.
Rừng lát hoa triệu USD ở làng Mường huyện Bắc Trà My. |
Những cây lát hoa ban đầu ấy giờ trở thành cây Tổ, phủ kín những cánh rừng quanh làng suốt mấy chục năm nay và trở thành tài sản vô giá. Dân làng thôn 6 xã Trà Giang, Bắc Trà My coi đó là của để dành cho cháu con đời sau. Bất kỳ gia đình nào cũng có “của để dành”, càng để lâu càng có giá trị.
Ôm cây lát hoa hơn 27 năm tuổi, ông Mướp kể: “Đã có nhiều người đến mua nhưng tui không bán. Nó là sản vật quê hương, cũng là cây Tổ của lát hoa ở đây. Hiện làng Mường có tổng cộng khoảng 8 ha, nhà ít vài chục cây, nhà nhiều trồng hàng nghìn cây”.
“Gỗ lát hoa bền chắc, không bị mối mọt, lại dẻo dai dễ cho thợ mộc uốn nắn. Gỗ có màu tươi, sáng, thớ mịn, nhiều vân đẹp. Vân gỗ lát hoa đẹp như mây khói, như hoa dong đỏ, chỗ nhặt chỗ thưa, mỗi loại vân có nét đẹp riêng. Bởi vậy nên mới gọi là lát hoa” - ông Mướp khoe.
Trong làng, trồng nhiều lát hoa nhất phải kể đến hộ gia đình ông Bùi Văn Tới (59 tuổi).
Mặc dù vào Trà My sau ông Mướp, nhưng đến nay, ông Tới đã trồng được hơn 2.000 cây lát hoa. Cây to khoảng một người ôm. Đã có người đến hỏi mua với giá hơn 10 triệu đồng/m3, nhưng ông Tới từ chối.
Dẫn chúng tôi đến ngọn đồi trồng lát hoa, ông Tới cho hay: Vườn lát hoa của ông đã gần 20 năm tuổi, đường kính 30-50cm, từ gốc đến ngọn thẳng tắp, dài nên lượng gỗ sử dụng nhiều.
Ông Tới bấm đốt ngón tay tính, khoảng 10 năm tới, cả rừng lát hoa của ông bình quân mỗi cây hơn 2 m3, giá thấp nhất 10 triệu m3 thì ông có trong tay hơn 40 tỷ đồng. Đó chính là tài sản ông để lại cho cháu con sau này.
Chủ tịch UBND xã Trà Giang Lê Tài cho biết: Cái đói nơi đây đã được đẩy lùi. Điều đáng quý là bà con người Mường có ý thức bảo vệ rừng và chính họ đã di thực cây gỗ quí lát hoa vào trồng, nay cho hiệu quả kinh tế cao. Bây giờ làng Mường ở Trà Giang thành làng kiểu mẫu của huyện”.
Vũ Trung