Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết, phía Washington đề xuất họp trực tuyến vì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không định dự hội nghị G20 vào cuối tháng này, vì vậy hai nhà lãnh đạo sẽ không thể gặp nhau trực tiếp tại sự kiện.

{keywords}
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden bên trong Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hồi tháng 12/2013. Ảnh: Reuters  

Nhà Trắng đưa ra thông báo về kế hoạch trên sau cuộc họp kéo dài 6 giờ đồng hồ giữa Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì ở Zurich, Thụy Sĩ, hôm 6/10. Đây là cuộc gặp cấp cao nhất giữa giới chức hai bên kể từ hội nghị băng giá ở Alaska hồi tháng 3, nơi ông Dương Khiết Trì công khai chê trách Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và ông Sullivan vì đã phản đối Bắc Kinh về nhiều vấn đề. 

Mục tiêu chính của cuộc gặp ở Zurich là cải thiện liên lạc giữa hai gã khổng lồ toàn cầu và tránh những hiểu lầm không đáng có, với suy nghĩ rằng "sự cạnh tranh gay gắt này... thực sự đòi hỏi phải tăng cường ngoại giao". Và theo CNN, hội nghị trực tuyến giữa ông Tập và ông Biden được đánh giá là một bước quan trọng tiến tới đạt được mục tiêu đó.  

Trao đổi với hãng tin CNBC ngày 7/10, ông Evan Medeiros – cựu cố vấn cấp cao thời Tổng thống Barack Obama về châu Á – Thái Bình Dương – nhận định một cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Trung có thể là cách tốt nhất để tìm ra con đường tiến về phía trước trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Ông cho rằng, chỉ có lãnh đạo cấp cao nhất ở Bắc Kinh mới có thể giúp giải quyết những vấn đề gây tranh cãi nhất ở trung tâm của cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc.

"Thực sự không có cách tiếp cận nào khác vào thời điểm này mà có cơ hội làm việc tốt như vậy…", ông Medeiros, hiện là giáo sư về các nghiên cứu châu Á tại Đại học Georgetown, bình luận. "Tôi nghĩ rằng chính quyền Biden có lý khi nói rằng không phải họ muốn cắt bỏ khâu trung gian mà là họ muốn thông qua cuộc gặp cấp cao nhất giữa ông Tập và ông Biden để thiết lập sắc thái và đường hướng chung của mối quan hệ".

Trong những năm vừa qua, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đối mặt rất nhiều sóng gió. Hai bên tranh cãi về một loạt vấn đề, từ thương mại và công nghệ đến nhân quyền và nguồn gốc đại dịch Covid-19. CNBC dẫn lời các chuyên gia cho rằng, kể cả khi liên lạc được cải thiện, hai bên cũng chưa thể thể xóa bỏ hết những căng thẳng.

Scott Kennedy thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) có trụ sở ở Washington DC chỉ ra rằng, hội nghị trực tuyến giữa ông Biden và ông Tập được mong đợi báo hiệu một “sự tan băng hạn chế” trong quan hệ song phương. Tuy nhiên, nó sẽ giúp ổn định sự cạnh tranh Mỹ - Trung và giúp cả hai bên tránh được những tai nạn. 

"Nếu có một số mặt tích cực xuất hiện thì thật tuyệt vời, nhưng đây sẽ không phải là sự tan băng lớn trong mối quan hệ", ông Kennedy nhận định.

Theo thông cáo của Nhà Trắng, các vấn đề được bàn bạc ở hội nghị Zurich giữa ông Sullivan và ông Dương Khiết Trì bao gồm hành động của Trung Quốc liên quan đến đảo Đài Loan. Và Đài Loan "chắc chắn" sẽ xuất hiện trở lại ở cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến của ông Biden và ông Tập.

Cựu cố vấn Medeiros nhận định Đài Loan sẽ là một vấn đề "rất, rất thách thức" đối với Mỹ và Trung Quốc.  

Thanh Hảo  

Ông Biden và Chủ tịch Trung Quốc lên lịch họp thượng đỉnh trực tuyến

Ông Biden và Chủ tịch Trung Quốc lên lịch họp thượng đỉnh trực tuyến

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã đạt sự đồng thuận về việc tổ chức họp thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình.