Tăng thu từ nền tảng số

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, theo Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, xác định bội chi thực hiện theo nguyên tắc, trong giai đoạn 5 năm tới là 3,7%.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay cần đưa ra gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên phải chấp nhận bội chi tăng lên. Còn sau đó khi nền kinh tế đi vào ổn định, phát triển thì giảm tỉ lệ bội chi.

Hiện Bộ Tài chính đang tính toán gói kích cầu, kích thích kinh tế theo hướng đề xuất đưa ra một số chính sách tài khóa.

{keywords}
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

Ông Phớc cho biết gói kích cầu như là hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp ở một số ngành nghề nhất định và một số công trình trọng điểm, có thể từ 10.000 - 20.000 tỉ đồng. Hai là phát hành công trái, trái phiếu ngoại tệ trong nước.

Đồng thời, để tăng thu cho ngân sách sẽ tập trung vào tăng thu từ nền tảng số, tức là tập trung vào thu thuế ở các nền tảng số mà lâu nay còn dư địa như bán hàng online, các nền tảng xuyên biên giới.

Gắn với đó là đẩy mạnh các hoạt động chống chuyển giá trốn thuế. Thực hiện thắt chặt chi tiêu, như giảm 10% chi thường xuyên, tiết kiệm 5% chi công tác phí, hội nghị.

“Tổng các gói đang thiết kế nên chưa số lượng cụ thể, còn cơ quan tham mưu đưa ra nhiều phương án để trình các cấp” - ông Phớc nêu quan điểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho hay Chính phủ đang xây dựng chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế, với các gói kích thích, hỗ trợ nền kinh tế để tới đây trình ra Quốc hội.

{keywords}
Ông Nguyễn Phú Cường trao đổi bên hành lang Quốc hội

Ông lưu ý các gói chính sách, kích thích kinh tế mà Chính phủ xây dựng phải đủ lớn để phục hồi nền kinh tế. Các gói kích thích kinh tế phải vừa liên quan chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, biện pháp triển khai thực hiện gắn với tình hình hiện nay.

Phải mạnh dạn bơm thêm tiền cho doanh nghiệp

Ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân đánh giá, khả năng phục hồi kinh tế lần này sẽ không nhanh như năm 2020.

Ông phân tích, sau lần giãn cách năm 2020 doanh nghiệp không bị phá sản, các nhà máy chỉ tạm thời đóng cửa, các hoạt động kinh doanh dịch vụ trong nước vẫn phát triển bình thường nhưng lần này sau 4 tháng đóng cửa thì rất nhiều doanh nghiệp cũng phải ra đi, bây giờ cho phép cũng không hoạt động được, rồi rất nhiều lao động cũng về quê.

Ông cho rằng đây là sự thiếu hụt các yếu tố tạo ra tăng trưởng. "Phải có các gói kích thích kinh tế để tạo nguồn lực tự nhiên, cụ thể ở đây là vốn" - lời ông Cường.

{keywords}
Ông Hoàng Văn Cường trả lời VietNamNet

"Gói chính sách lãi suất là vô cùng hợp lý và cần thiết trong năm 2022... Chúng ta phải mạnh dạn dùng chính sách hỗ trợ lãi suất để bơm thêm tiền cho doanh nghiệp. Tất nhiên bơm tiền lúc này thì nó sẽ xảy ra tình lạm phát tăng lên không thể giữ lạm phát dưới 4% được.

Mục tiêu đó không đạt được, nhưng chúng ta đừng lấy thành tích đó để nền kinh tế ko phục hồi. Nhìn ra cả thế giới, quốc gia nào cũng phải bơm tiền ra để hỗ trợ cho doanh nghiệp, kích cầu nền kinh tế", ông nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, ông Cường cho rằng cần có các gói kích cầu. Chính phủ hiện nay đang đưa ra một số gói kích cầu như: Hỗ trợ DN, người lao động mất việc làm, thậm chí là gói 38 ngàn tỷ lấy từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để trả cho người lao động.

"Đấy chính là cách để giúp cho người lao động có thêm nguồn tiền để tăng kích cầu tiêu dùng. Vì thị trường tiêu dùng trong nước vô cùng quan trọng đến tăng trưởng kinh tế", đại biểu nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông cũng lưu ý, phải kích cầu tiêu dùng Chính phủ. Cụ thể, Chính phủ phải tăng cầu tiêu dùng như tăng mạnh đầu tư công của Chính phủ. "Trong năm 2021 đầu tư công tăng rất chậm, nếu không tăng nhanh thì không có nguồn lực để bơm vào nền kinh tế, không tạo việc làm cho dự án đấy và không tạo ra việc làm cho DN", ông Cường phân tích.

Thậm chí đại biểu Hà Nội còn cho rằng, Chính phủ phải mạnh dạn hơn nữa đặt hàng cho các tập đoàn, các DN, các nhà đầu tư tư nhân tạo dựng lại các sản phẩm, đặc biệt vấn đề liên quan đến phát triển các hệ thống hạ tầng như hạ tầng cốt lõi mà nó làm thay đổi được trạng thái nền kinh tế.

"Chẳng hạn như đường sắt đang rất cần thiết và rất thiếu. Hay công nghiệp dịch vụ về kinh tế biển chúng ta rất thiếu, tại sao không mạnh dạn đầu tư, để đặt hàng cho các nhà đầu tư tư nhân", đại biểu dẫn chứng.

Theo ông, nếu làm được việc đó thì nó vừa tạo ra được các ngành kinh tế trọng điểm, trụ cột cho đất nước nhưng đồng thời tạo công ăn việc làm, tạo tiền để phục hồi kinh tế.

Nói về việc cần một kỳ họp bất thường của Quốc hội để thảo luận vấn đề này, ông Cường cho rằng, khi có những sự kiện bất thường thì Quốc hội vẫn được quyền họp, vẫn có quyền ra nghị quyết.

"Nếu như cần có quyết sách mạnh thì phải có một Nghị quyết của Quốc hội thì tôi nghĩ rằng việc tổ chức thêm kỳ họp Quốc hội là cần thiết. Nếu không cần thiết phải có những nghị quyết của Quốc hội mà chỉ là để các đại biểu Quốc hội được tham gia ý kiến thì có thể tổ chức các cuộc họp sinh hoạt chuyên đề không phải bắt buộc phải họp Quốc hội", ông Cường nói.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng trước nguy cơ lỡ nhịp phục hồi tăng trưởng, kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu, thì cần có gói chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội với quy mô lớn hơn.

{keywords}
Ông Vũ Tiến Lộc

Theo ông, gói chính sách này cần phải vừa đảm bảo cứu được các doanh nghiệp, kích thích được động lực tăng trưởng mới. Đặc biệt đặt trong bối cảnh chiến lược tổng thể, quá trình tái khởi động kinh tế, thì cần có một chương trình ngắn hạn phục hồi kinh tế triển khai thực hiện năm 2022-2023.

“Quốc hội, Chính phủ phải đề ngay ra được tái cấu trúc, phục hồi nền kinh tế 2 năm tới. Bên cạnh sự yểm trợ về tài khoá, tôi muốn đề xuất trong giai đoạn phục hồi kinh tế 2 năm tới thì nên có ban hành cơ chế đặc thù về các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp đơn giản nhất, giảm thanh tra kiểm tra, tạo môi trường thuận lợi cho hồi phục sản xuất kinh doanh”, ông Lộc đề nghị.

Trần Thường - Thu Hằng

Thủ tướng: Tăng cường năng lực quản trị quốc gia để phục hồi kinh tế - xã hội

Thủ tướng: Tăng cường năng lực quản trị quốc gia để phục hồi kinh tế - xã hội

Chiều 24/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ cho ý kiến về dự thảo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.