- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, năm tới, Việt Nam sẽ ban hành chương trình SGK mới cho trẻ em cấp 1, “khuyến khích sáng tạo hơn, tôn trọng truyền thống nhưng phải dám nghĩ khác, dám đặt câu hỏi cho giáo viên”.
Tham gia phiên thảo luận về “Tương lai việc làm châu Á” tại WEF ASEAN hôm nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dành nhiều thời gian để nói về đổi mới giáo dục cho trẻ em và "học tập suốt đời" cho người lớn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự phiên thảo luận về tương lai việc làm ở ASEAN. Ảnh: Phạm Hải |
Đổi mới mạnh mẽ việc học từ bé tới già
Ông Warren Jude Fernandez - Tổng biên tập Straits Times, người điều phối phiên thảo luận mời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói về giới trẻ Việt Nam trong thời đại công nghệ 4.0.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: Theo điều tra, người dân nói chung, đặc biệt là giới trẻ, rất lạc quan về cuộc cách mạng 4.0, đương nhiên đi kèm với đó là những thách thức. Khi đối phó với những thách thức mới của lao động, phải đẩy mạnh học tập suốt đời, học tập cho người lớn.
Theo Phó Thủ tướng, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại rất nhiều nghề mới, nhưng rất nhiều nghề sẽ bị thay thế, trong đó đặc biệt những nghề Việt Nam có tỉ trọng lao động lớn như dệt may, da giày, xây dựng, ngành điện tử...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Phạm Hải |
Để đối phó với thách thức mới của lao động, sẽ phải đẩy mạnh học tập suốt đời, học tập cho người lớn.
“Chúng tôi đang đẩy mạnh cải cách giáo dục, dù giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao, nhưng cũng phải đổi mới. Phải làm cho các em học sinh biết được thế giới tương lai là khó đoán định. Một mặt tôn trọng văn hoá truyền thống, mặt khác cũng cần nghĩ khác, dám đặt câu hỏi ngược lại, thay vì chỉ biết vâng lời. Phải đổi mới mạnh mẽ việc học từ bé tới già”, Phó Thủ tướng bày tỏ.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam hiện có rất nhiều dự án khác nhau, kể cả liên quan đến hệ thống bằng cấp trong trường phổ thông, đổi mới trên tinh thần tương thích với khung trình độ ASEAN, sau đó là quốc tế. Cần tiến tới hợp tác với nhau, công nhận bằng cấp của nhau, chia sẻ học liệu, kinh nghiệm để học được cái tốt nhất của nhau.
Cũng theo Phó Thủ tướng, năm tới đây, Việt Nam sẽ ban hành chương trình sách giáo khoa mới cho trẻ em cấp 1, “khuyến khích sáng tạo, nhiều STEM (Science - khoa học, Technology - công nghệ, Engineering - kỹ thuật và Maths - toán học) hơn, tôn trọng truyền thống nhưng phải dám nghĩ khác, dám đặt câu hỏi cho giáo viên”.
Phó Thủ tướng thông tin, với người già và mọi người dân, đang có một chương trình xây dựng môi trường tri thức Việt số hóa, biên tập lại thành câu hỏi và câu trả lời đơn giản cho mọi lứa tuổi.
"Chúng tôi cố gắng tạo một kho dữ liệu và khuyến khích các startup khai phá kho dữ liệu đó để tạo ra các ứng dụng thông minh cho mọi người. Đó là sự nghiệp của các bạn startup, nhưng là cơ hội học tập cho tất cả mọi người. Nếu làm tốt thì tất cả mọi người đều có thể học được" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tới đây sẽ mở rộng diện bao phủ của smartphone để mọi người không cần đến trường vẫn có thể học được.
Thay đổi liên tục để cập nhật công nghệ 4.0
Bà Vivian Lau - Chủ tịch JA châu Á Thái Bình Dương nhận định: Cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng của con người, mà bản chất của nó là cách mạng về giáo dục. Rất nhiều người trẻ có trình độ tốt, nhưng kỹ năng không còn phù hợp, nên cần phải linh hoạt và thay đổi liên tục để cập nhật công nghệ 4.0.
Bà Francesca Chia, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Tập đoàn GoGet. Ảnh: Phạm Hải |
Bà Vivian Lau, Chủ tịch JA châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Phạm Hải |
“Có một số quan ngại về giới trẻ không có sự chuẩn bị tốt cho tương lai. Không ai có thể trở thành bậc thầy trong tất cả mọi lĩnh vực, cũng không ai dự doán được tương lai. Cách mạng 4.0 đòi hỏi con người phải học tập không ngừng nghỉ, nhưng ngoài học vấn cần có kỹ năng mềm, có tinh thần nhân văn trong mỗi con người” - bà Vivian Lau lưu ý.
Ông Haoliang Xu - người phụ trách Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương nêu: Các bậc phụ huynh cần chuẩn bị cho con cái thích ứng với sự thay đổi của tương lai. Cần có tư duy mới, tư duy mở hơn để thúc đẩy tư duy của con cái, áp dụng khoa học công nghệ và các kỹ năng mềm.
“Một đôi giày chỉ có thể dùng cho một người chứ không thể dùng chung cho nhiều bàn chân. Mỗi người đều có những đặc điểm riêng, mỗi quốc gia có những khác biệt chứ không cùng mặt bằng, không phát triển đồng đều” - ông Haoliang Xu nói.
Thủ tướng: Việt Nam muốn là bạn của những người giỏi nhất
Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất trong toàn cầu hóa, nhưng muốn là bạn của những người giỏi nhất - Thủ tướng chia sẻ.
Quyền Bộ trưởng TT&TT: Cách mạng 4.0 tạo cơ hội cho ai dám thay đổi
Theo quyền Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, CMCN 4.0 sẽ tạo cơ hội cho sự phát triển bứt phá, cho những ai dám chấp nhận thay đổi.
Bộ trưởng 26 tuổi gây sốt: Theo đuổi đam mê sẽ làm điều kỳ diệu
Bộ trưởng trẻ tuổi nhất Malaysia sáng nay tham dự sự kiện đầu tiên của hội nghị WEF ASEAN 2018.
Cách mạng công nghiệp 4.0 định nghĩa lại chúng ta là ai
Chủ tịch điều hành WEF khẳng định, CMCN 4.0 không chỉ ảnh hưởng tới cách sống của con người mà còn định nghĩa lại chúng ta là ai.
Nguyễn Hiền