Tối 12/9, tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự buổi Lễ. Tham dự Lễ phát động còn có Lãnh đạo các Bộ, ngành và 63 tỉnh/thành phố trên cả nước thông qua cầu truyền hình trực tuyến.

Theo đó, chương trình “Sóng và máy tính cho em” sẽ được Bộ TT&TT cùng Bộ GD&ĐT phối hợp triển khai. Mục tiêu chương trình nhằm giúp hàng triệu em nhỏ có thể học tập trực tuyến tại các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16, đồng thời thúc đẩy phát triển xã hội số.

Chương trình "Sóng và máy tính cho em" được xây dựng với mục tiêu hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến và thúc đẩy phát triển xã hội số.

{keywords}
Lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Các nội dung chính của chương trình bao gồm việc triển khai hạ tầng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu kết nối phục vụ việc dạy và học trực tuyến, vận động cung cấp, hỗ trợ máy tính, các thiết bị công nghệ, nền tảng công nghệ, dịch vụ viễn thông cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 và triển khai học trực tuyến.

Ngoài ra, chương trình còn phát động việc tổ chức triển khai, vận động, kêu gọi mọi nguồn lực trong xã hội để hướng tới mục tiêu 100% trường học, giáo viên, học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ về hạ tầng, nền tảng, máy tính và các phương tiện phục vụ cho việc dạy và học trực tuyến, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số.

Ý tưởng từ cuộc gọi của Thủ tướng lúc 0 giờ

Phát biểu khai mạc lễ phát động, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ý tưởng về chương trình “Sóng và máy tính cho em” xuất phát từ một cuộc gọi lúc 0h15’ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Khi Covid-19 ập đến và giãn cách xã hội, các em học sinh là những người đầu tiên phải ở nhà, phải học trực tuyến dù hàng triệu em nhỏ không có máy tính. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” chính là lời giải tốt nhất cho câu chuyện này.

Với chủ trương đúng và do tính nhân văn của chương trình, chỉ trong vòng chưa đến 5 ngày, “Sóng và máy tính cho em” đã chứng kiến những thành quả đầu tiên với 1 triệu chiếc máy tính được đóng góp.

Sóng, Internet, máy tính và ước mơ về một xã hội số

Ba cấu phần chính của “Sóng và máy tính cho em” là có sóng, có Internet đến tất cả các hộ gia đình Việt Nam và có máy tính cho các em thuộc các hộ nghèo, cận nghèo.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, với những chiếc máy tính được trao tặng, chính các em sẽ giúp cha mẹ mình lên môi trường số, mua bán trên các sàn thương mại điện tử, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhận tiền, chuyển tiền qua chiếc điện thoại. Đây là cách để chuyển đổi số cho tất cả các hộ gia đình, xây dựng xã hội số.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.

Việt Nam hiện còn đến 2.000 điểm lõm sóng. Bộ TT&TT đang chỉ đạo các nhà mạng khắc phục các điểm lõm sóng Internet tại những địa phương giãn cách xã hội ngay trong tháng 9 và xa hơn nữa là không còn điểm lõm sóng trên toàn quốc sau năm 2021.

Học trực tuyến tiêu tốn rất nhiều băng thông. Đây là khoản chi phí không nhỏ cho các hộ gia đình nghèo. Trước mắt, từ nay đến hết năm 2021, các nhà mạng đã thống nhất miễn phí cước viễn thông di động học trực tuyến cho các máy tính thuộc chương trình.

Ở giai đoạn một, chương trình sẽ kêu gọi 1 triệu máy tính cho em. Đó sẽ là những chiếc máy tính bảng để phục vụ học trực tuyến, thiết bị mà với mức giá tối thiểu thôi cũng vượt quá khả năng chi trả của nhiều hộ nghèo.

"Một chiếc máy tính bảng cũ có thể bị chúng ta bỏ quên ở đâu đó, nhưng lại có thể giúp thay đổi cuộc đời của một em học sinh, giúp em đi học những ngày giãn cách, giúp em tiếp cận kho tri thức nhân loại, giúp các em lớn lên với đầy đủ tri thức để cống hiến lại cho cuộc đời".

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” kêu gọi mọi người dân Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp toàn quốc hỗ trợ các em nhỏ nhằm thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và với tương lai đất nước.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Cho đi hay giữ lại? Cho đi hay mang đi? Đó luôn là một trong những câu hỏi mang tính người nhất. Mà rồi ai trong số chúng ta cũng có lúc phải đặt ra cho mình. Người nghèo sẽ không bao giờ nghèo mãi nếu họ được giúp đỡ đúng lúc và đúng cách".

“Sóng và máy tính cho em” đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục

Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao sáng kiến cũng như kế hoạch thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em” và biểu dương các nhà mạng viễn thông, các công ty công nghệ, các tổ chức, cá nhân mặc dù còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, nhưng với tinh thần tương thân tương ái, đã sẵn lòng hỗ trợ chương trình.

Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai, vận động, kêu gọi mọi nguồn lực trong xã hội để ủng hộ, nhân rộng Chương trình trên toàn quốc, góp phần hướng tới mục tiêu 100% trường học, giáo viên, học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ về hạ tầng, nền tảng, máy tính và các phương tiện khác phục vụ cho việc dạy và học trực tuyến, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số.

Thủ tướng cũng hoan nghênh các doanh nghiệp viễn thông đã có chính sách ưu đãi về giá cước, về lưu trữ dữ liệu phục vụ việc dạy và học và đặc biệt là có kế hoạch nhanh chóng xóa các vùng lõm về sóng di động.  

{keywords}
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em".

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đối với việc dạy và học trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng ta cần đánh giá tác động về nhiều mặt để có phương án giải quyết từng vấn đề căn cơ trước mắt và lâu dài.

Một trong những vấn đề nảy sinh khi tổ chức dạy trực tuyến tại những địa phương chịu ảnh hưởng của dịch bệnh là thiếu thiết bị và thiếu sóng. Điều này có thể dẫn tới hệ quả thiếu công bằng trong tiếp cận giáo dục, ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học.

“Sóng và máy tính” là phương thức học tập mới mang tính tình thế nhưng phù hợp trong điều kiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội để các cháu, nhất là các cháu ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện học tập bình đẳng trong tiếp cận kiến thức.

Chương trình Sóng và máy tính cho em do Chính phủ phát động, Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT và các địa phương vì thế có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc.

{keywords}
Lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” cũng diễn ra tại điểm cầu Bộ GD&ĐT. 

Ngoài việc hỗ trợ các cháu có hoàn cảnh khó khăn, chương trình “Sóng và máy tính cho em” còn góp phần đưa chúng ta tiến tới cuộc sống Internet ở những vùng còn chưa có sóng và nâng cao chất lượng sóng nhằm ứng dụng, phát triển khoa học trong giáo dục, nâng cao dân trí, mở mang tri thức xã hội, nhất là phát triển xã hội số.

Tuy nhiên, song song với đó, chúng ta cũng cần có những giải pháp phù hợp để ngăn chặn thông tin xấu độc, ảnh hưởng đến việc học tập của các cháu khi học trực tuyến, Thủ tướng chia sẻ.

Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ TT&TT phải xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông để đảm bảo “sóng” cho các cháu, nhất là những vùng chưa có sóng hoặc chưa đạt chất lượng thì phải nâng cấp. Đồng thời xây dựng tiêu chí, điều kiện hỗ trợ máy cho các cháu, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng và sử dụng hiệu quả.

Với Bộ GD&ĐT, Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng chương trình học sao cho thống nhất về nền tảng dạy và học để đáp ứng được nhu cầu, thông qua việc kết hợp giữa phương pháp học trực tuyến và sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng.

Tinh thần giáo dục sâu sắc về tình yêu thương và trách nhiệm xã hội

Phát biểu tại lễ phát động Chương trình, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, dịch bệnh ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới hoạt động giáo dục và đào tạo khi hàng triệu học sinh phổ thông đã không thể tới trường học tập một cách bình thường.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em".

Hiện, cả nước có gần 20 triệu học sinh phổ thông. Trong đó có trên dưới 7.350.000 học sinh, thuộc 26/63 tỉnh thành trong cả nước đang triển khai học trực tuyến. 

Theo ông Sơn, “Hoạt động hỗ trợ, quyên góp, huy động “Sóng và máy tính cho em” là hoạt động thể hiện tinh thần nhân ái, đề cao giá trị tốt đẹp của người Việt Nam, nhưng đây cũng chính là một hành động mang tinh thần giáo dục sâu sắc về tình yêu thương và trách nhiệm xã hội cho học sinh”.

Ngành giáo dục sẽ phối hợp với các bộ ngành, các địa phương để tiếp nhận sự ủng hộ, điều phối, sử dụng hiệu quả, kịp thời, đúng đối tượng và công khai minh bạch, sử dụng hiệu quả những món quà mà toàn xã hội trao tặng và hỗ trợ cho học sinh.

Bộ GD-ĐT đang và sẽ tiếp tục điều chỉnh nội dung và phương pháp dạy và học trực tuyến, dạy và học trên truyền hình sao cho phù hợp với tình hình và thực tiễn chuyển đổi trạng thái nền giáo dục thích ứng với tình hình có dịch. 

Trọng Đạt – Thanh Hùng

Ngày 13/9: Đã có hơn 2.500 tỷ đồng ủng hộ máy tính cho học sinh nghèo

Ngày 13/9: Đã có hơn 2.500 tỷ đồng ủng hộ máy tính cho học sinh nghèo

Dưới đây là danh sách các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp và tổ chức  ủng hộ hơn 1 triệu máy tính với trị giá hơn 2.500 tỉ đồng cho chương trình.

Hàng nghìn tỷ đồng đóng góp vào quỹ “Sóng và máy tính cho em”
Tại lễ phát động, nhiều doanh nghiệp trong nước đã lần lượt công bố các khoản đóng góp lớn cho chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Các doanh nghiệp công nghệ sẽ miễn phí 6 nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam gồm: VNEdu, ViettelStudy, MobiEdu, Onluyen, Hocmai, Misa EMIS với giá trị ủng hộ lên tới 200 tỷ đồng .
{keywords}
 
Viettel, VNPT, MobiFone cam kết sẽ phủ sóng 100% các vùng lõm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội trong tháng 9 và trên toàn quốc trong năm 2021. Tổng kinh phí triển khai kế hoạch này lên tới gần 3.000 tỷ đồng.
Viettel, VNPT, MobiFone sẽ miễn phí 4Gb/ngày cho 1 triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khi được tặng máy tính trong thời gian 3 tháng để học tập trực tuyến.
Các nhà mạng cũng cam kết sẽ hỗ trợ các gói cước, hạ tầng CNTT phục vụ việc dạy và học trực tuyến như máy chủ, chỗ đặt máy chủ và đường truyền Internet. Kế hoạch này sẽ kéo dài trong 3 tháng với kinh phí dự kiến là 450 tỷ đồng.
Tính tới cuối lễ phát động, chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã nhận được tổng số tiền ủng hộ là 2.502,1 tỷ đồng, tương đương xấp xỉ 1 triệu chiếc máy tính từ các doanh nghiệp.
Các địa phương trên cả nước cũng đã ủng hộ, đóng góp được 63 tỷ, 8 máy tính và 630 điện thoại thông minh cho chương trình.

 

Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại chương trình "Sóng và máy tính cho em"

Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại chương trình "Sóng và máy tính cho em"

VietNamNet trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em". 

Phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại lễ phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em"

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Chương trình “Máy tính cho em"

VietNamNet gửi tới độc giả bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em". Đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm giúp các em tiếp cận được với môi trường học trực tuyến.

Phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại lễ phát động Chương trình 'Sóng và máy tính cho em'

Phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại lễ phát động Chương trình 'Sóng và máy tính cho em'

VietNamNet gửi tới độc giả bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em". Đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm giúp các em tiếp cận được với môi trường học trực tuyến.