Điều đặc biệt ở hình ảnh Hồ Chí Minh trên đồng tiền Việt Nam, đó là chân dung của Người được họa sỹ Nguyễn Sáng và Mai Văn Hiến khắc họa khi hầu như chưa một ai trong dân ta biết mặt vị Chủ tịch nước bởi khi đó, Người mới làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vỏn vẹn 4 tháng.
Tờ tiền mệnh giá 100 đồng, phát hành năm 1946 - 1949 |
Ngày 6/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ kỷ niệm 70 năm hình thành và phát triển. Với mọi ngân hàng quốc gia trên thế giới, đồng tiền của quốc gia luôn là hình ảnh thể hiện dấu ấn về sự trưởng thành và độ chững chạc của nó qua mỗi thời kỳ nhất định.
Hình ảnh đặc biệt
Với Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trước đây và Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày nay, có một điều rất đặc biệt, đó là hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được coi là hình ảnh cao đẹp được khắc họa trên mỗi đồng tiền mà chúng ta phát hành.
Mỗi một thời kỳ, mỗi một tờ tiền có mệnh giá khác nhau của Nhà nước Việt Nam luôn có một hình ảnh rất đặc biệt về lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Thời kỳ đầu của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, chính nhờ tình yêu bao la, thành kính của toàn dân với Người mà bản vị mỗi tờ tiền đều được bảo an có một phần nhờ uy tín tuyệt đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho dù chính quyền khi đó còn rất non trẻ, ngân khố quốc gia gần như chỉ là con số 0 tròn trĩnh và chất lượng tờ tiền được in ra còn rất kém...
Bên cạnh đó, hình thức của tờ tiền và chất lượng của nó ra sao cũng luôn được xem như một trong những "bộ mặt” của Ngân hàng Nhà nước.
Nếu nói đến yếu tố bảo an của bộ tiền năm 1946 thì phải thừa nhận chúng quá sơ sài. Mà càng sơ sài thì chắc gì dân đã tin! Ấy thế mà vào thời kỳ đó, có lẽ cũng rất lạ vì không thấy tài liệu nào nói về việc đồng tiền này bị làm giả cho dù cảnh thù trong giặc ngoài vô cùng phức tạp. Vậy thì phải chăng, đồng tiền không bị làm giả là có một phần vì sự yêu kính Chủ tịch Hồ Chí Minh đến vô bờ bến, người dân nước Việt vẫn luôn tin vào tiền Cụ Hồ nên đã giám sát, bảo vệ đồng tiền đó, đặng giúp Chính phủ Cụ Hồ và ra sức bảo vệ nó?
Các bộ tiền sau này, Ngân hàng Nhà nước đặc biệt coi trọng đến yếu tố bảo an, mục đích là gây khó cho kẻ in tiền giả từ bất cứ đâu.
Thế nhưng cần nhớ rằng, trước năm 1990, đất nước ta tuy đã có quyết định chuẩn bị hình thành nhà máy In tiền quốc gia nhưng vẫn còn phụ thuộc vào việc nhờ các nước trong phe XHCN như Liên Xô, Trung Quốc, CHDC Đức in giúp tiền có mệnh giá cao và chỉ in trong nước những tờ tiền mệnh giá thấp, thấp ở mức kẻ phá hoại cũng không muốn làm giả.
Niềm tin của người dân
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú mới đây trong dịp kỷ niệm 30 năm hoạt động của nhà máy In tiền quốc gia đã phát biểu: “Qua quá trình xây dựng và phát triển, nhiều chặng đường, nhiều giai đoạn nhưng trong thời kì khó khăn... chúng ta bắt đầu đổi mới.
Giai đoạn 2006 - 2007, có những lúc in ra, tiền chưa khô đã phải vận chuyển khắp mọi miền đất nước để đủ tiền cho lưu thông, máy phải chạy 3 ca, công nhân làm việc không ngừng nghỉ, không biết mệt mỏi.
Trong nhiều thời kì khác, trong bất cứ hoàn cảnh nào, giai đoạn nào, dù khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, kĩ thuật, kinh phí, tiền lương hạn hẹp, nhưng nhà máy luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, sứ mệnh rất vẻ vang, đó là cung ứng đủ tiền mặt cho nền kinh tế, ngành Ngân hàng.
Những đồng tiền trong lưu thông hiện nay của đất nước như mạch máu, bất cứ chỗ nào thiếu, không đủ nuôi dưỡng cơ thể thì không thể có một cơ thể đủ mạnh. Ngân hàng Nhà nước cũng có tính toán đưa lượng tiền vào lưu thông, nhưng để có lượng tiền đó thì chỉ có duy nhất nhà máy In tiền quốc gia. Tất nhiên có giai đoạn phân cho xí nghiệp in của Ngân hàng Nông nghiệp hỗ trợ, mệnh giá nhỏ nhưng chủ yếu vẫn là của nhà máy”.
Ông cũng đánh giá rất cao việc các nhà thiết kế và họa sỹ đã sáng tạo ra các đồng tiền: “Rất nhiều cán bộ kĩ thuật, công nhân sáng tạo ra được nhiều quy trình mới, đáng lẽ phải mua nước ngoài. Đặc biệt, nói đến đồng tiền cũng phải nói tới thiết kế, in ấn, trang trí kĩ thuật rất đẹp, chưa bao giờ ở đâu có được hình ảnh Bác Hồ đẹp như trong đồng tiền, tạo ra niềm tin của người dân khi sử dụng đồng tiền. Đưa được hình ảnh Bác vào đồng tiền, dù trực diện hay chụp đều rất đẹp, đi vào lòng người. Đó là yếu tố quan trọng của đồng tiền...”.
Trong suốt lịch sử giai đoạn tiền giấy Việt Nam tính từ khi nước nhà giành độc lập năm 1945 đến nay, đã có trên 70 mệnh giá tiền có in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ở mặt trước. Đây quả là một điểm đặc biệt của tiền Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sau 70 năm ra đời và phát triển.
Theo nhà sưu tập tiền Việt Nam Phạm Minh Quốc, bộ tiền của Nhà nước Việt Nam đã qua từng giai đoạn: Đồng tiền tài chính phát hành 1946 - 1951; bộ tiền phát hành từ 1951 - 1959; bộ tiền phát hành từ 1959 - 1978; bộ tiền phát hành từ 1985 - 1987; và bộ tiền phát hành từ năm 1987 cho đến nay đã bao gồm bộ tiền polymer phát hành năm 2003.
Có những điều thú vị về tờ tiền Việt Nam chúng ta, đó là việc ta vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người còn sống. Đây là một trong hai trường hợp trên thế giới được đưa vào tiền lúc còn sống với hình ảnh trực diện, còn lại có thể có nhưng đều là hình nhìn nghiêng. Họa sỹ của chúng ta vẽ Người khi chính Người thời điểm năm 1945 và sau 1946 luôn bị mật thám theo dõi, truy tìm rất nguy hiểm, vậy mà hình ảnh của Người lại được in trên tiền, ai ai cũng đều có trong người.
Một điểm nữa, chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các thời kỳ đều có những nét riêng rất gần gũi với đời thường. Khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ, hình ảnh Người thể hiện sự lo lắng cho vận mệnh dân tộc lúc nhưng vẫn toát lên thần thái tự tại, ung dung, phong trần, đôn hậu. Sau này, trên đồng tiền giấy polymer, chân dung Người lại hiện lên rất đỗi hiền từ như một tiên ông...
Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển của ngành Ngân hàng, ngoài những thành tựu to lớn về kinh tế, uy tín về chính trị, chúng ta có cảm tưởng Bác Hồ kính yêu luôn dõi theo những bước đi của ngành, nhờ có những đồng tiền luôn được mang hình ảnh Bác.
Quốc Phong
Bác Hồ: Thấu hiểu cả đối thủ để thêm bạn bớt thù
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất thấu hiểu các giá trị văn minh, văn hóa, khôn ngoan và thấu hiểu cả đối thủ, để biết đối nhân xử thế thêm bạn, bớt thù.